|
|
Ngày cuối tuần người trẻ vẫn bận rộn với công việc. Ảnh: Bảo Phước |
Thấp thỏm trong ngày nghỉ
Lo lắng, thấp thỏm và cảm thấy không thoải mái trong ngày nghỉ là những cảm xúc mà Nguyễn Mạnh Tấn (26 tuổi, phường An Cựu) trải qua mỗi dịp cuối tuần. Anh kể, nhiều ngày cuối tuần, vừa dắt xe ra ngoài để đi gặp bạn bè hay đi chơi cùng gia đình thì sếp gọi điện báo có việc. “Những lúc như vậy, tôi đành hủy lịch hẹn rồi lao vào chiếc laptop để giải quyết việc khẩn của sếp giao”, Mạnh Tấn thở dài.
Làm việc tại một công ty đa phương tiện, Mạnh Tấn làm việc từ thứ 2 đến trưa thứ 7, được nghỉ từ chiều thứ 7 đến hết ngày chủ nhật. Tuy vậy, lắm khi anh phải gác lại ngày nghỉ vì việc đột xuất. “Nhiều lúc đã lên kế hoạch cho chuyến đi nghỉ cùng gia đình trong hai ngày cuối tuần, nhưng vì một cuộc gọi của sếp mà tôi phải mang laptop theo. Lúc đi chơi cũng phải kiếm những nơi có sóng Wi-fi, cũng chẳng có tâm trí thư giãn vì còn phải lo chuyện ở công ty. Thật khó để từ chối yêu cầu của cấp trên”, Mạnh Tấn bộc bạch.
Tình trạng bị "đánh cắp" cuối tuần đang xảy ra với nhiều bạn trẻ. Từ nhiều tháng nay, Trần Minh Thế (24 tuổi, phường Phước Vĩnh) đã quen với việc ngày cuối tuần phải tăng ca. “Cũng muốn có cho mình ngày nghỉ để vui chơi cùng gia đình, bạn bè nhưng cứ đến cuối tuần lại được sếp ủy thác đi gặp gỡ đối tác hay đảm nhiệm các chương trình ngoài giờ của công ty. Tôi muốn nghỉ ngơi, chẳng ham vài trăm ngàn tiền phụ cấp làm thêm giờ, nhưng vì còn trẻ, lại nghĩ được sếp tin tưởng nên chẳng dám từ chối”, Minh Thế chia sẻ.
Các công ty cần tuân thủ luật lao động
Theo nghiên cứu trên 134.260 nhân viên tại hơn 900 tổ chức trên toàn cầu của hãng phần mềm ActivTrak vào năm 2022, một nhân viên làm việc trung bình 6,6 tiếng mỗi cuối tuần, tăng 5% so với năm 2021.
Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh, thông thường trong hợp đồng lao động được ký cũng như thời gian làm việc quy định của các công ty vẫn cho phép người lao động được nghỉ ngơi vào cuối tuần. Tuy vậy, hiện nay tình trạng người lao động làm việc cả vào cuối tuần đang khá phổ biến.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể do thói quen từ thời kỳ dịch bệnh, hoặc doanh nghiệp tư nhân muốn tăng lợi nhuận nên cố tình “bóc lột” người lao động, đồng thời người lao động cũng không hiểu rõ quyền lợi của chính mình, ngại bị đánh giá nên không dám từ chối. Dù là bất kỳ hình thức hay lý do nào, việc chiếm dụng thời gian nghỉ ngơi của người lao động là vi phạm pháp luật và thiếu tính nhân văn”, ông Trần Quang Vinh phân tích.
Do bị mất ngày cuối tuần, nhiều người lao động trở nên kiệt sức, căng thẳng, giảm năng suất và kéo nhau nghỉ việc. “Một số anh, chị trong công ty có rủ tôi nghỉ việc, chuyển sang làm ở nơi khác để được đãi ngộ tốt hơn, có thời gian để chăm sóc cho gia đình. Nhưng vừa vào làm công ty được hơn một năm nên tôi chưa có dự định nghỉ”, Mạnh Tấn chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Đức Quang Minh (TP. Huế), Luật Lao động 2019 đã quy định rõ giờ làm việc bình thường không quá 8 tiếng một ngày và 48 giờ một tuần nên mọi doanh nghiệp, đơn vị cần tuân thủ luật lao động, cũng như có thời gian nghỉ ngơi cho nhân viên. Trong trường hợp buộc phải tăng ca vào cuối tuần cần sắp xếp thời gian nghỉ bù, chế độ phụ cấp để người lao động phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần. Người lao động cũng cần làm rõ các điều khoản về thời gian nghỉ, khối lượng công việc khi thỏa thuận việc làm. Nếu nhận thấy cấp quản lý có dấu hiệu vi phạm luật lao động, nhân viên có thể kiến nghị lên công đoàn của công ty hoặc các tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp để được hỗ trợ.
“Dựa theo các quy định của Luật Lao động hiện hành, khi cơ quan tổ chức làm thêm phải nhận được sự đồng ý của người lao động. Khi người sử dụng lao động huy động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định thì sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với cá nhân và tùy vào quy mô người lao động vi phạm”, luật sư Nguyễn Đức Quang Minh phân tích.