ClockThứ Năm, 02/11/2017 13:31

Người nghèo xin thoát nghèo

TTH - Năm 2016, xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) có 5 hộ chủ động xin thoát nghèo cho thấy những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và việc thay đổi nhận thức, tư duy của người nghèo.

Phát triển chăn nuôi heo giúp gia đình bà Ngô Thị Huệ thoát nghèo

Dừng chân trước ngôi nhà cấp 4 khang trang mới xây, ông Ngô Viết Vinh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam xã Thủy Phù giới thiệu, đó là căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hường (thôn 5) đang nỗ lực thoát nghèo.

Bà Hường bộc bạch, bản thân sức khỏe kém, hay đau ốm, một mình nuôi 2 con ăn học nên trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, túng thiếu. Được sự quan tâm, giới thiệu của chính quyền xã, mấy năm trước gia đình may mắn tham gia chương trình “Vượt lên chính mình” và nhận được một số vốn. Gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi heo, gà và bản thân bà được xã tạo điều kiện bố trí công việc dọn dẹp ở chợ để kiếm thêm thu nhập. Từ một hộ thuộc diện nghèo, nay gia đình bà có khả năng thoát nghèo trong thời gian tới.

Theo ông Vinh, công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5% theo chuẩn vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Quỹ “Vì người nghèo” của xã được xây dựng và hoạt động có hiệu quả. Hàng năm, UBMTTQ Việt Nam xã vận động người dân, các tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ. Năm 2016, tổng số tiền quyên góp được 35 triệu đồng và năm nay dự kiến gần 60 triệu đồng, trong đó có doanh nghiệp ủng hộ 20 triệu đồng. Số tiền này dùng để thăm hỏi, động viên các hộ nghèo lúc ốm đau, hoạn nạn, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.

Để giúp đỡ các hộ nghèo hiệu quả, xã tiến hành khảo sát, phân loại cụ thể đối tượng hộ nghèo. Với hơn một nửa số hộ nghèo có sức lao động nhưng do thiếu định hướng phát triển, thiếu vốn, xã chọn hình thức mở các đợt đào tạo nghề; ưu tiên cho các hộ này tham gia các dự án nông nghiệp như trồng bưởi da xanh, nuôi lươn không bùn…, để phát triển kinh tế.

Điển hình là gia đình bà Ngô Thị Huệ (thôn 2), năm 2014, được sự động viên, định hướng của chính quyền xã, bà Huệ tập trung phát triển chăn nuôi heo. Có thời điểm trong chuồng của bà có 20 con heo thịt và 6 con heo nái, trung bình mỗi năm thu lãi hơn 50 triệu đồng. Năm 2016, gia đình bà Huệ chính thức thoát nghèo.

Năm 2015, Thủy Phù có 154 hộ nghèo, với trên 3.200 khẩu, chiếm tỷ lệ 5,03%. Sau 2 năm nỗ lực giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 4,02% (130 hộ), đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo của xã nông thôn mới.

Đối với những hộ nghèo có nhà tạm hay không có nhà ở, UBMTTQ Việt Nam xã phối với các đoàn thể giúp đỡ cải tạo, xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa. Riêng năm 2016 – 2017, với nguồn kinh phí từ UBMTTQ Việt Nam xã và  sự giúp sức của các nhà hảo tâm đã xây dựng được 5 ngôi nhà. Ngoài ra, xã còn tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ hỗ trợ 27 hộ khó khăn xây dựng nhà phòng chống bão lụt, mỗi hộ 20 triệu đồng; trích quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ thêm tiền xây nhà. Với các hộ nghèo do không có sức lao động, UBMTTQ Việt Nam xã có hình thức hỗ trợ giúp đỡ phù hợp.

Để tránh tư tưởng ỷ lại, giúp đỡ không đúng đối tượng, UBMTTQ Việt Nam xã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức đúng đắn, tự xin thoát nghèo nếu đủ điều kiện. Ông Vinh ví dụ, hộ nghèo được hưởng chính sách miễn phí bảo hiểm y tế nên một số hộ không đủ điều kiện nhưng vẫn tìm mọi cách xin vào hộ nghèo. Xã đã vận động tất cả các hộ gia đình đều tham gia bảo hiểm y tế nên không còn tình trạng này.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, Thủy Phù còn lồng ghép công tác giảm nghèo trong việc xây dựng, thực hiện quy ước làng, xã. Đó là, các hộ nghèo khi có ma chay, cưới hỏi sẽ nhận được sự giúp đỡ của cả cộng đồng, nhưng không được tổ chức linh đình, lãng phí, không phù hợp với hoàn cảnh gia đình, góp phần giúp hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Return to top