Các vật dụng trong nhà trung chuyển được thiết kế phù hợp với người khuyết tật
Cách đây 2 năm, tai họa ập đến khiến chị Đặng Thị Ngọc Sơn (xã Phú Lương, huyện Phú Vang) trở thành NKT. Sau nhiều lần điều trị, sức khỏe chị dần ổn định và được chuyển đến nhà trung chuyển ở Trung tâm Y tế huyện Phú Vang để làm quen với hoàn cảnh mới trước khi trở về với cuộc sống đời thường. Ở đây, chị tập vo gạo nấu cơm, nhặt rau, rửa bát, di chuyển từ xe lăn vào giường… Chị Sơn chia sẻ: “Ngôi nhà này rất tiện lợi, tất cả các vật dụng đều được thiết kế ở tầm thấp, phù hợp cho người đi xe lăn sử dụng nên tôi làm khá dễ dàng”.
Bị thương tật ở tay nên những việc tưởng chừng đơn giản, như: tự rót nước uống, thay quần áo, mở tủ, nấu ăn… nhưng ông Phan Chất (xã Vinh An, huyện Phú Vang) vẫn phải tập luyện. Sau khi điều trị, tập vật lý trị liệu, ông Chất được chuyển đến nhà trung chuyển để tập cách sử dụng các vật dụng thường ngày, tự vệ sinh cá nhân. Ông Chất cho hay: “Những vật dụng trong ngôi nhà này đều đảm bảo các tính năng thiết kế đơn giản, dễ sử dụng cho người bệnh, từ tay nắm cửa, vòi nước, ổ cắm điện, công tắc đèn… Mô hình này rất hay, người bệnh, người khuyết tật có thể áp dụng trang bị ở nhà”.
Nhà trung chuyển tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang là công trình đầu tiên của dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” được thực hiện bởi Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Mô hình này vừa được đưa vào sử dụng đầu tháng 12 năm nay, giúp cho người bệnh, người khuyết tật có cơ hội thực hành các chức năng sinh hoạt hàng ngày trước khi trở về cộng đồng, gia đình để tái hòa nhập một cách độc lập.
Được xây dựng với sự hỗ trợ của các chuyên gia về y tế, xây dựng, nhà trung chuyển được thiết kế và yêu cầu kỹ thuật tuân thủ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các yêu cầu về y tế nhằm đảm bảo người bệnh là người khuyết tật có thể tiếp cận tối đa. Ngôi nhà có không gian ngủ, bếp và bàn ăn, giường, tủ, bàn ghế, ti vi, nhà vệ sinh… Các hoạt động thực hiện trong nhà trung chuyển tập trung vào thực hành thành thục các chức năng sinh hoạt cơ bản, như: di chuyển, tự mặc quần áo, ăn uống, nấu ăn, vệ sinh cá nhân và tham gia các hoạt động cộng đồng khác. Trong ngôi nhà này, khu vực dành cho đi lại phải đủ không gian để đi lại bằng xe lăn, được chiếu sáng tốt, không có chướng ngại vật trên sàn, sàn không trơn trượt.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm ACDC chia sẻ, ý tưởng xây dựng mô hình nhà trung chuyển xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân chị: “Tôi là người đi xe lăn và rất bất tiện khi sử dụng giường, bếp, bàn ghế... trong nhà, phải phụ thuộc vào những người khác trong gia đình. Tôi nghĩ, phải có những vật dụng theo quy chuẩn phù hợp với những người như tôi để có thể sử dụng được một cách độc lập. Tôi đã tìm hiểu các mô hình quốc tế, đề đạt ý tưởng và được tài trợ dự án xây dựng mô hình nhà trung chuyển cho NKT”.
Đang là người bình thường, gặp nạn và trở thành NKT, đa phần người bệnh không biết làm thế nào để trở về với cuộc sống bình thường. Mô hình nhà trung chuyển là bước chuẩn bị, giúp cho người bệnh, NKT có cơ hội thực hành các chức năng sinh hoạt hàng ngày trước khi trở về cộng đồng, gia đình để tái hòa nhập một cách độc lập.
Bà Lan Anh nhấn mạnh: “Mô hình nhà trung chuyển đã được xây dựng và áp dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới, hỗ trợ NKT tiếp cận và thực hành các chức năng, kỹ năng sinh hoạt hàng ngày mô phỏng giống như đang sinh sống và làm việc tại cộng đồng, gia đình. Nguyên tắc chung xây dựng mô hình nhà trung chuyển phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản cho NKT, phù hợp với từng nhóm khuyết tật thì việc áp dụng vào thực tiễn huấn luyện, hỗ trợ NKT mới đem lại hiệu quả”.
Nhà trung chuyển được xây dựng tại khoa phục hồi chức năng của bệnh viện, đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành mô hình trong quá trình phục hồi chức năng cho NKT ngay sau giai đoạn điều trị. Ông Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cho hay: Sau khi điều trị vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu hoặc tâm lý liệu pháp tạm ổn, bệnh nhân sẽ được vào nhà trung chuyển từ 3-5 ngày để tiếp cận, làm quen. Vẫn là những vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình nhưng độ cao, cách thức thiết kế của chúng an toàn, đảm bảo NKT có thể sử dụng được mà không cần sự hỗ trợ của người khác, mục đích cuối cùng giúp bệnh nhân tự chăm sóc mình.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Phú Vang có khoảng 10 ngàn NKT, trong đó khoảng 2.300 người khuyết tật vận động, do đó nhu cầu của mô hình này rất cần thiết. Người nhà bệnh nhân có thể tham khảo mô hình để làm những vật dụng trong nhà phù hợp với hoàn cảnh của bệnh nhân.
Bài, ảnh: MINH HIỀN