ClockThứ Sáu, 17/02/2023 14:56

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

TTH - Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Bánh canh chả cua, bún chả cáBánh tế điều từ sen hồ Tịnh

Bánh nậm Huế, cái bánh của ký ức, của tình thân

Gọi cô chủ quán làm cho mỗi loại một ít, ăn cho hả cái dạ dày. Chừng 5 phút sau cô chủ quán bưng ra những chiếc bánh nóng hổi được bày trí rất gọn gàng trên dĩa. Nhìn thấy dĩa bánh nậm, trong tôi tự nhiên lại thấy rưng rưng nhớ về nội và những cái bánh tương tự, điều mà giờ đây chỉ còn là kỷ niệm.

Nhớ hồi còn bé, mỗi lần ra Quảng Trị thăm tôi, nội luôn mang theo một cái xắc lào (túi đeo). Bên trong túi ấy lúc nào cũng có đùm bánh nậm thật to và mấy gói kẹo cau làm quà cho mấy đứa cháu.

Hay mỗi khi nghe ba mẹ khuyến khích học cho giỏi, nghỉ hè này sẽ “thưởng” cho chuyến vô Huế thăm ông mệ nội. Nghe thế anh anh em tôi ai cũng hào hứng và cố gắng học thật giỏi để được vô Huế chơi, thăm ông mệ, và đặc biệt được ăn món bánh nậm của ông mệ.

Ông mệ nội tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuộc huyện Phong Điền, phía bắc của Huế. Cũng như dân làng nơi đây, cuộc sống của ông mệ chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm bánh nậm.

Ông làm mệ bán. Từ sáng sớm tinh mơ như một thói quen, mệ dậy đi chợ mua đủ loại nguyên liệu như tôm, thịt để làm nhân. Trong khi đó, ông ở nhà cặm cụi nhồi bột, lau từng thớ lá thật sạch, xếp ngay ngắn lên nhau. Lần lượt những chiếc bánh qua tay hai ông mệ thành hình, đưa vào luộc và khi còn nóng hổi, những chiếc bánh ấy theo mệ lang thang khắp các nẻo đường để phục vụ thực khách.

Có lần nội từng kể, nghề này không phải là nghề gia truyền ông bà để lại. Nội học lại từ các chú trong làng. Bên cạnh nguyên liệu tươi, sạch, ngon, để có chiếc bánh hoàn hảo và đậm đặc hương vị Huế đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và cái tâm của người làm.

Sao cho bánh phải được cân đối đúng tỷ lệ với nước, khi đun sôi cần phải khuấy đều bột bánh để có được độ đặc phù hợp, tránh bị nhão hoặc bị khô. Đây là khâu quan trọng nhất vì nó quyết định độ mềm và hương thơm đặc trưng của món bánh nậm.

Công đoạn gói bánh cũng vậy, cũng đòi hỏi độ tỉ mỉ. Lá chuối sau khi lau sạch, rọc đôi thành hai lớp thì phải thoa dầu ăn chống dính và một lớp bột mỏng vào giữa. Về phần nhân bánh cũng phải trải dọc đều theo bột, bánh phải được gói theo hình chữ nhật, vuông vắn, bắt mắt, rồi sau đó đem đi hấp, canh lửa vừa tầm 25-30 phút.

Chiếc bánh ngon là chiếc bánh hội tụ được vị ngọt bùi, béo ngậy của tôm thịt ẩn sau những chiếc lá và qua từng thớ bánh mịn màng của gạo.

Nội từng kể thêm, bánh nậm ngon hay không còn tùy thuộc vào “tay nghề” pha nước chấm. Thông thường cứ bốn chén nước lọc cho thêm 1/2 chén đường đun nhỏ lửa, sau đó cho vào 1/2 chén nước mắm ngon rồi khuấy đều, thêm ít nước cốt chanh hòa lại với nhau nó sẽ làm cho nước chấm có vị thanh thanh, ngọt dịu.

Những lời của ông mệ nội từng kể dù đã dĩ vãng, nhưng nó như ký ức, thước phim quay chậm hiện tại với tôi. Chiếc bánh nậm của nội, chiếc bánh nậm Huế không chỉ là một món ăn, mà mỗi khi nhắc về nó dường như lại làm cho tôi có một chút khắc khoải, chút nhớ về cái tình mà ông mệ đã dành cho chiếc bánh, dành cho con cháu của mình. Và rồi nó đã là một phần không thể thiếu của tuổi thơ, của tôi ngày hôm nay.

NGỌC AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Công ty yến sào Khánh Hòa Gà nướng cơm lam Tổng kho tủ cơm 4 khay inox giá rẻ Máy làm sữa hạt Medion cao cấp
Return to top