Quê tôi nằm sát cửa lạch của một con sông nhỏ ở miền Trung. Biển rộng, sông dài mang đến cho làng tôi nguồn cá, tôm vô tận. Bởi vậy, trong bữa ăn hàng ngày của bà con dân làng gần như bữa nào cũng có các loại món ăn làm từ thủy, hải sản.
Nhà tôi cách đây mấy chục năm thuộc các hộ nghèo trong làng. Cha tôi mất sớm, mẹ tôi đòn gánh đè vai chạy chợ xa, chợ gần “buôn thúng, bán mẹt” kiếm tiền nuôi con ăn học. Bởi vậy, trong bữa ăn hàng ngày của gia đình tôi không mấy khi có các loại cá ngon, cá quý như “chim, thu, nhụ, đé” (cá chim, cá thu, cá nhụ (còn gọi là cá ngứa), cá đé - tức cá bẹ). Cá biển trong bữa ăn hàng ngày của mẹ con tôi phần nhiều là các loại cá nhỏ, lắm vảy, nhiều xương như cá dóc, cá tràu vỏ, cá trích...
Để ăn được các loại cá này một cách ngon lành, không bị hóc (mắc) xương, mẹ tôi thường dùng cách kho bở cá. Mua cá từ chợ về, mẹ tôi rửa sạch cá rồi sắp chúng thành hai ba lớp trong một cái nồi làm bằng đất nung. Đáy bên trong của cái nồi đất (quê tôi gọi là “cái trã”, “cái trách”) này, bà thường cắt một ít lá hoặc vỏ cây nứa lót vào để cá không bị dính nồi. Sau khi cho đủ nước mắm, nước và một miếng kẹo đắng nhỏ vào nồi kho cá, mẹ tôi bắc nồi cá lên bếp kho cho cá chín tới, tiếp đó, đậy kín vung và vùi nồi cá vào một đống trấu đang cháy âm ỉ ngoài sân. Nồi cá kho được đống trấu cháy đỏ đốt nóng suốt đêm. Sáng ra, cá trong nồi chín nhừ, xương, vảy đều bở hết...
Cá kho bở ăn với cơm thật ngon. Dù cơm có phải độn sắn, độn khoai thì mọi người trong gia đình đều vui vẻ ăn uống, bởi “miếng cá làm vạ miếng cơm”. Lớn lên, đi dạy ở nơi xa, mỗi lần về quê thăm nhà, được ăn miếng cá kho bở do mẹ kho, tôi vô cùng vui sướng và thấy mình thật hạnh phúc.
Trần Hoàng