ClockThứ Bảy, 26/12/2020 10:46

Như yêu một đóa hải đường

TTH - Sau bão lũ, cây xanh Huế “một phen mưa gió tơi bời”, tôi đến nhà chị lòng buồn buồn ngắm khu vườn mới hôm nào xanh mướt, mát rượi mà nay xác xơ như người ốm lâu ngày. Hai hàng hoa lan đất chị trồng làm đường viền lối đi vào nhà, thường ngày gặp trời mưa thế này tha hồ mà tươi hồng nay lụi đi vì bị nước lụt ngâm lâu ngày, nhưng chắc chắn là cây vẫn sống. Cái loài lan đất này vốn kiên cường, “nhìn hoa thấy mỏng manh nhưng mạnh mẽ y như con gái Huế vậy”, có lần chị so sánh ví von vậy làm tôi cứ mắc cười bà chị ở trong Huế mà mê Huế không cho ai theo kịp.

Phòng hậu sinhKhi bão lũ đi quaĂn cơm ống hút

Tôi để lại những bước chân mình trên lớp bùn non mỏng. Vẫn biết rằng rồi đây nguồn dưỡng chất này sẽ “dâng tặng” cho khu vườn những sắc màu rực rỡ, thắm tươi của hoa lá, nhưng quả thật cái ý nghĩ ấy vẫn không làm cho tôi vui lên được. Cuộc hồi sức này chắc sẽ còn lâu. Trận mưa lớn đêm qua làm khu vườn càng thêm ướt át, trĩu nặng, tôi đưa mắt bâng quơ nhìn quanh khu vườn như kiểu nhìn của bác nông dân lặng lẽ bao quanh mảnh ruộng và biết chắc không còn gì sau cơn đại hồng thủy.

Bỗng tôi không tin vào mắt mình, bên hiên nhà, nơi có chiếc lu hứng nước mưa đặt cạnh cái am bà, bụi hải đường lấp ló những bông hoa màu hồng son. Giữa cái màu xam xám buồn của bầu trời, những đốm hồng son ấy tuy không đủ sức làm bừng sáng cả khu vườn nhưng nó như một lời thì thầm chuyển đi thông điệp ẩn nhẫn của cỏ cây, của đất đai, rằng bao giờ vẫn còn một mầm sống sau những tai họa. Nhìn điểm son ấy, tôi bỗng nhớ đến một người anh họa sĩ Huế, chuyên vẽ tranh bằng ngón tay. Tranh của anh bao giờ cũng có một điểm màu đỏ, nhỏ thôi nhưng đủ sức để cho những con đò trong màn sương mờ sông nước Huế có hơi ấm của con người, của niềm tin và hy vọng.

Khu vườn nhà chị là một bộ sưu tập hoa, cao sang quý phái hay bình dân chân quê gì cũng có, hoa sim miền núi cũng về góp mặt. Chị “cưng” mỗi loài hoa một kiểu nhưng tôi để ý chị dành một tình yêu đặc biệt, gần như là giấu kín cho hoa hải đường và tôi may mắn được chia sẻ tình yêu với chị. “Em ơi, lên vườn ngắm hải đường đón gió đông!”. Loài hoa chi mà lạ kỳ, gió đông càng lạnh thì sắc hoa càng thắm, nhớ có lần tôi đã trách yêu hoa hải đường như thế.

Mỗi cánh hoa rơi được xem như là kết thúc một đời hoa. Với chị, chị nâng niu hoa lá trong vườn theo một cách rất riêng, không chỉ hoa trên cành  mà hoa rụng vẫn được chị tiếp tục trao một đời sống mới. Trên cái chạc ba tre chống cho cây tùng là bẹ hoa chuối sứ màu đỏ vừa rụng và trên đó là một đóa hải đường. Đẹp và nghệ thuật. Không có gì không thể tiếp tục một cuộc sống mới. Có lẽ sáng nay chị ra vườn sớm, khi tôi vào nhà thì chiếc chậu sứ xanh đã được đổ đầy nước và trên đó là những bông hải đường chị nhặt từ vườn vào. Rồi trên chiếc đĩa gốm xưa, chị xếp năm đóa hải đường cánh màu hồng son như e thẹn nép vào nhau. Tôi nói với chị: “Xưa nay người ta nói phụ nữ là một bông hoa, em không muốn phụ nữ là hoa vì mau tàn, bị gió mưa vùi dập”, chị nhìn tôi mắt ánh lên vẻ tinh nghịch, hóm hỉnh. “Hoa hải đường không phải là phụ nữ mà là một cuộc tình. Dù hoa rụng xuống nhưng cánh hoa vẫn che chở ôm ấp cho nhụy vàng êm ấm bên trong”. Tôi đã xem bao nhiêu là bộ phim ngôn tình nhưng chưa nghe ai nói hay như chị: “Nếu là đàn ông, khi tỏ tình chị sẽ nói anh yêu em như yêu một đóa hải đường”.

Ôi chao, người chị Huế rặt của em, điều gì làm chị mạnh dạn nói ra cái điều mà những cô gái Huế thuộc thời của chị luôn được dạy là phải giấu kín trong lòng. Nhớ có lần tôi hỏi sao chị yêu hoa hải đường như thế, rằng em nghe nói hải đường có sắc không hương, con gái không nên thích hoa hải đường, lúc ấy chị không cười nữa mà nói như chỉ đủ cho mình chị nghe: “Có những hương thơm không phải để cảm bằng khứu giác mà phải cảm bằng tinh khí của đất trời ẩn vào trong đó em ạ, như bông hoa hải đường này, em có nghe thơm mùi nước mưa không, có nghe mùi gió trời mát lạnh không, đó là làn hương tinh khiết nhất đó em”.

Có những điều không bao giờ nói ra được, tất cả chỉ là cảm nhận. Mãi sau này tôi mới biết, chị yêu hoa hải đường vì đó là bông hoa đầu tiên chị nhận từ một người con trai, kiểu người chưa nói mà tình như đã. Cũng chỉ là tuổi học trò nhưng chị nhớ mãi.

Ôi, chị ơi bây giờ thì em tin nước sông Hương cũng chung tình đó chị.

XUÂN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top