Chị chạy qua bên Gia Hội, mua chục mét bạt xanh hai da, về hai vợ chồng vừa căng bạt vừa kéo bờ lô lên chằng chống mái nhà trong mưa. Làm phải ba bốn tiếng trong mưa. Rồi chị bệnh. Đơn giản lắm. Không phải cảm mạo sụt sịt ngâm nước này kia. Chỉ là mấy cái răng cửa của chị sau ngày dầm mưa tự nhiên ê buốt hết cả.
Xưa nay, chị là người giỏi chịu đựng. Ho hen, cảm sốt nhiều lắm chị cho thêm củ hành, củ ném vào thức ăn chứ không bao giờ sử dụng thuốc tây, cũng chẳng mấy khi đi khám bệnh. Chị sợ bệnh viện. Thật sự rất sợ. Hơn một năm chị chăm ba chồng với rất nhiều căn bệnh nan y trong người, lang thang hết khoa này qua khoa khác rồi bệnh viện cũng trả ông về. Từ đó, đến con đường đi vào bệnh viện chị còn không dám đi ngang qua, một phần vì sợ hãi, một phần vì nơi đó có nhiều kỷ niệm với chị quá.
Những cơn ê buốt răng của chị kéo dài hơn tuần thì bắt đầu đau nhiều. Chị vẫn cố chịu đựng vì nghĩ rằng, rồi mọi thứ sẽ qua như cái cách mà chị vượt qua cơn cảm xoàng đến khi trời chuyển mùa. Nhưng không, dường như những dây thần kinh cứ như đang đợi cơ hội để chơi vũ hội vậy, nó cứ tưng tưng làm chị đau đớn không thể tả. Sau hơn nửa tháng sống chung với cơn đau, chị tìm đến phòng khám nha khoa.
Đó là phòng nha của một bác sĩ có tiếng. Xưa khi chị còn nhỏ xíu đã nghe mẹ chị nói về vị bác sĩ này, thâm niên phòng khám cũng vài chục năm. Hàm răng của mẹ, chị nhổ gần hết răng nhai cũng từ phòng khám này. Chị nói với mẹ chị rằng chị đi nhổ răng. Răng không có bị sâu gì cả mà cứ đau âm ỉ. Mẹ chị nhìn chị bảo:
- Ừ, đi nhổ đi chơ đau răng khổ lắm, nhìn cái mặt mi rọm rơ, mắt sâu rồi. Mi giống mẹ đó, răng không sâu mà cứ đau, nhổ rồi mới đỡ.
Mẹ chị nói vừa há hàm răng sún móm cho chị xem như một bằng chứng thuyết phục về hàm răng vắng đi hàng “hậu vệ” chỉ còn những chiếc “tiền đạo” vì bị sài dữ quá mòn hơn phân nửa. Mẹ chị già rồi. Gần bảy mươi tuổi rồi, tuổi móm mém ăn trầu rồi nên cũng chẳng sao với hàm răng thiếu như thế.
Chị đến phòng khám. Bác sĩ chỉ định chụp phim rồi nhổ cái răng khôn vì chị bảo ở đó đau nhiều nhất. Chị bảo rằng nhưng răng hàm của chị ê buốt hết cả. Bác sĩ lại bảo, “nhổ răng số 8 ảnh hưởng thần kinh đau cả hai hàm chứ không phải một”. Chị chậc lưỡi, thôi thì như thế nào cũng được, miễn chấm dứt cơn đau, cảm giác ê buốt sau một thời gian nữa thì dù có sún đi thêm một vài cái răng nữa cũng chẳng sao.
Nếu cuộc đời cứ như mình tính trước thì sướng biết mấy. Mười ngày sau nhổ răng, cảm giác đau nhức vẫn không thuyên giảm. Chị lại đến phòng khám. Huế đã trải qua mấy đợt lũ trong vòng hơn nửa tháng trời. Bầu trời cứ âm u, rồi mưa, rồi lạnh làm cảm giác đau tăng lên rõ rệt. Bác sĩ lại khám cho chị, bảo chị “bị nhiễm trùng ổ răng ướt” về uống thêm kháng sinh, kháng viêm vào. Mấy năm liền chị không động đến một viên thuốc giờ phải nhắm mắt nhắm mũi uống cả nắm trên tay. Chị lại thấy sợ. Dường như con người có quá nhiều sợ hãi thì phải. Đủ thứ để phải sợ ở trên đời. Như chị lúc này chị sợ đau, sợ cái đống thuốc đủ màu sắc kia. Nhưng, cuối cùng, vì muốn tìm lại cái cảm giác thoải mái của một người khỏe mạnh, chị đành phải làm theo đúng lời bác sĩ.
Giá như thuốc có thể chữa lành mọi bệnh tật được thì tốt. Những chiếc răng trắng trẻo của chị cứ nhức nhối bên trong kéo dài hơn một tháng mà vẫn không có dấu hiệu lành. Răng khôn đã nhổ, đã tìm hiểu đủ kiểu trên đời vẫn không biết mình mắc bệnh gì. Chị đánh liều hay đổi phòng khám răng xem thế nào.
Chị giã từ phòng khám gắn liền với gia đình chị mấy mươi năm đó. Tìm đến một nơi khác. Chiều chủ nhật. Phòng khám mới bác sĩ nghỉ sớm. Chị đến cũng hơn bốn giờ chiều rồi. Đành ngồi đợi. Ngồi đợi hơn nửa giờ đồng hồ thì bác sĩ quay lại. Chị chỉ vừa mới nằm lên bàn khám, há miệng và nói triệu chứng, bác sĩ đã chỉ định chị đi chụp phim toàn hàm.
Cuối cùng cầm tấm phim chụp, bác sĩ bảo chị có một nang xương hàm khá to. Nó gần như đã đục khoét hết phần ổ xương hàm của chị nên mới đau nhức và ê buốt như thế.
- Nhập viện thôi, cái này phải mổ, nạo ra rồi mua xương đổ vào ổ hàm mới được. Nếu không thì không thể giữ được răng và gãy xương hàm làm biến dạng khuôn mặt.
Bác sĩ hỏi chị có bảo hiểm không. Chị nói rằng không. Gần cả chục năm rồi, chị có việc gì làm ổn định đâu để mua bảo hiểm. Mà chị cũng chủ quan, năm nào cũng mua cho ba mẹ chứ nhất định không mua cho mình. Chị cứ bảo rằng người già mới lo bệnh, chứ trẻ như chị dễ gì. Với bảo hiểm cũng tốn một khoản tiền kha khá.
Mắt chị sụp xuống. Cảm giác mọi lời nói ra đều nghẹn lại ở cổ. Chị hỏi bác sĩ bằng cái giọng nghèn nghẹn “Nếu không có bảo hiểm thì chi phí phẫu thuật có nhiều không ạ?”. “Tầm vài chục triệu vì phải điều trị giữ răng và tiền mua mấy lọ xương nữa, vì nang của chị quá to rồi, rất khó để tái tạo lại tự nhiên được”. Chị im lặng. Cái khoảng im lặng đáng sợ trước mắt, giờ mà mổ thì chi phí đâu ra. Và phải ăn nói với chồng chị về căn bệnh này như thế nào. Mọi suy nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu chị mà không thoát ra được.
Hôm nay, sau gần một tuần biết mình bị bệnh, Huế lại bước vào đợt lũ mới với một cơn bão sắp ghé qua. Cô bạn gái thời đại học của chị, đội mưa đến gửi cho chị một tấm thiệp cưới. Có lẽ, cô ấy là một trong những người cuối cùng trong lớp chị sắp tổ chức đám cưới. Con chị đã gần mười tuổi rồi. Chị nhận tấm thiệp. Bạn chị dặn rằng chị nhất định phải có mặt. Chị gắng cười và hứa chắc chắn phải tham dự mới được.
Bữa tối, sau mấy ngày nằm vật vã chỉ uống sữa và ngũ cốc. Mấy ngày rồi, chồng và con trai chị cứ ăn cơm hàng quán ở ngoài. Chị nuôi chó mèo cho vui, bình thường phải nấu cơm cho nó ăn giờ đau quá chị quên luôn cả những việc ấy. Người còn lo chưa được làm sao lo được cho chó mèo. Chồng chị có gì cho chúng nó ăn thì cho, còn không thì cứ cho nó gói mì tôm sống.
Hôm nay trời hưng hửng nắng, đám cúc họa mi chị trồng sau nhà qua mấy cơn bão còn sót bỗng hé mấy cái nụ rất dễ thương. Chị ngồi dậy, rời khỏi giường đi ra vườn, chồng chị nói với theo “Thấy hoa là thấy hết đau thì phải”. Chị không nói gì cả. Mà có nói cũng không được. Hàm chị sưng vù, nóng ran mặc dù trời thì đang lành lạnh.
Chị nấu nồi cơm, con trai chị lon ton phục vụ chị nấu nướng. Nó bảo “cả tuần rồi mẹ mới nấu cơm”, tối nay, chị nấu tô canh thịt bò với khế và đổ chả mấy quả trứng vịt. Dọn mâm cơm xong, chị với lấy cái máy xay, múc vá cơm cho vào máy rồi chan nước canh vào. Chị xay thiệt mịn. Cái cảm giác những ngày nuôi con mọn quay về lại trong chị, ngày xưa, thay vì nấu cháo cho con ăn thì chị toàn nấu thức ăn rồi xay với cơm. Giờ chị lại tự làm món đó cho mình. Cảm giác nghẹn ngào sao đó.
Hàm sưng to quá chị không há được bèn dùng cái ống hút, hút từng chút cơm xay cho vào miệng, chị phải ăn, phải có sức để còn xinh tươi trong ngày cưới của bạn chị và còn có sức để làm cuộc phẫu thuật hàm kia. Dù thế nào đi nữa cũng phải biết lo cho chính mình. Chị nghĩ thế và cố gắng.
Hết bão lũ, trời sẽ nắng lên và cây sẽ xanh tươi trở lại thôi. Cuộc đời đâu cứ âm u mãi được.
NAM GIAO