ClockThứ Bảy, 29/01/2022 13:05

Những cuốc xe ôm “cả năm dồn lại dịp Tết”

TTH.VN - Những cuốc xe cuối năm dồn dập, vất vả nhưng đó là niềm vui cả năm cộng lại với những người chạy xe thồ, xe ôm. Hết chở hàng trái cây vào sáng sớm, họ lại ngược xuôi đến các khu chợ hoa. Công việc những ngày cận tết có khi kết thúc sau 12h đêm.

Hỗ trợ người lao động nghèo phòng chống dịch COVID-19Hỗ trợ Nghiệp đoàn xích lô làm du lịch chuyên nghiệpKhám sức khỏe miễn phí cho 50 đoàn viên Khối nghiệp đoàn xích lô, xe thồXích lô Limousine

Dù vất vả nhưng với những người đạp xích lô những ngày này là niềm vui 

“Cả năm trời được dịp này. Cực mấy cũng chịu khó để có đồng vào đồng ra sắm tết cho gia đình”, ông Nguyễn Trực, vừa tất bật chất đống hàng lên xe ở chợ Đông Ba vừa thở hổn hển. Người lái xe thồ tuổi ngoài 60 nhưng có hơn 30 năm thâm niên trong nghề bảo rằng, chưa khi nào việc chạy xe thồ lại ế ẩm như năm vừa qua. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, vì thế xe ôm cũng không ngoại lệ.

Ngồi thống kê lại, tổng cuốc chạy năm qua cộng lại không bằng mấy ngày cuối năm. Ông Trực kể, do dịch bệnh nên việc nhập hàng hoá từ nhiều nơi về Huế không đều như các năm trước, lượng hàng tiểu thương giao dịch cũng giảm nhiều đã ảnh hưởng đến giới lái xe thồ hàng. “Ngày trước mình chạy liên tục, nhưng năm qua có ngày không có cuốc nào”, ông Trực nói và bảo rằng, tranh thủ những ngày cận tết, việc mua bán tăng, nhu cầu vận chuyển mạnh nên chịu khó “tăng tốc”.

Sau khi nhận chở hàng từ chợ này sang chợ khác, từ thành phố về các vùng quê vào buổi sáng, ông lại tranh thủ ăn vội bữa cơm rồi đến các chợ hoa nhận chở hàng từ các mối quen. Cứ thế từ 20 tháng Chạp đến nay, ông làm việc từ sáng sớm đến tối khuya. Thu nhập mỗi ngày từ vài trăm đến cả triệu đồng tạo thêm động lực và theo ông, “coi như làm bù lại cả năm qua, phần nữa kiếm thêm ít tiền phụ vợ trang trải sắm tết".

Không khó để nhận thấy cảnh xe ôm, xe động cơ ba bánh, xe xích lô… tất bật chở những “nụ xuân” đến các gia đình. Bất kể gần xa, cứ thuê là chở, những người làm nghề xe ôm cho rằng phải tranh thủ bằng mọi giá, bởi đây là cơ hội sau một năm "thất nghiệp". Vừa trở về sau khi chở một chậu hoa đào từ chợ hoa ở Trung tâm Văn hoá – Điện ảnh tỉnh (khu vực ngã 6), ông Nguyễn Bửu (Hương Sơ, TP. Huế) chưa kịp lấy sức đã được một người khác thuê chở cặp cúc lớn về Phú Thượng, cách đó khoảng hơn 3km.

Ông Bửu trước kia đạp xích lô chở khách du lịch. Vì dịch bệnh, ngành du lịch ảnh hưởng, những người đạp xích lô như ông cũng rơi vào cảnh bấp bênh. Sau đó, ông chuyển sang nhận chở hàng nhưng việc không nhiều. Đến những ngày Tết, nhu cầu thuê chở hàng cao, đặc biệt là chở hoa tết nên ông tranh thủ “xuống đường”. “Mỗi ngày kiếm năm ba trăm ngàn, số tiền như thế là khá cao sau gần hai năm trời nghề đạp xích lô gặp nhiều khó khăn”, ông Bửu trải lòng. Tuỳ theo quãng đường xa gần, giá chở 50.000 đồng lên đến 200.000 đồng mỗi lượt. Nhiều khách thuê thương lòng những phu thồ tận tuỵ, họ còn cho thêm.

Công việc vất vả, người chở thuê phải đối mặt rất nhiều rủi ro, chỉ cần sơ sẩy khiến cây gãy sẽ phải đền tiền cho khách thuê chở. Theo ông Bửu, có người vì vội vàng trong quá trình di chuyển dẫn đến bể chậu, gãy cây là chuyện thường. “Những ngày như vậy, có khi tiền công cả ngày cũng không đủ bù, cho nên anh em hay dặn dò nhau không nên tranh giành, gấp gáp đôi khi lợi bất cập hại”, ông Bửu nói thêm.

Với những người như ông Bửu, ông Trực nói riêng hay giới xe thồ nói chung, những ngày này họ luôn hy vọng thị trường mua bán sôi động. Như thế mới tạo ra nhiều công việc cho người làm nghề như họ. “Cực mấy cũng được, làm đến giờ Giao thừa rồi về cũng được, miễn là có tiền”, anh Nguyễn Văn Lâm, một người lái xe ôm chở hoa khẳng định. Anh Lâm cho rằng, mấy ngày qua thị trường hoa tết bắt đầu sôi động, dù lượng hoa không nhiều như năm trước nhưng đó cũng là tín hiệu vui. Ít nhiều gì, nhưng việc mua bán sôi động, người lái xe ôm như anh có việc làm đã là may mắn.

Người đàn ông tuổi ngũ tuần bảo rằng, năm nay thời tiết trước tết quá đẹp, nắng ráo, hoạt động mua bán thuận lợi. Việc chở hoa cho khách cũng khá dễ dàng, di chuyển thuận tiện. Ông Lâm hồ hởi, gần tuần nay công việc rất tốt, hy vọng mỗi ngày kiếm được chục cuốc xe thì tết này sẽ “ấm lòng” lắm.

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết

Sáng 11/2 (mồng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), trên các tuyến phố chính như Lê Lợi, Hà Nội, Lê Duẩn, Hùng Vương...và hai đầu cầu Phú Xuân, Dã Viên (TP. Huế), tình trạng kẹt xe diễn ra nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết giao thông để kéo giản lượng người, phương tiện qua lại an toàn.

Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết
Đi lễ nhà thờ họ

Trong mưa xuân lất phất bay ngày đầu tiên của năm mới, dân làng lại tề tựu về nhà thờ họ với mâm cúng đủ đầy, mang theo bao ước vọng.

Đi lễ nhà thờ họ

TIN MỚI

Danh mục hộp quà tặng tết cao cấp nhập khẩu
Return to top