Những lễ tân khách sạn thường phải làm việc "xuyên tết". Ảnh Đức Quang
Không nghỉ Tết chưa hẳn là đã tham công tiếc việc mà là “chớp lấy thơi cơ”. Đó thường là các loại hình dịch vụ liên quan đến nhu cầu ăn uống, vui chơi giải trí và đi lại.
Đặc trưng nhất là ngành dịch vụ du lịch. Nhiều năm kinh tế phát triển, mức sống nâng lên đáng kể cho một bộ phận người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Tết không phải ở nhà nghỉ ngơi, thăm nom người thân, bạn bè, sắm nhiều thứ đồ ăn thức uống đón tiếp, thết đãi khách khi họ đến thăm nhà mà còn là sắp xếp để cả nhà cùng đi du lịch, bằng rất nhiều phương tiện. Gần thì tự lái ô tô của gia đình. Xa hoặc nơi nào có điều kiện giao thông thuận tiện thì họ đi máy bay, tàu lửa. Thường cứ đón giao thừa xong, thắp hương bàn thờ (nếu có) vào ngày mùng Một, bước qua mùng Hai là họ đi.
Không ai thống kê đầy đủ nhưng du lịch dường như là một xu hướng ngày càng nhiều và ngày càng tăng, đặc biệt là lớp trẻ. Lớp người lớn tuổi ở thành thị, cũng vì con cháu mà theo đi cùng. Năm nay vì đại dịch nên ảnh hưởng rất nhiều đến xu hướng này. Du khách vắng thì những ngành phục vụ trong ngành du lịch cũng… nghỉ theo. Được nghỉ tết nhưng mà họ đón một cái tết không vui!? Hôm qua có một người bạn đến thăm, anh kể rằng nhà anh có 4 đứa con và dâu đều làm trong ngành du lịch, trong đó có một đứa chuyên là hướng dẫn viên tiếng Thái. Những năm trước cứ gọi là không có nghỉ tết, giữa Việt Nam và Thái đi như cơm bữa. Cả năm nay thì nằm ru rú ở nhà, tết cu cậu buồn cũng chẳng thèm… mua hoa. Đối với ngành du lịch, năm qua là một năm đầy sóng gió, cho nên… tết cũng buồn theo.
Những năm trước, chúng ta thấy rất rõ từ một lượng lớn du khách lưu trú tại các khách sạn và những điểm tham quan du lịch, chùa chiền và các nhà hàng… Dự đón được lượng khách nhiều nên các khách sạn, đặc biệt là các khu resort đều tăng ca tăng kíp. Vậy là những người làm trong ngành này ít khi được… nghỉ tết. Không nghỉ tết thì bố trí nghỉ bù sau tết, hoặc một thời gian thích hợp. Không nghỉ tết nhưng được cái, nếu phục vụ trong tết thì có nguồn thu nhập tăng hơn. Giá ngành du lịch như những năm trước, để… những người làm trong ngành du lịch được... không đón tết!
Cán bộ, chiến sĩ ở các khu cách ly T3 (Phú Thượng, Phú Vang) chăm lo bữa cơm cho người dân đang cách ly trong ngày tết. Ảnh Thanh Thảo
Ấy là nói về một ngành rộng lớn, có GDP chiếm đến mấy chục phần trăm trong nền kinh tế. Năm nào đó, trong “Gặp nhau cuối năm”, có một đoản khúc nói về “Một năm kinh tế buồn”. Năm nay đúng là một năm buồn của ngành du lịch!
Ở thành phố, người không nghỉ tết nhiều lắm!
Rất ít quán cà phê và nhà hàng ở thành phố này nghỉ ba ngày tết, họa hoằn lắm là họ nghỉ trước tết một hai ngày. Đó là thời điểm tập trung cúng tất niên, sắm sửa những thứ cho gia đình nên lượng khách giảm hoặc có kinh doanh cũng không hiệu quả. Còn lại là hoạt động xuyên tết. Cứ tưởng tết là người ta tập trung ăn uống ở nhà nhưng không phải vậy. Tết là dịp để đi cà phê, ăn uống, chuyện trò, quán xá với người thân, bạn bè, đặc biệt là lớp trẻ nên quan sát thấy quán nào cũng đông. Ở Huế có một đặc điểm là sinh viên và những người đi làm ăn xa về ăn tết rất đông. Ngoài gặp ở nhà họ còn thường gặp nhua ở quán. Đây có vẻ như là một đặc tính của người dân thành phố!?
Chúng ta cứ dạo một vòng quanh thành phố Huế mà xem. Những năm gần đây, có một xu hướng hình thành nên các phố nhà hàng (nghĩa là những nơi tập trung nhà hàng rất nhiều). Tết đến là những nơi này đông nghẹt khách. Đến đây không chỉ để gặp gỡ, ăn nhậu mà cái chính là để vui. Không khí rộn ràng, sôi động như vậy mới là… không khí tết. Vậy là những người phục vụ nhà hàng cũng không nghỉ tết. Nhân viên phục vụ nhà hàng được trả công cao hơn, có khi gấp hai ba lần. Tiền lấy từ đâu để trả cao? Là từ lượng khách tăng và từ giá. Khách tăng vài mươi phần trăm đã cho doanh thu lớn hơn. Giá tăng vài mươi phần trăm khách cũng chẳng phàn nàn. Vậy là khách cũng vui, chủ cũng vui, nhân viên cũng vui. Tết ấy mà!
Trước đây khi còn nghèo khổ, tết là để được ăn ngon. Còn bây giờ, xem ra tết là một dịp để tiêu dùng quán xá !? Các tiệm ăn bán vào buổi sáng hoặc ban đêm, lượng khách tăng lên rất nhiều. Đầu xóm tôi có bác bán “phở xe”. Tối ba mươi thấy bác nấu phở (ngược với mọi ngày là nấu vào buổi chiều). Hỏi bác đêm 30 cũng bán à bác? Bác bảo để bán sáng mùng Một. Nhiều năm buôn bán bác đã rút ra kinh nghiệm, sáng mùng Một nhiều người đi thắp hương mồ mả tổ tiên ông bà, đi thăm họ hàng gia tộc… thôi thì ghé ăn bác phở cho nhanh, nấu nướng làm gì cho mệt. Và đúng vậy, mới 9h đã hết xe phở, bác lại quay vô nấu tiếp để bán đêm mùng Một. Tô phở thường hai lăm ngàn thì giờ ba mươi ngàn, khách vẫn ăn đông và chẳng ai có ý phàn nàn giá cao hay thấp. Tết ấy mà! Các quán bánh canh cá lóc, bún thường bán vào ban đêm cũng thấy ít quán nào nghỉ bán.
Những người làm ăn khá giả chớp thời cơ; những người bán hàng rong cũng “chớp lấy thời cơ”: bì xoài, bì đậu phụng rang, mở quán bán các loại nước uống, nước dừa; mấy anh chàng đẩy xe bán các loại bóng bay cho con nít chơi… đều không nghỉ tết. Cho nên thấy vậy, chứ bản chất của những người không nghỉ tết không phải ai, giới nào cũng như nhau. Người làm ăn lớn khác, người nghèo khác. Người làm ăn lớn kiếm thêm được nhiều tiền. Những người nghèo, bán hàng quán nhỏ, bán hàng rong… không biết doanh thu có thật sự tăng không, nhưng dường như ở họ, chẳng bao giờ nghỉ tết !?
Lê Phương