ClockThứ Tư, 10/02/2021 21:21

Cần mẫn mưu sinh ngày giáp tết

TTH.VN - Khi không khí đón tết rộn ràng khắp các nẻo đường, những người lao động nghèo vẫn tất bật mưu sinh để kiếm thêm thu nhập, trang trải lo tết cho gia đình.

Ra khơi ngày mưa, rétMưu sinh giữa giá rétVượt khó mưu sinhNgười lao động xoay xở mưu sinh trong mùa dịch

Dịp tết, nhiều người chuyển sang buôn chuối, trái cây để kiếm thêm thu nhập

Kiếm thêm tiền ăn tết

Quanh năm làm thợ nề nhưng cứ nghỉ tết, anh Ty lại xoay qua buôn chuối về bán. Che tấm bạt trên đường Nguyễn Huệ (TP. Huế), anh tỉ mẩn lựa từng nải chuối đẹp cho khách. Chuối tươi, giá cả phải chăng nên anh bán khá đắt hàng, sáng 29 tết vẫn tiếp tục nhập thêm hàng. Cả xe tải đầy chuối nhưng anh tự tin sẽ bán hết trong ngày 30 tết. Anh Ty kể: “Sau 20 tết, tôi tranh thủ buôn chuối kiếm thêm thu nhập. Năm nay, tui nhập về mấy trăm buồng chuối, lấy công làm lãi cũng đủ tiền tiêu tết”.

Cũng như anh Ty, mỗi khi tết về, anh Trần Văn Bê chuyển từ công việc đạp xích lô sang bán bao lì xì và đồ trang trí cây cảnh ngày tết. Từ 22 tháng Chạp, anh bày gian hàng nhỏ bán dạo trước công viên Thương Bạc. Mọi năm, công việc này giúp anh kiếm thêm tiền trang trải lo tết cho gia đình nhưng năm nay gian hàng của anh khá ế ẩm.

Anh Bê lo lắng: “Tết đến gần, tui vay mượn người thân, bạn bè được 10 triệu đồng làm vốn mua hàng về bán. Mấy năm trước tầm này bán được kha khá rồi nhưng năm nay ế ẩm, ít người mua phong bì lì xì. Chỉ còn 2 ngày nữa là tết, tui lo không bán hết thì không biết xoay tiền đâu trả lại cho người ta. Hàng này để sang năm sẽ bạc màu, coi như bỏ”.  

Ngày giáp tết giá lạnh, ông Tuấn vẫn cần mẫn sửa giày bên góc đường Trương Định. Tết đến, nhiều người có nhu cầu sửa giày, đánh giày nên công việc của ông cũng tất bật hơn, làm đến trưa 30 tết mới nghỉ. “Tết hàng nhiều hơn, tiền công cũng cao hơn chút đỉnh nên tôi cũng có thể lo được cho gia đình cái tết tươm tất”, ông Tuấn vui mừng kể.

Năm nay 54 tuổi, ông Tuấn có đến 40 năm gắn bó với nghề sửa giày. Vốn là nghề gia truyền, trước đây, ông đóng giày ở phố Chi Lăng nhưng khi hàng hóa đa dạng, không cạnh tranh nổi với thị trường, ông mưu sinh bằng công việc sửa giày. Công việc này giúp ông nuôi hai đứa con ăn học thành tài.

Thời gian “vàng” để làm ăn

Anh Thương lo lắng khi gian hàng của anh ế ẩm

Chợ Phú Bài (Hương Thủy) vào những ngày cận tết, các tiểu thương gần như không ngủ. Những gian hàng bán quần áo, đồ gia dụng, bánh kẹo, trái cây… đỏ đèn suốt đêm. Hàng tết tràn ngập, không khí buôn bán nhộn nhịp cả trong đêm khuya. Những câu chuyện rôm rả quanh chuyện giá cả, hàng hóa và cả chuyện sắm sửa ngày tết như xua đi giá lạnh và cả cơn buồn ngủ. Chị Mộng, một tiểu thương bán thịt gần 20 năm nay kể, tết năm nào cũng vậy, nhu cầu với mặt hàng này tăng cao nên mỗi ngày, chị bán gấp đôi, gấp ba. Lãi nhiều hơn nhưng cũng vất vả hơn, dường như suốt đêm không ngủ.

Giáp tết cũng chính là thời điểm tất bật của cánh bốc vác. Chợ Đông Ba đêm giáp tết, cả chợ nhộn nhịp như không ngủ, xe chở hàng hóa vào ra liên tục. Hàng nhiều, cánh bốc vác ở chợ cũng thức trắng đêm. Họ lấy đêm làm ngày, tranh thủ kiếm thêm tiền ăn tết. Bình thường, một ngày làm việc của cánh bốc vác bắt đầu từ 6h sáng hôm nay đến tận 6h sáng hôm sau. Ca làm đêm thường bắt đầu từ 1h sáng. Buổi tối, anh em bốc vác trải chiếu ở bãi giữ xe tranh thủ ngả lưng khi hàng chưa về bến.

Nghiệp đoàn bốc xếp Bắc sông Hương có 2 tổ, đảm nhận việc bốc hàng ở chợ Đông Ba, Bãi Dâu và hàng gạo ở cầu Gia Hội. Tất cả mọi người đều cùng làm và thu nhập được chia đều trong mỗi ca. Anh Xiêm, một người bốc vác ở chợ Đông Ba kể: “Công việc bốc vác vất vả, đòi hỏi sức khỏe bền bỉ, có khi phải ráng sức vác kiện hàng nặng cả tạ. Thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 5-6 triệu đồng nhưng vào những tháng cao điểm như tết được khoảng 10 triệu đồng”.

Cánh xích lô, xe thồ cũng coi tết là dịp “hái ra tiền”. Tại các khu vực chợ hoa, dù tối mịt nhưng vẫn rất đông xích lô, xe thồ đứng chờ khách thuê chở hoa về nhà. Anh Long, người đạp xích lô thường trực ở khu vực bán hoa trên đường Lê Duẩn kể: “Từ 20 tháng Chạp, cánh xích lô chúng tôi tìm đến các điểm bán hoa, cây cảnh vận chuyển thuê. Ngày nào dày chuyến cũng kiếm được vài trăm ngàn. Cả năm dịch bệnh, không có khách du lịch nên cánh xích lô rất khó khăn, những ngày giáp tết công việc nhiều hơn nên tôi cố gắng làm đến đêm 30 tết để kiếm tiền”.

Quanh năm bộn bề với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với những người lao động nghèo, giáp tết không phải là thời gian nghỉ ngơi mà là “thời gian vàng” để họ kiếm tiền ăn tết. Trên các tuyến đường, dễ dàng bắt gặp những đôi quang gánh, những chuyến xích lô, ba gác vận chuyển chậu hoa cúc rực vàng, cây mai cảnh đang hé nụ, đem mùa xuân đến cho mọi nhà. Ở các khu phố, nhiều người đang tranh thủ “chạy sô” dọn dẹp nhà cửa... Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, mỗi nghề nghiệp khác nhau nhưng đều đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để “cóp nhặt” thêm ít tiền với mong ước mang đến cho gia đình một cái tết tươm tất, ấm cúng hơn.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Thông báo tuyển dụng lao động đợt 1 năm 2024

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế (Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế) thông báo tuyển dụng lao động đợt 1...

Thông báo tuyển dụng lao động đợt 1 năm 2024
Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Return to top