ClockThứ Bảy, 07/09/2019 12:24

Những người lính trên địa đạo An Hô

TTH - Lưng áo mỗi lúc một ướt đẫm, mồ hôi chảy thành dòng dưới vành mũ tai bèo, nhưng những người lính già vẫn ngược dốc, ngược nắng, tiến về dãy An Hô trên đỉnh rừng A Lưới, nơi chiến trường một thời máu lửa. Đồng đội các anh, có người nằm lại mãi không về…

Địa đạo An Hô được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh

Đại tá Lê Sỹ Thái (ngoài cùng bên phải) cùng các CCB trong lòng địa đạo, dịp đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh

Ngày 27/7/2019, 63 cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, là những người lính 50 năm trước chiến đấu giành lại từng mỏm núi trên dãy An Hô để bảo vệ mảnh đất A Lưới đã có mặt tại xã Hương Nguyên, huyện A Lưới trong Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh địa đạo An Hô.

Kiên cường

Những CCB tuổi “xưa nay hiếm” chỉnh tề quân phục, đầu đội mũ tai bèo, đeo bi đông, với chiếc “gậy Trường Sơn” huyền thoại, theo đường mòn hẹp, ngược các cánh rừng keo, tràm, ngược nắng, ngược dốc. Đôi lúc có người lính già dừng lại, xúc động lắng nghe tiếng nước chảy như lời kể chuyện, vọng lên từ con suối A To dưới thung lũng sâu.

Trong tiếng nước âm vang có “câu chuyện” 50 năm trước. Những người lính tuổi đôi mươi từng vốc uống dòng nước A To mát lạnh. Cũng có lúc các anh âm thầm gửi vào dòng suối nỗi đau thương phải vĩnh biệt đồng đội vừa hy sinh, rửa sạch khói súng vương trên mặt, kiên cường bước tiếp vào trận chiến…

Lưng áo mỗi lúc một ướt đẫm, mồ hôi chảy thành dòng dưới vành mũ tai bèo. Nhiều chặng dốc đứng là thách thức với các CCB U70, U80. Đôi khi có người trượt chân ngã, nhưng các CCB vẫn tiến về phía trước. “Ở đây có tuổi trẻ chúng tôi, có máu xương của đồng đội. A Lưới là quê hương thứ hai. An Hô là nhà. Chúng tôi đang trở về nhà mình nên không khó khăn nào có thể cản được”- Đại tá, PGS.TS. Lê Sỹ Thái, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 1, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 trong thời kỳ chống Mỹ bộc bạch.

Nỗi xúc động vỡ òa khi bước chân các CCB “chạm” cửa địa đạo. Bất giác những người lính già chỉnh đốn lại quân phục, trang nghiêm giữa tiếng gió ngàn, lắng nghe hồn thiêng của đồng đội đã ngã xuống, nằm lại với núi rừng A Lưới. Hồi ức bi tráng, hào hùng cứ thế tuôn trào.

Cuối 1972, tại mặt trận Trị Thiên Huế, địch lấn chiếm vùng giải phóng phía tây Huế, dọc theo đường 12 (nay là đường QL 49 từ TP. Huế lên A Lưới), trong đó có dãy An Hô. Bộ Chỉ huy Sư đoàn 324 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 1 mở chiến dịch tấn công giành lại toàn bộ dãy An Hô, Tà Lương và cao điểm 620 trên đường 12. Từ đó xây dựng phòng tuyến sông Bồ - An Hô - Tà Lương – 620, nhằm ngăn chặn địch tái lấn chiếm, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng A Lưới, đồng thời làm bàn đạp tấn công giải phóng Huế sau này. Trong kế hoạch tác chiến được giao, nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa đạo tại dãy An Hô cực kỳ quan trọng, là nơi tập kết, dự trữ lâu dài trang bị và vũ khí cho đơn vị trong các chiến dịch tiếp theo.

Ngày 3/4/1973, Trung đoàn 1 tổ chức tấn công. Đại đội 2 cùng các đơn vị hoả lực phối hợp tiến đánh, chiếm được mỏm 1, đỉnh cao nhất của dãy An Hô. Sau hai tuần giằng co ác liệt với địch từng mét hào, từng căn hầm, nhiều người lính anh dũng hy sinh, chúng ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn 8 mỏm của dãy An Hô; tiếp tục xây dựng củng cố hệ thống hầm hào để chốt giữ.

Ngay sau khi làm chủ dãy An Hô, đại đội 17 công binh của Trung đoàn 1 lập tức khảo sát thực địa, chọn vị trí xây dựng địa đạo tại sườn phía tây mỏm 1 dãy An Hô. CCB Nguyễn Lễ (là kỹ sư địa chất thăm dò, nguyên Trung đội phó Trung đội 2, nguyên Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) và liệt sĩ Trần Quang Đại (sinh viên năm thứ 4, lớp khoan địa chất K12 Trường đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, lúc đó là Trung đội trưởng Trung đội 2) trực tiếp thiết kế và chỉ huy đào địa đạo.

Những người lính già nối nhau đi vào địa đạo, lặng lẽ cảm nhận kỷ niệm hào hùng lòng đất cất giữ qua bao năm tháng. CCB Trần Minh Đức, CCB Trần Văn Chiến (nguyên chiến sĩ các tiểu đội mộc, rèn) bất giác áp những bàn tay chai sần vào vách địa đạo. Chính bàn tay của các ông và đồng đội đã đốt ủ than hoa từ cây rừng theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc Tà Ôi, tìm kiếm sắt thép từ xe ô tô bị bom phá hỏng, thùng phuy cũ, đai kiện hàng,... trên chiến trường để sản xuất ra xẻng, cuốc, cưa gỗ, đục, tràng, đinh thuyền, đinh đỉa, dao quắm dùng để đào địa đạo. Pháo địch liên tục bắn phá lên các điểm chốt và vùng hậu cứ phía sau, gây rất nhiều khó khăn, tổn thất cho bộ đội, nhất là công tác đi cưa, chặt gỗ chống hầm địa đạo. Thế nhưng khối óc, mồ hôi, sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết, quả cảm của những người lính đã vượt qua tất cả. Khi nghe tiếng thậm thịch từ phía bên kia và một lỗ thủng nối liền hai hướng của đường hầm, niềm vui vỡ oà trong lòng núi.

Giá trị thiêng liêng của hòa bình

Tháng 1/1974, địa đạo An Hô hình chữ U, chiều rộng 2m, chiều cao 2m, dài gần 100m hoàn thành. Đây là nơi tập kết và dự trữ trang thiết bị, vũ khí đạn dược ngay tại mặt trận, cung cấp kịp thời cho các chiến dịch tấn công và phòng thủ của Sư đoàn 324. Đồng thời là nơi Bộ Chỉ huy Trung đoàn 1 chỉ huy các đơn vị tác chiến trong khu vực tuyến phòng thủ An Hô - Tà Lương - 620. Cũng từ An Hô, các lực lượng của ta xuất phát tấn công xuống vùng giáp ranh, đồng bằng. Trung đoàn 1 đã tới cửa biển Thuận An, kết thúc chiến dịch, ngày 26/3/1975 lịch sử Thừa Thiên Huế được giải phóng.

“Nhiều đồng đội đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ để làm nên một di tích lịch sử với tên gọi “địa đạo và hệ thống phòng thủ An Hô”. Chúng tôi trở về An Hô không chỉ bằng tình cảm máu thịt, mà còn trở về thay phần của những người đã ngã xuống, những thương binh đau đáu với An Hô nhưng không đủ sức khỏe để về.

Như thương binh Đoàn Thế Đạo (Gia Lâm, Hà Nội), hiện trong đầu vẫn còn các mảnh đạn nằm ở vị trí nguy hiểm nên không thể phẫu thuật được. Ông đã để lại 81% sức khỏe trên dãy An Hô. Những lúc vết thương tái phát, hành hạ, vô cùng đau đớn, ông nhớ nhớ, quên quên. Chỉ khi nhắc đến An Hô, ông như tỉnh lại, như được tiếp thêm sức mạnh, khí thế. Ông Đạo cứ mãi ước đủ sức khỏe để trở về A Lưới, leo lên dãy An Hô năm nào...”- CCB Ngụy Hoàng Sơn, nhà báo, nguyên chiến sĩ Đại đội 2 xúc động chia sẻ.

“Thật vui mừng và tự hào khi thấy cuộc sống nơi đây ngày càng phát triển. Máu xương của đồng đội chúng tôi đã góp phần dựng xây giá trị thiêng liêng vô giá của hòa bình. Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh địa đạo An Hô đúng vào ngày 27/7 càng có ý nghĩa to lớn, ghi nhận, tôn vinh sự hy sinh xương máu, công sức của các liệt sĩ, thương binh, CCB đã chiến đấu trên dãy An Hô, Tà Lương, cao điểm 620 tại địa bàn A Lưới và tỉnh Thừa Thiên Huế”- Đại tá Lê Sỹ Thái nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới khẳng định: Địa đạo An Hô là chốt thép biểu tượng của tinh thần quyết chiến quyết thắng, mang tính sáng tạo của quân và dân ta, vì độc lập tự do thống nhất đất nước, sẽ trở thành địa chỉ đỏ, điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và sẽ là điểm đến của khách du lịch trong tương lai.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nơi tôi luyện bao người lính kiên cường

Cùng dầm mưa dãi nắng, “uống gió nằm sương” với chiến sĩ mới trên thao trường, cán bộ Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã huấn luyện bao thế hệ người lính biên phòng can trường trên mọi nẻo đường biên giới.

Nơi tôi luyện bao người lính kiên cường
Xứng danh người lính Cụ Hồ

Trải qua muôn vàn gian khổ trong thời chiến, mang phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ, bệnh binh Trần Bá Lưu trú tại phường Trường An, TP. Huế được tuyên dương trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình nuôi ong lấy mật và là người cán bộ mẫu mực luôn được người dân quý mến, tin tưởng.

Xứng danh người lính Cụ Hồ
Mồ hôi người lính “thắp” nụ cười người dân

Thực hiện hiệu quả và thiết thực mô hình “Ngày về thôn bản”, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt chung tay giúp người dân biên giới phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tình quân dân ngày càng vững chắc.

Mồ hôi người lính “thắp” nụ cười người dân
Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên (1953 - 1954)

Giữa năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng thuận lợi cho ta hơn. Quân ta liên tiếp giành chiến thắng ở Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… dồn địch vào thế bị động. Phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở khắp các vùng miền, vùng giải phóng được mở rộng thêm.

Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên 1953 - 1954
Ngày 25/4/1954: Liên quân Việt - Lào chặn đánh địch trên đường rút quân

Để có lực lượng tiếp viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ đang bị nguy cấp, ngày 25/4/1954, địch cho binh đoàn cơ động số 1 cùng 3 tiểu đoàn lẻ và 1 tiểu đoàn pháo theo đường 12 rút về thị xã Thà Khẹt (Lào). Nhưng trên đường rút quân chúng bị Trung đoàn 18 cùng lực lượng vũ trang Lào chặn đánh.

Ngày 25 4 1954 Liên quân Việt - Lào chặn đánh địch trên đường rút quân
Return to top