ClockThứ Ba, 20/11/2018 13:45

Những người truyền cảm hứng

TTH - Mỗi người có công việc riêng, hoàn cảnh riêng, nhưng điểm chung của họ là đều rất nhiệt tình với hoạt động phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trong cộng đồng.

Lớp học đặc biệt ở Phú HảiLớp xóa mù ở Hương HồQuảng Điền: Phấn đấu tỷ lệ người biết chữ từ 90-98%

Cặm cụi làm bài

Rùa rồi cũng sẽ về đích

“Con rùa, dù có bò chậm đến thế nào rồi cũng sẽ về đích”. Phan Thị Thu Giang, một cộng tác viên của phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy), đã mở lời như thế khi chia sẻ về những ngày “đứng lớp” của mình. Với Giang, không phải ngay từ đầu đã nhận lời tham gia dạy lớp xóa mù chữ ở địa phương. Vậy nhưng, khi đã gắn bó rồi, cô lại chưa bao giờ hối hận. Bản thân Giang là một người khuyết tật, vượt qua mặc cảm, cô có bằng đại học chính quy ngành ngữ văn và văn bằng hai về Anh ngữ. Tuy nhiên, vì kẹt con dại nên khi có lời mời cộng tác ra lớp vào các buổi tối, Giang đã chần chừ, đắn đo rất nhiều. Rồi cô nhận lời, với lý do duy nhất: Vì nghề giáo thiêng liêng mà ba mẹ đã cống hiến trọn đời.

“Ban đầu là vậy, nhưng khi tiếp xúc với các dì (học viên), được chia sẻ chuyện không biết chữ, mình chạnh lòng vô cùng nên tự nhủ cố gắng thu xếp thời gian để có thể giúp các dì nhận ra mặt chữ và biết đọc. Các dì trong lớp đều đã lớn tuổi nên việc tiếp thu bài không nhanh như người trẻ. Nhưng không sao, chỉ cần họ quyết tâm học thì mình sẽ đến lớp, bất kể thời tiết như thế nào”, Giang tâm sự.

Khi chúng tôi chia sẻ câu chuyện này, các học viên trong lớp Giang dạy đã “tốt nghiệp”. Phần lớn trong số đó đều là những người đã có tuổi. Nhiều người còn đem cả cháu đến lớp cùng. Và Giang thấy tiếc vì tôi bỏ lỡ cơ hội được thấy những con người ấy đã cố gắng như thế nào chỉ để có thể viết và đọc được tên của mình. “Mình thấy rất vui vì kết thúc khóa học, các học viên đều biết đọc biết viết. Có người còn muốn được tiếp tục học lên lớp 2. Học không bao giờ là muộn. Hy vọng, qua những gì mình đã cố gắng, các học viên hiểu rằng đến người khuyết tật như mình còn cố gắng được thì với tất cả mọi người, không gì là không thể”, Giang nói.

Mong thêm nhiều lớp được mở

Tính đến tháng 11/2018, toàn thị xã Hương Thủy đã có 12/12 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ theo các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BGD&ĐT và Nghị định 20/2014/NĐ-CP. Theo bà Ngô Thị Ái Hương, Phó Trưởng phòng GD và ĐT thị xã Hương Thủy: Nhờ có sự phối hợp tốt giữa Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường thị xã với các Trung tâm Học tập cộng đồng của các xã, phường, nên những thông số liên quan đến phổ cập giáo dục - xóa mù rất khả quan. Thực hiện nhiệm vụ này, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Thủy Bằng là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của thị xã Hương Thủy, nhưng lại rất tích cực trong các hoạt động phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Học tập cộng đồng xã Thủy Bằng đã mở được 4 lớp phổ cập - xóa mù chữ với 89 học viên hoàn thành chương trình. Khoảng 70% học viên sau khi được phổ cập THCS đã tiếp tục theo các lớp học nghề và tìm được công việc ổn định. Có những học viên còn có nguyện vọng tiếp tục học lên các lớp cao hơn.

Anh Nguyễn Đức Chuẩn là học viên xuất sắc được ông Trần Trắc, Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Thủy Bằng, giới thiệu như một tấm gương điển hình trong nỗ lực vượt khó. Nguyễn Đức Chuẩn sinh năm 1975, là học viên của lớp phổ cập THCS đầu tiên ở Thủy Bằng, mở năm 2006. Năm ấy, anh là lớp trưởng nhiệt tình, gương mẫu. Đến nay, anh vẫn là tấm gương sáng nhưng lại ở vai trò khác trong công tác vận động người dân tham gia chương trình phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. 

Nguyễn Đức Chuẩn tâm sự, trên địa bàn Thủy Bằng vẫn còn rất nhiều người chưa biết chữ và số các em học sinh bỏ học giữa chừng chưa có bằng THCS cũng không ít. Qua nhiều lần tiếp xúc, Chuẩn nhận thấy người dân có nhu cầu biết chữ rất nhiều, thiết thực nhất là để họ có thể thuận tiện trong việc làm hồ sơ thủ tục vay vốn từ các nguồn chính sách để cải thiện kinh tế. Bên cạnh đó, ngoài chuyện học cho biết hình hài con chữ, nhiều người phụ nữ đã có tuổi coi lớp học xóa mù là nơi hữu ích để họ giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm sống. Ở góc độ nào đó, lớp học lại trở thành nơi để “thông”  tư tưởng rất tốt. Nhiều người tìm thấy niềm vui đơn giản ở đây và họ có động lực đi học.

“Đến hôm nay nhiều người người từng mù chữ ở Thủy Bằng không chỉ viết được tên mình mà còn đọc được nhiều thông tin khác. Tôi thấy mô hình này rất hay. Rất mong các cấp và ngành giáo dục tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để Thủy Bằng có thể mở thêm một vài lớp phổ cập giáo dục - xóa mù chữ nữa. Nhu cầu này trong cộng đồng còn rất cần thiết”, Nguyễn Đức Chuẩn bày tỏ.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy phổ cập chữ ký số

Ngay trong tuần đầu tiên triển khai chiến dịch cấp chữ ký số công cộng, đã có gần 2.000 chữ ký số được cấp và đăng ký cho người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thúc đẩy phổ cập chữ ký số
Dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà đã và đang làm tốt nhiệm vụ dạy nghề, liên kết đào tạo và giáo dục thường xuyên.

Dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt
Trắc trở khi phổ cập bơi cho học sinh

Thiếu cả bể bơi lẫn giáo viên chuyên môn, nhiều trường học “lực bất tòng tâm” trước mong muốn giúp 100% học sinh thành thục kỹ năng phòng đuối nước.

Trắc trở khi phổ cập bơi cho học sinh
Gắn kết xóa mù chữ với phổ cập giáo dục

Dù đã đạt được những thành quả nổi bật nhưng vẫn còn đó hàng ngàn người ở Thừa Thiên Huế mù chữ. Hơn bao giờ hết, xóa mù chữ (XMC) đang cần một giải pháp căn cơ và bền vững.

Gắn kết xóa mù chữ với phổ cập giáo dục
Return to top