ClockThứ Sáu, 03/04/2020 13:45

“Nối lại” giấc mơ cho trẻ lao động đường phố

TTH - Bằng những hỗ trợ thiết thực, dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế” góp phần giải quyết khó khăn, trang bị kiến thức, kỹ năng để đưa trẻ lao động sớm trở lại trường.

Hỗ trợ trẻ em lao động đường phốVì tương lai trẻ em lao động đường phố

Ngày hội trao đổi sách của học sinh do Codes tổ chức. Ảnh: Codes

Giúp trẻ yên tâm đến trường

Bố đạp xích lô, mẹ bán vé số, Kim L. (Khu chung cư Hương Sơ, TP. Huế) khi gần 9 tuổi vẫn chưa có giấy khai sinh để đi học. Nếu không kịp có giấy khai sinh, sau 10 tuổi, L. sẽ không còn cơ hội được vào học lớp 1. Từ tình trạng của L. và nhiều em khác ở khu tái định cư Hương Sơ, đầu năm 2018, dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” đã vào cuộc. Một cuộc chạy đua của Trung tâm Phát triển cộng đồng và công tác xã hội Codes (thành viên dự án), chính quyền địa phương và gia đình đã kịp để các em có giấy khai sinh, được đến trường đầu năm học 2018 - 2019. Các em còn được dự án hỗ trợ học phí, bảo hiểm, sách vở và các phương tiện học tập khác.

Chồng bệnh nặng, công việc may vá của chị Th. (phường Kim Long, TP. Huế) chỉ đắp đổi qua ngày, không đủ nuôi con ăn học. Thế nên, hai đứa con lớn của chị phải đi bán kem ở chợ Kim Long để có thêm tiền trang trải học hành. Từ sự hỗ trợ của Codes, chị Th. được mượn vốn buôn bán thêm nước giải khát, trái cây, tinh bột nghệ... Sau 3 lần được mượn vốn theo hình thức quay vòng (mỗi lần khoảng 10 triệu đồng), thu nhập của gia đình chị Th. được cải thiện. Con của chị có thể toàn tâm, toàn ý lo học mà không cần phải làm thêm phụ mẹ.

Chị Th. tâm sự: “Trước đây thiếu trước hụt sau, tôi đành nuốt nước mắt cho con đi bán dạo sau giờ học vì không kham nổi. Nhờ có dự án hỗ trợ, tôi buôn bán kiếm thêm thu nhập để lo cho con ăn học. Chưa thể gọi là khấm khá, nhưng hoàn cảnh gia đình đã cải thiện nhiều nên tôi mừng lắm”.

Được thực hiện từ năm 2014 đến nay, dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế” được tài trợ bởi tổ chức Plan International và quỹ TUI Care (tài trợ từ giai đoạn 2017 đến nay).

Dự án tập trung hỗ trợ cho trẻ em lao động đường phố các cơ hội được tiếp tục đi học, phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, gia đình các em được cải thiện sinh kế. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được học nghề, giới thiệu việc làm, tiếp cận với nguồn vốn nhỏ để tự kinh doanh, kiếm sống. Dự án được thực hiện trên địa bàn 8 xã, phường: An Cựu, Hương Sơ, Kim Long, Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Bình, Phước Vĩnh (TP. Huế) và Lộc Bổn (Phú Lộc).

Hỗ trợ bền vững

Anh Trương Minh Đến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng và công tác xã hội Codes cho biết, hỗ trợ cho trẻ em, thanh niên là sứ mệnh của tổ chức Codes. Trẻ em phải lao động kiếm sống trên đường phố có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động, Codes chia sẻ câu chuyện này với các bên liên quan và thuyết phục nhà tài trợ đưa dự án về Huế.

Khi phát hiện một trường hợp trẻ lao động đường phố, các thành viên dự án sẽ về tận nhà nắm tình hình, tham vấn các bên liên quan, xây dựng phương án can thiệp cụ thể; trong đó, phát huy nội lực của gia đình, bản thân các em là chính. Dự án cũng hỗ trợ các phương tiện, sách vở, hỗ trợ học phí, bảo hiểm cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện nhiều hoạt động khác nhau để cung cấp kiến thức liên quan phòng tránh xâm hại tình dục và bóc lột sức lao động cho trẻ em lao động đường phố; cải tạo không gian, xây dựng các khu vui chơi ở các khu tái định cư Hương Sơ, Phú Hậu, Phú Hiệp.

“Để thuyết phục những em đã bỏ học mưu sinh trở lại trường học không hề dễ dàng. Quá trình vận động mất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, phải tiếp xúc với bố mẹ, nhà trường, chính quyền địa phương để tháo gỡ những vướng mắc”, anh Đến chia sẻ.

Để thay đổi cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên, dự án còn hỗ trợ dạy nghề cho anh chị em của trẻ, hỗ trợ phát triển sinh kế dựa trên thế mạnh của các gia đình, hình thành 12 nhóm tiết kiệm tương trợ giải quyết cấp thiết cho những người cần nguồn vốn nhỏ.

Những thay đổi tích cực của các gia đình, phụ huynh quan tâm tới con cái, trẻ em từng bước được nghỉ lao động sớm để quay trở lại trường học, ở nhà phụ giúp gia đình; thanh thiếu niên được hướng nghiệp, học nghề, kết nối việc làm tránh khỏi việc di cư lao động, thất nghiệp… là những chuyển biến sau những nỗ lực giúp đỡ của dự án đối với trẻ em lao động sớm nói riêng và trẻ em, thanh thiếu niên nghèo có nguy cơ cao nói chung.

Sau khi dự án được thực hiện, có 345 trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ 5 đến 18 tuổi đã nghỉ học và đang làm việc trên đường phố, hoặc có nguy cơ bỏ học được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại và bạo lực, được tiếp tục đi học; 350 thanh niên từ 18 đến 30 tuổi có hoàn cảnh khó khăn được học nghề, vay vốn, giới thiệu việc làm ổn định hoặc có thu nhập từ các mô hình tự kinh doanh nhỏ; 160 cha mẹ được tiếp cận nguồn vốn và kiến thức để cải thiện sinh kế hộ gia đình.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ

Ngày 5/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Fédération Handicap International (Humanity & Inclusion) (HI) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khởi động dự án "Tăng cường tiếp cận thông tin và cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua các ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số phù hợp" giai đoạn 2024-2027.

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua ứng dụng công nghệ
Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Dự báo đến năm 2025, nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn tỉnh phát triển thêm khoảng 1.016.205m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.861 tỷ đồng và đến năm 2030 phát triển thêm khoảng 951.562m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.224 tỷ đồng.

Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top