ClockThứ Tư, 27/06/2018 08:26

Hỗ trợ trẻ em lao động đường phố

TTH - Nhiều trẻ em lao động đường phố của TP. Huế đã và đang được Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác xã hội (Codes) xóa mù chữ, khởi tạo đam mê học tập và hỗ trợ đến trường.

Kỹ năng sống bắt đầu từ sự trải nghiệmThay đổi cách đào tạo nghề

Vui chơi giải trí tại “Lớp học Siêu quậy”

Lớp học “linh hoạt”

Từ tháng 4/2017, các bảo trợ viên, các cộng tác viên của Codes đã tìm đến tận nhà của em P. (14 tuổi), là trẻ em lao động đường phố tại phường An Cựu, vận động gia đình cho em học tại nhà để xóa mù chữ. Nhờ sự tận tình của các bảo trợ viên, cộng tác viên của Codes, em P. đã biết đọc chữ, biết viết chữ. Từ đó, Codes có ý tưởng mở lớp học “linh hoạt” nhằm xóa mù chữ, khởi tạo đam mê học tập cho trẻ em lao động đường phố.

Em L. (15 tuổi), H. (9 tuổi) ở phường Phước Vĩnh và em N. (11 tuổi) ở phường Vỹ Dạ, cũng là trẻ em lao động đườngphố, không biết chữ. Sau khi được học tại các lớp học “linh hoạt”, như “Lớp học vui nhộn” tại phường Phước Vĩnh và “Lớp học siêu quậy” tại phường Vỹ Dạ, được Codes khởi động từ cuối tháng 3/2018, các em hiện đã biết đọc chữ, biết viết chữ.

Hai lớp học “linh hoạt” trên được mở ngay tại nhà của trẻ em lao động đường phố. Lớp học chú trọng vào việc dạy chữ, dạy tính toán. Ban đầu, các em sẽ được kiểm tra đầu vào, tiếp theo sẽ được đánh giá sau từng buổi học. Thời gian học kéo dài 1 giờ 30 phút vào các ngày thứ bảy, chủ nhật; trong đó, lớp học dành 45 phút để học, còn lại để các em giải trí vui chơi (như tập vẽ, chơi đá cầu...) và được các bảo trợ viên, cộng tác viên của Codes truyền thụ kỹ năng phòng chống xâm hại, cách xử lý các tình huống nguy hiểm, cách giúp bố mẹ làm các công việc nhà...

Lớp học đã được bố mẹ, người thân của trẻ em lao động đường phố hỗ trợ những gì có thể, như bàn ghế, phòng ốc, nước uống. “Đây cũng là ý muốn của Codes, để bố mẹ, người thân của trẻ em lao động đường phố quan tâm hơn đến việc học của các em. Sự linh hoạt của lớp học thể hiện ở điều này”. Ông Lê Thế Anh, cán bộ Ban Truyền thông của Codes, chia sẻ.

Đa số trẻ em lao động đường phố học tại các lớp học “linh hoạt” đều không được đến trường vì quá độ tuổi hoặc không có giấy khai sinh. Hiện nay, có 15 em học “Lớp học vui nhộn” tại phường Phước Vĩnh, 15 em học “Lớp học siêu quậy” tại phường Vỹ Dạ, các em đều nằm trong độ tuổi từ 6 -10, có em 15 tuổi. Sắp tới, Codes dự định sẽ mở thêm hai lớp học tại phường Phú Hậu và Phú Hiệp, ông Anh cho hay.

Ông Trương Minh Đến, Phó Giám đốc của Codes, chia sẻ: Do các bảo trợ viên, cộng tác viên của Codes hiện nay là sinh viên Trường đại học Y Dược, Đại học Luật- Đại học Huế, chưa có sự tham gia của các sinh viên Trường đại học Sư phạm và Trường cao đẳng Sư phạm nên việc giảng dạy cho trẻ em lao động đường phố chưa bài bản. Codes đã đặt vấn đề với Trường đại học Sư phạm để cử sinh viên về hỗ trợ giảng dạy. Codes cũng kêu gọi các sinh viên sư phạm, các giáo viên đã về hưu tham gia làm bảo trợ viên, cộng tác viên của Codes để giúp đỡ các lớp học...

Hỗ trợ đến trường

Từ những lớp học “linh hoạt”, Codes đã giúp cho trẻ em lao động đường phố khởi tạo đam mê học tập và ước muốn được đến trường. Như, em H. (9 tuổi) ở phường Phước Vĩnh, khi được học tại “Lớp học Vui nhộn” tâm sự, muốn được đi học lớp một khiến cho các bảo trợ viên, cộng tác viên của Codes xúc động.

Codes cũng vận động bố mẹ, người thân của trẻ em lao động đường phố đăng ký khai sinh cho các em, tạo điều kiện về mặt pháp lý để các em đến trường. Em B. (9 tuổi) và em B. (8 tuổi) tại phường Phước Vĩnh là những trường hợp mà Codes đã thực hiện thành công. Trước đó, vì gia cảnh khó khăn, hai em phải theo mẹ đi bán đậu phộng tại các quán nhậu. Codes đã vận động bố mẹ các em đăng ký khai sinh để hai em có điều kiện đi học tại trường tiểu học trên địa bàn cũng như hỗ trợ về kinh phí học tập, sách vở cho hai em.

Chỉ tính riêng năm học 2017-2018, Codes đã trao học bổng cho 65 em với kinh phí 52 triệu đồng. Codes cũng hỗ trợ cho bố mẹ, người thân của trẻ em lao động đường phố bằng cách cho mượn vốn không tính lãi để làm ăn buôn bán. Tính đến nay, đã có 100 hộ gia đình mượn vốn với số tiền trên 800 triệu đồng, giảm được 100 trẻ em lao động đường phố và qua đó tăng thêm cơ hội được đến trường cho các em.

Ông Đến chia sẻ, đối với trẻ em lao động đường phố, Codes luôn ưu tiên vận động, hỗ trợ để các em được đến trường. Nếu các em đã lớn tuổi, Codes sẽ hỗ trợ học nghề lái xe, làm tóc, trang điểm… tại các cơ sở đào tạo nghề uy tín, chất lượng để các em có thể tự tin lập nghiệp trên chính quê hương của mình. Đây cũng chính là những nội dung quan trọng của dự án “Vì tương lai tươi sáng hơn của trẻ em lao động đường phố tại Thừa Thiên Huế” (2014-2017) và dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Thừa Thiên Huế” (2017-2020) do Tổ chức Plan International Việt Nam tài trợ mà Codes đã và đang thực hiện.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Toàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top