ClockThứ Sáu, 01/11/2024 12:46

Nồi ngô bung ngày bão

TTH - Với thế hệ 7X, 8X sinh ra và lớn lên ở làng quê, cơm độn ngô khoai hẳn đã là một phần ký ức khó mờ phai trong tâm thức. Ở vùng “rốn lũ” miền Trung quê tôi, các món chế biến từ ngô rất đa dạng và phổ biến trong thế kỷ trước. Một trong những món quê bình dị mà gây thương nhớ phải kể đến món ngô bung, có chỗ lại gọi là ngô nâm, ngô hầm. Món ăn ấy một thuở được coi là món cứu đói nổi tiếng của nhà nghèo. Ngày ấy, bố mẹ tôi đông con nên quanh năm là cơm độn sắn, khoai, ngô lẫn lộn, có khi mở nắp nồi ra đã thấy nghẹn ứ ở cổ vì ngán. Nhưng thật lạ, chỉ có món ngô bung mỗi lần ăn là một lần tôi cảm thấy thích thú. Có thể nói nó đã trở thành mỹ vị của tuổi thơ, thực sự ngon trong những ngày gió bão mênh mông và trong tiết trời đông tê tái sắt lòng.
 

Mỗi khi thấy khí trời ui ui lặng gió và người cứ ướt nhượt mồ hôi, qua ngày hôm sau thì gió mưa lác đác, biết là bão đã gần kề. Cái gió của bão rất khác với gió thường, nó quanh quất như đang đùa giỡn, có lúc se sẽ như heo may, lúc lại ào ào, giật tung như xoáy lốc. Những căn nhà cấp bốn lúp xúp ngói đã nhuộm màu rêu, bếp đơn sơ tường bao là vách tre trát bằng bùn ao ruộng và rơm rạ. Bão về, mưa dầm dề đêm ngày, nấu được bữa cơm là tối tăm mặt mũi. Thế nên các bà, các mẹ quanh làng thường bảo nhau nấu ngô bung trong những chiếc nồi gang lớn. Có nồi ngô bung ấy là cả nhà có thể an tâm tránh gió, tránh mưa, ăn liền hai, ba ngày đến khi tan bão. Món ăn không chỉ no bụng, mà về cơ bản vẫn đủ đầy dinh dưỡng, ăn nóng hay nguội đều ngon cả.

Ngô bung đặc biệt chỉ hợp và ăn ngon vào mùa đông và những khi bão lũ, thế nên loại ngô để dành này không phải giống ngô lai năng suất thường dùng nấu độn hàng ngày, mà là ngô nếp. Thu hoạch ngô về, mẹ tỉ mỉ chọn ra những chiếc bắp nếp già đều hạt trắng ngà, tròn mẩy, bóc bẹ túm thành từng chùm phơi khô nỏ. Khô rồi thì đem túm ngô vắt qua sào treo lủng lẻng gần góc bếp. Treo chỗ khói lửa vậy thì mới đảm bảo để cả năm mà không mối mọt nào dám tới gần. Gỡ hạt xong mẹ đem ngâm nước vôi trong cả nửa ngày, sau đó vớt ra rửa sạch rồi đổ ngập nước đun sôi mấy dạo. Đun xong thì đổ ra rổ chà rửa cho bong hết mày ngài. Muốn ngô bung mềm ngon, để lâu không bị thiu nhớt thì công đoạn luộc qua và chà rửa phải hai, ba lần trước khi để chúng yên vị trên bếp lửa liu riu vài giờ. Đủ lửa nhưng chưa xong, còn phải quây ủ thêm bằng tro trấu mấy tiếng nữa mới khiến hạt ngô từ từ nở tung như hoa, đạt được độ ngọt bùi, mềm mọng cao nhất.

Ăn món ngô bung đơn giản, tùy vào sở thích mỗi người mà có thể trộn thêm chút đường, hoặc gia vị như muối, bột ngọt khi ngô còn nóng cho gia vị tan chảy. Năm nào trồng xen canh được đậu đen, gạo nếp, thì món ngô bung nhà tôi sẽ màu sắc hơn, đa hương hơn, và vị ngon theo đó cũng được nhân lên nhiều lần. Để chống ngán, có lần mẹ tôi còn nấu chín đậu xanh rồi giã nhuyễn, phi thơm ít hành khô, nêm thêm chút muối vào ngô rồi trộn thật đều. Nồi ngô bung trở nên đậm đà, thơm, béo. Nâng niu, hít hà bát ngô nóng tỏa khói, màu trắng của ngô, của gạo nếp, sắc tim tím của đỗ đen, hay vàng tươi của đỗ xanh và nâu của hành phi, ăn vào nghe vị béo bùi của đậu/đỗ, ngọt thanh của ngô, hành phi thơm nức. Tất cả hòa quyện tạo nên sức hấp dẫn đến kỳ lạ, ăn một bát lại muốn ăn thêm bát nữa.

Cái thời nghèo khó gắn với cơm độn đã dần lùi xa từ lâu, tôi cũng xa nồi ngô bung của mẹ dễ đến mấy mươi năm rồi, nhưng trong thâm tâm chưa bao giờ quên được. Thấm trải những nhọc nhằn từ thuở ấu thơ, món ngô bung giản dị là một phần kỷ niệm, nhắc nhớ tôi về những nỗ lực, gắng gỏi để vươn lên. Tôi biết ơn sự tảo tần của mẹ, nhớ quay quắt cái dáng cong người thổi lửa và gương mặt đỏ hừng vì làn hơi nóng rẫy.

Mỗi khi bão về, lòng lại chênh chao nhớ mẹ, nhớ món ngô bung cứu đói năm nào…

Mai Đình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đừng chủ quan trước và sau bão, lũ

Bão số 4 và các đợt mưa lớn đã đi qua nhưng người dân không nên chủ quan trong các hoạt động sản xuất, đi lại, nhất là đánh bắt thủy, hải sản trên biển, trên sông và đầm phá.

Đừng chủ quan trước và sau bão, lũ
Quy luật của bão

Trong những ngày bão số 3 (Yagi) hoành hành trên đất Bắc, tôi lại nhớ tới cơn bão số 8 (Celcil) cách đây 39 năm ở Thừa Thiên Huế. Bão số 3 xảy ra ở một nơi xa, chỉ có thể cảm nhận được qua tiết trời xứ Huế vần vũ và nhiều nhất với tôi là những thông tin và hình ảnh từ mạng xã hội. Nó dữ dằn, khốc liệt và đầy tang thương. Bão số 8 đổ bộ vào Thừa Thiên Huế khi đó còn một bộ phận của tỉnh Bình Trị Thiên. Buổi tối hôm ấy, mẹ con tôi ở quê, cảm nhận được nó từ một góc nhà tối om, nghe tiếng gió rít gào và mái nhà tôn cấp 4 của mình cứ “bưng lên hạ xuống”. Mẹ tôi niệm Phật, van vái ông bà đừng làm sập nhà “mẹ quá con côi” mà thảm lắm.

Quy luật của bão
Return to top