|
Cua rù rì có thể được chế biến thành nhiều món ngon dân dã |
Sành nghề
Khác với những sản vật quen thuộc vùng bãi ngang như nghêu, tôm, cua đá, ghẹ, cua rù rì là loài ít được biết đến bởi không nuôi được và có sản lượng rất ít. Kinh nghiệm hơn 5 năm với hoạt động bắt cua rù rì, anh Hùng cho biết: “Cua rù rì sinh sống ở vùng sóng vỗ vào bãi cát, tại đây chúng sẽ lọc sinh vật phù du và các sinh vật nhỏ khác khi nước lên để kiếm ăn. Trước đây, cua rù rì xuất hiện khá nhiều. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, có thể do môi trường nước thay đổi, cua rù rì ngày càng ít đi”.
Để bắt được cua rù rì đòi hỏi nhiều yếu tố. Ngoài kinh nghiệm được mài giũa nhiều năm, người bắt cua phải có cả sự linh động từ mắt lẫn cái nhanh nhạy và thuần thục của đôi bàn tay.
|
Bắt cua rù rì ngay khi sóng lui, chưa kịp vỗ vào bờ đợt khác |
Là loài rất nhạy cảm, cua rù rì vừa dễ dàng nhận biết được không gian xung quanh, vừa giỏi náu mình. Với môi trường sinh sống ở khu vực sóng vỗ, chúng còn có được lợi thế che giấu nơi ẩn nấp nhờ bộ giáp có tác dụng nguỵ trang lẫn những con sóng luân phiên xóa đi dấu vết (cua rù rì thường chuyển động liên tục theo từng con sóng). Vì thế, người săn cua luôn phải nhanh chóng quan sát nơi mép nước khi sóng vừa lui để tìm vị trí chính xác của cua.
Anh Nguyễn Văn An, một người bắt cua khác cho biết: “Khi đào sâu xuống nền cát để ẩn náu, trong thoáng chốc, khi đợt sóng tiếp theo chưa kịp đến, cua rù rì sẽ để lại dấu vết mờ nhạt trên bề mặt cát. Ở nơi đó sẽ xuất hiện một chút cát có màu cát khác với phần còn lại và chỉ hơi hơi vổng lên. Nhanh tay dùng xẻng để xúc sâu xuống tầm hơn một gang tay, chắc chắn phía dưới sẽ có cua rù rì”.
Mùa bắt cua rù rì thường kéo dài từ tháng 5 đến giữa tháng 8 dương lịch. Thợ săn cua chỉ cần mang theo hai vật dụng, đó là chiếc xẻng và đồ đựng. Với những người tắm biển, bãi cát là nơi in những dấu chân mát rười rượi. Còn với anh Hùng, anh An và những thợ săn cua rù rì, bãi cát chính là nơi hái ra tiền.
Đặc sản
Vì khó bắt và sản lượng không nhiều, cua rù rì thường có giá khá cao. Anh Hùng cho biết: “Dù cua rù rì rất nhỏ, kích cỡ chỉ tương đương đầu ngón tay người lớn nhưng nếu lựa được bãi cát tốt, nhiều cua, mỗi buổi tôi có thể đào được hàng ký cua. Thế nhưng hiện nay, cua rù rì ngày càng ít dần đi. Cố gắng lắm mỗi buổi chỉ ngót nghét 5 – 7 lạng. Bù lại giá cua khá cao nên ai cũng hồ hởi”.
Đa phần, anh Hùng và các thợ săn đào cua rù rì để chế biến món ăn cho gia đình. Khi có người đặt hàng, anh bỏ thêm thời gian để tìm bãi cát vắng đào cua và bán với giá từ 200 – 350 nghìn đồng/kg tùy thời điểm. Anh cho biết: “Sắp tới mùa lụt bão, biển động nên cua rù rì cũng vào gần cuối vụ. Để thưởng thức cua rù rì ngon nhất thì chỉ cần lựa cua tươi, vỏ còn sáng bóng và không bị dập nát. Có lẽ vì thế không nhiều người biết đến đặc sản này vì cua rù rì khó bắt, khi bắt được lại khó bảo quản”.
Cua rù rì ngon nhất là để nguyên con làm món cua xóc tỏi hoặc chiên ngập dầu. Chỉ cần sửa sạch đất cát, cho vào chảo chung với gia vị, hương vị đậm đà, mặn mòi của cua sẽ quyện hòa tuyệt vời với củ ném, ớt, tỏi, hành băm. Khác với vẻ ngoài hầm hố, sau khi được chế biến, cua rù rì sẽ vừa giòn thơm, vừa béo bùi, hương vị đặc trưng khó có thể cưỡng lại.
Ở các vùng biển khác, nhờ vẻ ngoài độc đáo và hương vị khó cưỡng, cua rù rì còn được ưu ái gọi bằng cái tên là cua tiểu huỳnh đế. Còn ở Phú Lộc, dù ít được nhiều người biết đến, cua rù rì vẫn có vị trí nhất định trong lòng những người con vùng quê bãi ngang ven biển. Vì thế, cứ đều đặn vào mùa hè hàng năm, những thợ săn cua rù rì lại xuất hiện trên bãi cát, dùng tay nghề và kỹ năng thuần thục của mình để khai thác món quà mà biển đã ưu ái ban tặng.