ClockThứ Sáu, 03/07/2015 07:33

Nỗi niềm đò ngang

TTH - Bao nhiêu năm gắn bó với hai bờ dòng sông, khi những cây cầu được xây lên, khách thưa dần cũng là lúc nhiều người lái đò muốn chuyển sang nghề khác vì thu nhập thấp…Nhưng không phải cứ muốn là được.

Thưa dần khách

5 giờ chiều, chúng tôi dừng chân ở bến đò Tân Ba (xã Thủy Bằng, Hương Thủy), nghe rõ tiếng gọi đò phía bờ bên kia của người dân đi làm từ xã Dương Hòa về. Chủ đò bỏ dở chén cơm, vội vàng chạy xuống đưa đò. Chuyến đò chở 3 người thu chưa đến 10.000 đồng, nhưng vì nhu cầu người dân nên dù chi phí xăng dầu tăng cao, chủ đò vẫn cố gắng phục vụ.
Một chuyến đò ngang cập bến Tân Ba
Đò cập bến, chị Ngô Thị Lan – người lái đò thôn Tân Ba chia sẻ: “Cực lắm, nhiều lần muốn bỏ nghề nhưng xin chưa được. Chính quyền địa phương động viên cố gắng thêm vài năm nữa. Khách quen, không có mình ở bến đò, họ chạy lên nhà hoặc gọi điện thoại nhờ phục vụ”.
Gia đình chị Lan gắn bó với nghề đưa đò hơn 40 năm nay. Cha mẹ chồng già, hai vợ chồng tiếp nối nghề. Mệ Nguyễn Thị Lòn (80 tuổi), mẹ chồng chị Lan nhớ lại: “Trước đây, mỗi chuyến đò đều tấp nập khách. Mặc dù lúc đó có nhiều bến đò, chèo đò bằng tay, mưa gió vất vả nhưng còn sống được với nghề. Hơn 11 năm giao nghề lại cho con, thời gian gần đây, khách ít dần, nghe con than thở cũng thấy buồn”.
 Bến đò Đông Ba – Cồn Hến cũng thưa vắng khách
Theo bà Sen, một vị khách ở Dạ Lê đi đò Tân Ba, bao nhiêu năm buôn bán ở Dương Hòa nhờ con đò, vì không biết đi xe máy nếu phải đạp xe theo đường có cầu thì quá xa. Anh Phan Hữu Khanh, chồng chị Lan tâm sự, có lẽ cũng do quen tiếng gọi đò, quá thân thuộc với bà con mà không nỡ từ chối đưa họ sang sông. Thu nhập từ 2 lượt qua về của một người khách 5.000 đồng, có những chuyến chỉ 1-2 người, nên nhiều ngày từ sáng đến tối, vợ chồng anh không kiếm nổi 50.000 đồng. “Sáng vợ đi bán cá, tui ở nhà đưa đò, trưa vợ về lại đổi phiên để tui làm việc khác. Đơn giản nhưng mất công cả hai vợ chồng, vì phải luân phiên nhau có mặt ở bến đò, thời gian còn lại không làm nghề chi được”.
Ông Lê Viết Trà, Trưởng phòng Kỹ thuật Đoạn Quản lý đường thủy nội địa, cho biết: “Ngoài yêu cầu chủ đò đảm bảo đủ các chứng chỉ, giấy phép, đăng kiểm theo quy định, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra về vấn đề an toàn đường thủy. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy các chủ đò có trang bị áo phao đầy đủ, đảm bảo an toàn cho người dân qua đò”. Còn theo chị Ngô Thị Lan, chủ ở bến đò Tân Ba, trước đây hằng năm chính quyền địa phương đều cấp áo phao và chị đều hướng dẫn khách sử dụng khi qua đò. Nhưng thời gian gần đây, khách ít dần, lại chủ yếu là khách địa phương biết bơi lội, sử dụng áo phao bất tiện nên chỉ những khách lạ chị mới nhắc nhở họ mặc áo phao để đảm bảo an toàn.
Tìm đến bến đò La Khê Trẹm – chợ Tuần (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà), hai chiếc đò của gia đình anh Võ Phượng nằm “cô đơn” giữa bến, không khách sang sông. Chị Hồ Thị Chót – vợ anh Phượng, trải lòng: “Vợ chồng tui viết đơn xin nghỉ 2 tháng rồi nhưng chính quyền động viên cố gắng thêm một thời gian nữa. Mặc dù từ bến đò đến cầu phao chỉ cách 1km, nhưng ở đây chuyên chở những mệ già qua chợ Tuần bán hàng, họ gánh bộ khó khăn, qua cầu phao vất vả nên ai cũng mong chúng tôi không bỏ nghề”.
Khách ở bến đò này chỉ “gọi đò” từ 5-8 giờ sáng, thời gian còn lại của ngày, hai vợ chồng làm những việc phụ, thu nhập bấp bênh. Anh Phượng tâm sự, do học vấn không cao nên công việc thích hợp của vợ chồng anh là làm thuê các công việc như bóc vỏ tràm nhưng không ai chịu thuê nhân công sau 8 giờ. “Trước khi có cầu phao, mỗi ngày đưa đón nhiều học sinh, thu nhập khá ổn định. Từ khi cầu phao bắc ngang sông Tả Trạch, chỉ còn những bạn hàng buôn đi đò. Trừ chi phí xăng dầu, công của hai vợ chồng mỗi ngày khoảng 50.000 đồng, máy móc lắm khi “bệnh tật” nên có ngày làm không thu được đồng nào”. Ngồi với chúng tôi, anh Phượng kể ra khá nhiều vất vả như tranh thủ bắt ếch, bắt cá xuyên đêm nhưng 3-4 giờ sáng phải về cho kịp khách đợi. Làm không có thu nhập, nhiều lúc vợ chồng lại xảy ra chuyện bất hòa.
 
Mong ước…
Theo Đoạn Quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông Vận tải, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 10 bến đò ngang đang hoạt động. Mặc dù khách thưa dần, nhưng nhu cầu dân sinh vẫn còn nên các chủ đò chưa thể nghỉ làm. Ông Lê Viết Trà, Trưởng phòng Kỹ thuật Đoạn Quản lý đường thủy nội địa cho rằng, hệ thống giao thông đường bộ được tỉnh quy hoạch tương đối đồng bộ nên vắng dần những chuyến đò ngang. Những bến đò đang hoạt động đều được cấp phép, kiểm tra thường xuyên.
Tìm đến các bến đò khác, chúng tôi nhận thấy rõ ý định chủ đò muốn nghỉ, khách lại muốn đi, thế nên những người lái đò vẫn thường bảo nhau: “Trót lỡ nghề nào phải theo nghiệp nấy”. Anh Khanh tâm sự, nói là có cầu nhưng khoảng cách phải đến hơn 7km, đi về là 14km khiến nhiều người dân vẫn chọn cách đi đò. Bao nhiêu năm gắn bó với con nước, có những lần chở người bệnh, người đi sinh từ phía Dương Hòa sang khiến suy nghĩ nghỉ đưa đò của anh không thành sự thật được. “Đầu năm đến chừ có nhiều người ốm đau gọi tui sang đưa đò. Năm ngoái có trường hợp bên Dương Hòa điện thoại đò sang đưa người đi sinh. Những hoàn cảnh như thế, nhiều khi phải thức cả đêm, làm miễn phí, hỏi sao có thể nghỉ nghề này”, anh Khanh nói. Tiếp lời, chị Lan bày tỏ, bến đò Tân Ba chở khách đến từ nhiều nơi, nhu cầu người dân muốn có một cây cầu treo. Nhiều lần có người đến khảo sát để xây cầu, mong đợi lắm nhưng rồi họ cũng đi luôn.
Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cũng ghi nhận, hiện tại nhiều nơi đã có cầu nhưng do đường sá xa xôi nên nhu cầu người dân vẫn còn muốn đi đò. Địa phương phải động viên những người lái đò tạo điều kiện giúp bà con qua lại. Chứng kiến sự vất vả của gia đình anh Khanh, ông Lê Nhơn, Trưởng thôn Tân Ba, ngậm ngùi: “Hai vợ chồng quá vất vả. Bưng chén cơm ăn khách gọi, mới nằm ngả lưng khách lại kêu đò. Mỗi lượt chỉ 2.000-3.000 đồng...”
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tân Mỹ giữa mùa vui

5h sáng, mặt trời nhú lên thắp hồng vào mênh mông, những người phụ nữ ngồi trên bờ biển Tân Mỹ (Quảng Ngạn, Quảng Điền) không còn tụm năm tụm ba. Trên những chiếc thuyền nan, những người đàn ông mang theo lộc biển óng ánh đang cập bờ.

Tân Mỹ giữa mùa vui
Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương

Tháng Nhân đạo năm nay (từ ngày 1 đến 31/5/2024) hướng đến một hành trình của lòng nhân ái mà ở đó mỗi người đều có thể tham gia đóng góp, gắn kết, cống hiến. Tất cả đều hướng tới sẻ chia tình yêu thương, sẵn sàng trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, nhân lên những hành động tử tế, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.

Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương
Giới trẻ ngày càng ít dùng tiền mặt

Với sự nhanh chóng và thuận tiện, những hình thức thanh toán trực tuyến được nhiều bạn trẻ sử dụng thay cho những giao dịch bằng tiền mặt.

Giới trẻ ngày càng ít dùng tiền mặt
“Thời gian chính là cuộc sống của bạn”

“Tạo hóa rất công bằng khi ban tặng cho mỗi người chúng ta, ai cũng như ai, hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Đó là quà tặng được ví quý như vàng bạc. Mỗi người chúng ta có trân quý thời gian đó không hay đang lãng phí? Nếu bạn không xài hết ngày thì chính nó sẽ xài ngược lại bạn”, ông Võ Ca Dao, Giám đốc Công ty Dịch thuật D-institute, Phó Tổng Giám đốc OBC (One Business Connection) Việt Nam, chia sẻ khi trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần quanh câu chuyện quản lý thời gian hiệu quả.

“Thời gian chính là cuộc sống của bạn”
Tủ quần áo trong căn nhà hiện đại

Trang trí nội thất trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với mọi không gian sống. Trong đó, nhu cầu thiết kế tủ quần áo là sự lựa chọn được ưu tiên bởi sự hiện đại, sang trọng và tính tiện nghi. Đối với các “tín đồ” thời trang, nhất là với chị em phụ nữ, tủ quần áo được xem là nơi “tình yêu bắt đầu”.

Tủ quần áo trong căn nhà hiện đại
Return to top