|
Các cuộc thi về sáng tạo khoa học kỹ thuật là nơi để tìm kiếm, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển khoa học công nghệ |
Quan tâm đầu tư
Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế và là một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN. Để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ đó, Thừa Thiên Huế đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển KHCN, xem đây là một ngành kinh tế tổng hợp, là công cụ then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, có Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KHCN giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch 209 của UBND tỉnh về "Phát triển nguồn nhân lực KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030"…
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động lao động, sản xuất. Chú trọng đưa các kết quả nghiên cứu, sáng tạo vào thực tiễn. Đồng thời, quan tâm động viên, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có những sáng tạo hữu ích trong nghiên cứu, lao động để khích lệ phát triển phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
Thống kê từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội), trên địa bàn hiện có 52 hội thành viên, 11 đơn vị KHCN trực thuộc Liên hiệp Hội với trên 30.000 hội viên là các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực KH&CN có tính chuyên sâu, có quá trình công tác lâu năm và tầm nhìn rộng để nghiên cứu, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.
TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Hội cho rằng, đội ngũ trí thức KHCN của tỉnh đã tham gia tích cực, góp phần xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN, nâng cao dân trí cho quần chúng nhân dân và cộng đồng xã hội. Nhiều nhà khoa học không ngừng nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật và đã có nhiều công trình khoa học, giải pháp, sáng chế phục vụ thiết thực cho cuộc sống.
Phát triển kinh tế tri thức
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy vai trò của nghiên cứu khoa học, thực hiện theo Nghị quyết 54, đã đến lúc tỉnh cần rà soát, đánh giá hiện trạng và nhu cầu sử dụng nhân lực KHCN chất lượng cao trong từng ngành, lĩnh vực để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao làm việc tại tỉnh. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để giới thiệu đến tổ chức KHCN, doanh nghiệp có nhu cầu cũng như thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu khoa học...
Lợi thế của Thừa Thiên Huế trong xây dựng và hình thành trung tâm KHCN hàng đầu của cả nước ngoài thiết chế về KHCN, còn quy tụ được tổng lực nguồn nhân lực ở các ngành, đơn vị trường, viện, doanh nghiệp. Ngành KH&CN tiếp tục hoàn thiện và thực thi thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm phát huy tốt đội ngũ nhân lực KH&CN, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các thiết chế KH&CN, các tổ chức, cá nhân các nhà khoa học, các doanh nghiệp KH&CN tham gia sâu rộng vào hoạt động KH&CN của tỉnh.
Với vị trí xếp hạng đại học của Đại học Huế trên bảng xếp hạng quốc tế và khu vực tăng vượt bậc qua từng năm cũng đã khẳng định ưu thế về các nguồn lực; trong đó, có nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu mạnh... Đội ngũ này chính là những nhân tố chính để đưa Đại học Huế nói riêng và Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế. Sản phẩm KH&CN được nguồn nhân lực này tạo ra có ý nghĩa không chỉ về mặt khoa học mà còn mang tầm ảnh hưởng lớn, có tính ứng dụng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nhiệm vụ, chiến lược phát triển đất nước.
Sự phối hợp liên ngành, hợp tác bền vững, hỗ trợ của các khoa, trường, viện, sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học sẽ là động lực lớn để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có giá trị, có tính ứng dụng thiết thực, phục vụ sản xuất và cuộc sống, góp phần vào sự phát triển của tỉnh theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.