Con đò "nhổ neo" trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Huế) sáng 16/10
Tầm 9 giờ sáng, đang chạy xe máy từ phía cầu Trường Tiền, bon bon dọc đường Hùng Vương, con đường thuộc “top” lớn và trung tâm giữa TP.Huế, bạn chợt reo lên: “Ơ kìa, đò!”. Nhìn qua phía bên trái, đường Nguyễn Thị Minh Khai vẫn ngập nước. Trên dòng nước, con đò nhỏ đang “cắm sào” gần sát với vỉa hè, đợi người đi. Trên “bờ”-ngay mép đường Hùng Vương, chiếc taxi đang dừng lại. 5-6 khách “tay xách nách mang” hành lý, chuẩn bị xuống đò. Hỏi thăm thì được biết, khách về cống Kiểm Huệ. Người phụ nữ trạc tuổi sáu mươi nở nụ cười: “Tui đón bà con ở trong Nam về. Nhà tui nên tui rành đường lắm. Chừ phương tiện ô tô, xe máy chưa về nhà tui được mô, nên chỉ có đi đò”
“Chuyến đò này lấy giá bao nhiêu vậy em?”. “Hai trăm nghìn chị ơi”- Người thanh niên chở đò cười bảo, hôm qua nước ngập nhiều đường hơn, ngập sâu hơn nên kiếm cũng được khá hơn. Lại bảo, linh động mưu sinh ngày lũ lụt, kiếm được tiền là vui rồi, và lại còn thêm một niềm vui khác. “Đời đò” vốn lênh đênh trên sông nước, đầm phá, chỉ những mùa lũ lụt, mới có cơ hội ngược xuôi ngay trên đường phố. Khách đi đò vui tính góp chuyện: “Mà như tui, chắc cũng có không ít khách cũng vui, vì “vụ” đi đò nơi phố xá. Nên đôi khi cũng chẳng tính toán chi li, so sánh với giá xe “ôm”, grab. Vả lại, những lúc ngập lụt như này, may mà có đò làm phương tiện vận chuyển, thuận tiện cho lưu thông đi lại”.
Cũng trên "dòng sông" Nguyễn Thị Minh Khai, một chuyến đò khác đang "cập bờ", sáng ngày 16/10
“Nhổ neo” ra đến đoạn nước sâu hơn, đò mới bắt đầu nổ máy. Lúc này, có một chiếc đò khác chở áo phao, ngược chiều đến “cập bờ”. Sau khi chuyển hết số áo phao lên chiếc ô tô đang đứng đợi (đưa số áo phao đến vùng thấp trũng, phục vụ công tác cứu trợ), con đò rời đi. Những người dân khu vực này cho biết, chỉ lát nữa thôi, con đò sẽ quay lại chờ khách, cho đến lúc nước rút cạn mới không còn chờ.
Trong lúc đó tầm 10 giờ sáng, trên lề đường Bà Triệu (cắt đường Dương Văn An) một số người đang đứng đợi đò. Không bao lâu sau, một chiếc đò đã xuất hiện từ phía xa tới. Chở đò là người đàn ông và người phụ nữ trung niên, sử dụng chèo tay. Khi “trả” khách, cũng là lúc vợ chồng chị vui vẻ góp câu chuyện phiếm. Người phụ nữ cho biết, nhà chị ở phường Vỹ Dạ, mưu sinh bằng nghề chài lưới, đánh bắt. Mấy hôm nay lũ lụt, thực hiện theo tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, tạm thời không ra sông chài lưới. Thành phố nhiều đường ngập nặng, chia cắt, nhiều người cần phải sử dụng dịch vụ chuyên chở bằng đò, nên chị “ra phố” hành nghề. Hôm qua “phạm vi hành nghề” rộng hơn, thu nhập nhiều hơn.
Chủ đò vui vẻ bảo khách đưa bao nhiêu tùy lòng (Ảnh chụp lúc 10 giờ sáng 16/10 trên đường Dương Văn An)
Người khách mới bước lên đò yêu cầu chủ đò đưa mình đến trụ sở Công an phường Xuân Phú, đồng thời hỏi giá báo nhiêu? Người chở đò: “Anh muốn đưa bao nhiêu cũng được. Tùy lòng”. Nhưng đò vẫn dùng dằng chưa quay đầu “rời bến”, bởi có một vài bạn trẻ hứng thú với hình ảnh “đò trên đường phố”, muốn được check in kỷ niệm. Vui vẻ chờ các bạn chụp ảnh xong, trước khi rời đi, nữ chủ đò nở nụ cười cùng với câu đùa: “ui, vậy không trả phí check in cho tui à”…
Niềm thích thú của cả chủ đò và khách khi mang theo ký ức về những chuyến đò trong lòng phố
Chiều qua cũng trên đoạn đường này, bạn lên đò để vào nhà người thân ở đường Nguyễn Bính (phường Xuân Phú) có việc gấp. Chặng vào và chặng ra (tổng cộng tầm chưa đến 2 km) giá tiền tổng cộng 200 nghìn đồng. “Lúc đó cũng cảm thấy hơi xót tiền. Nhưng trong hoàn cảnh lụt lội, nước ngập cao như vậy, ô tô, xe máy đành “bó phép”. Chẳng lẽ tiếc tiền mà lội nước. Dầm trong nước gần 2 km đường đi, cảm lạnh, tiền thuốc không lại tiền men. Nghĩ lui nghĩ tới, đâm ra cảm ơn dịch vụ vận chuyển bằng đò trên phố khi lũ lụt, vì đã giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân”.
Bạn nói, sau một buổi sáng có thời gian nhẩn nha với dịch vụ này, nghe tâm tình của cả người chở đò và khách đi đò, mới hiểu đằng sau sự mưu sinh cơm áo gạo tiền của chủ đò, đằng sau việc giải quyết nhu cầu đi lại của khách trong mùa mưa lũ, cả người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ đều tận hưởng niềm vui thú vị. Rồi mùa mưa lũ sẽ qua, nhưng trong ký ức của họ sẽ mang theo những chuyến đò trong lòng phố, trên những đường phố vốn dĩ chỉ xe cộ ngược xuôi.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh