Con cá khoai đầu mùa đang là “cứu cánh” cho ngư dân bãi ngang ven biển
1. Tấm rớ dưới mặt nước được Hoàng kéo lên, những con tôm chân trắng cỡ bằng đầu ngón tay út nhảy lốp đốp. Mỗi ngày 2 lần Hoàng kéo rớ như thế để kiểm tra 2 việc: Xem lượng thức ăn trong ao nuôi còn thừa hay thiếu và xác định được kích cỡ tôm nuôi.
… Và đây là lần kéo rớ cuối cùng khi những chiếc xe đông lạnh đang chờ sẵn phía Tỉnh lộ 12. Hoàng giơ 2 ngón tay cùng cái lắc đầu chậm rãi: “Size 200 (200 con/kg), thôi xúc hết đi”. Với kích cỡ tôm thế này, người nuôi phải chờ ít nhất 2 tháng nữa mới có thể xuất bán. Nhưng nay, Hoàng và một anh bạn nữa chung vốn làm ăn quyết định thu non, ước tính lỗ khoảng 300 triệu đồng – số tiền không hề nhỏ.
Thời điểm này, “số phận” như Hoàng đã là may mắn. Trong hàng trăm ao nuôi tôm chân trắng tại dải đất ven biển Ngũ Điền (Phong Điền) ít ai thoát khỏi dịch bệnh. Chẳng có con số thống kê nào cụ thể nhưng do dịch trên tôm, theo nhẩm tính của người trong cuộc, hàng chục tỉ đồng đã trôi theo dòng nước. “Tôi không thu hoạch sớm thì chắc chắn tôm cũng sẽ bị sự cố (chết), lúc ấy thiệt hại còn lớn hơn”, Hoàng trần tình.
Kỹ thuật nuôi tôm ao tròn, công nghệ cao nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước vẫn chưa áp dụng nhiều tại các vùng nuôi
Không cần bàn nhiều đến “canh bạc” nuôi tôm trên cát, song, hấp lực từ loại thủy sản này không biết tự bao giờ khiến cư dân ven biển bán cả nhà cửa để bám đuôi tôm. Họ theo cái nghề nguồn gốc tổ tiên không sinh ra. Tự phát, thiếu kỹ thuật rồi nghề nuôi chết dần theo thời gian dù diện tích liên tục được mở rộng.
Nguyên bản của nghề nuôi tôm trên cát tại các địa phương ven biển mỗi năm có hai vụ, nhưng khi mà dịch bệnh triền miên, nhiều người nuôi tôm bỏ luôn vụ hè. Với họ, vụ hè có quá nhiều bất lợi về thời tiết lẫn giá cả.
Dồn sức vào vụ đông không thắng lớn cũng lợi nhỏ - đó là quan niệm bất di bất dịch từ cả thập kỷ nay. Chính vì vậy, người dân đổ xô nuôi tôm vụ đông. Bây giờ, khi “đứt gánh giữa đường”, hàng trăm thứ khó đang bủa vây. Niềm tin vào vụ đông phần nào bị sứt mẻ.
So với những địa phương khác, dân Ngũ Điền nuôi tôm trên cát thuộc vào loại có kinh nghiệm đầy mình. Song, lứa tôm chưa đầy 2 tháng tuổi bị đen mang, nổi nước, họ lại bảo hiện tượng ấy chưa xuất hiện từ khi những con giống đầu tiên được thả xuống vùng cát này. “Chúng tôi luôn tự tin vào vụ đông, từ trước đến nay, dù nuôi thế nào cũng lãi. Nhưng vụ này, tôm chết bất ngờ. Nhiều người cụt vốn và lỡ dở vụ nuôi. Chắc chắn những ngày cuối năm, tết đến sẽ rất khó khăn”, anh Lê Sáng (một hộ nuôi tôm xã Điền Hòa) nói.
Câu trả lời chính xác nhất cho loại bệnh trên tôm ấy phải đến từ cơ quan chức năng. Và, những người có chức trách đã lấy mẫu để kiểm tra. Song, có một điều khẳng định rằng, sự biến đổi của môi trường nước, đặc biệt là nước biển khiến tôm nuôi bị tác động tiêu cực trong nhiều năm qua. Sự luân chuyển của dòng nước chưa hợp lý khi mà hạ tầng vùng nuôi hiện chưa hoàn thiện là một trong những tác nhân khiến con tôm bị ảnh hưởng.
Trong lần trò chuyện với vị giám đốc doanh nghiệp thủy sản đang sở hữu 2ha tôm chân trắng hữu cơ tại Vinh Xuân (Phú Vang), ông bảo, khó nhất trong quá trình nuôi hiện nay đó là sự biến động bất thường của nước biển. Tự nhiên đã bị chính con người tác động theo chiều hướng tiêu cực dẫn đến thực trạng chuẩn nước biển cấp vào không được như yêu cầu. Dịch bệnh trên tôm vì thế cũng xuất hiện với mật độ dày hơn và bất thường hơn. Lần này, dịch bệnh xuất hiện ngay tại vụ nuôi người dân tự tin nhất khiến họ bất ngờ. Khu vực biển tại các vùng nuôi bị tác động tiêu cực thì đây là sự phản hồi của tự nhiên.
2. Dưới chân sóng, những “vết thương” do nuôi tôm tự phát lộ. Từ “vết thương” ấy, nước loang dài thành dòng khiến dải đất phía sau cồn “trọng thương”, hàng trăm ngôi nhà đứng trước viễn cảnh bị xâm thực. Người nuôi tôm ven biển cũng đang bị “trọng thương” ở thời điểm họ nghĩ rằng nghề sẽ sống khỏe.
Người nuôi tôm Phong Hải chăm sóc tôm vụ đông
Rất trùng hợp, tôm chân trắng ngắc ngoải, con cá khoai lại bắt đầu nổi nước, bơi vào bờ giúp ngư dân hy vọng qua tháng ngày cuối năm điêu đứng bởi dịch bệnh.
Hơn mười năm trước, những con người ngồi trong lán trại kia, nhâm nhi nước trà, ngó ra cánh quạt đánh bọt tung tóe, tạo o xy trên ao nuôi ấy cũng từng gắn bó với con sóng. Họ bỏ biển để theo “hào quang” trên bờ. Nhưng cái vòng luẩn quẩn chưa lối thoát của con tôm khiến không ít người phải bám víu vào biển như cứu cánh.
Có một điều chính người dân ven biển Ngũ Điền thở dài và rồi tự vấn. Cũng địa hình bãi ngang đó, ở hai đầu, phía Bắc (Hải Khê, Quảng Trị), phía Nam (Quảng Ngạn, Quảng Điền) nghề biển đến nay đang được duy trì. Con cá biển tươi ngay ở chợ Phong Hải (Phong Điền) có nguồn gốc từ các địa phương khác, trong khi hàng dài thuyền nan địa phương đắp chiếu trên bãi bờ. Ngư dân bản địa cho rằng, dòng nước… nghịch lý khiến cá tôm xuất hiện nhiều ở mặt nước hai đầu như là sự biện giải trong bất lực.
Con tôm vụ đông gặp khó đó không chỉ là câu chuyện của những người chủ bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư mà còn là sinh kế của hàng trăm lao động nơi miền biển, những con người xưa nay mắm muối qua ngày. Thời dịch bệnh, lao động thất nghiệp trở về địa phương nhiều hơn thường nhật.
Ngồi trên bãi cát, đợi thuyền cập bờ cùng lão ngư Lê Văn Hoạc (Điền Hòa, Phong Điền) rồi chứng kiến mấy rổ cá khoai tươi rói bị thương lái giành giật sạch boong trong phút chốc mới cảm nhận “vị mặn” của biển cũng còn lắm giá trị. 2 đứa con trai của ông Hoạc không cùng “hệ” với lớp thanh niên trong làng, nghĩa là không theo con tôm chân trắng, nuôi thuê cho chủ hồ mà bám chiếc thuyền nan kể từ khi tới tuổi tập tành “cưỡi” sóng. Ấy thế mà, chính họ lại ổn định hơn, ổn trong suy nghĩ lẫn cái nghiệp.
“Nhiều người bán thuyền, bán lưới để đi nuôi tôm thuê. Nhưng tôm chết họ lại loanh quanh tìm việc. Còn nghề biển tuy thu nhập không cao nhưng vẫn đủ sống và ổn định theo năm tháng. Đang vào mùa cá khoai, nhiều thanh niên chưa có việc làm và người nuôi tôm thuê thất nghiệp xin đi theo thuyền để kiếm thêm thu nhập”, ông Hoạc chia sẻ.
Ước mơ đổi đời không có gì sai, nhưng giữa mơ và thực là khoảng cách không dễ san lấp. Tôm chết trắng hồ, ngư dân thiệt cả về của cải lẫn tinh thần. Ý nghĩ trở lại với biển đang dần nhen nhóm trong nhiều người vùng cát. Ít nhất khi không còn vụ đông của tôm, vụ cá khoai sẽ giúp họ có thêm chiếc áo mới cho con vào độ ra giêng. Chỉ có điều, làm gì cũng cần kiên trì lẫn chuyên nghiệp.
Nghề trên bờ thất bát nhưng phía trùng khơi vẫn luôn vẫy gọi. Thuở nguyên bản, màu nước xanh biếc ấy đã ôm lấy những phận người gian lao nơi chân sóng. Ngay cả khi họ đến với “hào quang” trên bờ, cũng chính nguồn nước ấy dung dưỡng cho con tôm chân trắng tung quẩy giữa đất trời.
Hãy đừng cắc cớ rồi biện giải rằng, tôm trên bờ chết, cá dưới biển vơi dần là bởi dòng nước… nghịch lý. Chỉ nghịch lý trong tâm thức lẫn sự hành xử của con người đối với tự nhiên.
Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN