Chủ Nhật, 29/11/2020 13:56
(GMT+7)
Chuyến đò ngày đông
TTH - Bến đò Đông Ba còn có quán cơm bình dân cho những người lao động nghèo ở bến đò và cả những khách đi đò đây đó nữa. Hồi sinh viên, tôi cũng mấy lần ăn cơm ở đó khi trong túi không còn đồng nào.
Nhìn bức ảnh những con thuyền san sát tại một xóm vạn đò ở Huế (có lẽ ở đoạn sông đường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay) của nhiếp ảnh gia Habans Patrice làm tôi chợt nhớ là đã lâu lắm rồi tôi không còn đi đường thủy nữa. Bến đò Đông Ba thân thuộc cũng dần trôi vào ký ức. Cái bến đò trời nắng nóng thì bụi mù, còn mưa gió lạnh lẽo thì bê bết, nhão nhoẹt bùn đất. Nhưng hình ảnh mà tôi nhớ nhất mỗi lần đò cập bến là cảnh những người bốc vác quàng chiếc bao tải màu xám trên lưng ì ạch vác những bao hàng từ bến xuống đò và ngược lại mà hình như họ chẳng biết lạnh hay nóng gì cả. Nhớ lần đầu theo đò lên Huế trọ học, đò vừa cập bến, có một anh chàng nhảy xuống vác trên vai chiếc xe đạp của tôi lên bến mà lòng cứ nghĩ: ô người thành phố tốt thế! Nhưng vừa bước lên bến thì anh chàng nọ đã bước tới nói cho tui xin tiền công vác xe! Nhớ lại chuyện này tôi cứ cười thầm mãi cho sự ngờ nghệch của mình thuở nào...
Bến đò Đông Ba còn có quán cơm bình dân cho những người lao động nghèo ở bến đò và cả những khách đi đò đây đó nữa. Hồi sinh viên, tôi cũng mấy lần ăn cơm ở đó khi trong túi không còn đồng nào. Ăn xong nói với dì chủ quán là chút nữa thôi đò Đại Lược lên con mới có tiền trả cho dì, là tiền ba mạ gửi lên tiếp viện theo đò…Dì chủ quán miệng luôn nhai trầu, nói năng bỗ bã hình như chẳng biết sợ ai nhưng vui tính và thương người. Cái quán của dì hình như đỏ lửa suốt ngày mang hơi ấm và cả tình thương cho những người lao động nghèo bên chợ.
Những lần theo đò về nhà vào ngày đông mưa dầm gió bấc. Vác chiếc xe đạp đi dò từng bước một trên tấm ván nhỏ bắc từ bậc tam cấp lên mạn đò. Quăng xe trên trần đò, bỏ lại sự nhốn nháo chợ búa sau lưng và chui vào khoang đò. Ở đó đã có những người buôn chuyến quen mặt, những người tha phương về thăm quê hoặc những người quê lên phố thăm bà con hoặc có công chuyện...
Cái lạnh phả từ mặt nước sông lên càng buốt hơn nên mỗi người ngồi thu lu một góc. Phải khi đò nổ máy rời bến, dì chủ đò thổi bếp lửa lên để chuẩn bị cơm trưa cho gia đình thì khoang đò mới ấm hẳn lên. Ánh lửa bập bùng trong khoangđò, mùi của nồi cá song kho với ớt tươi, của nồi cơm chín tới nó cứ quấn quýt trong khoang đò chỉ có cỡ chừng hơn chục con người, mỗi người lại đang theo đuổi một tâm trạng riêng. Phải đến khi bác chủ đò dừng tay lái, giao lại cho anh phụ đò và mang chai rượu gạo ra và trải chiếu bên bếp lửa nhấm rượu chống lạnh thì không khí mới rộn ràng hơn.
Tôi là khách quen đã đi đò nhiều lần vào những ngày mưa lạnh và lần nào cũng được uống chung vài chén rượu với bác chủ đò. Tính bác là vầy, không uống rượu một mình mà mời tất cả những người đàn ông trên đò cùng uống. Thỉnh thoảng bác lại rót chén rượu đầy tiếp cho anh phụ đò đang trùm áo mưa ngồi co ro trước lái. Những câu chuyện bên chén rượu trên chuyến đò chiều không trùng lặp. Một người góp mỗi chuyện cứ râm ran như thế cho đến khi đò cập bến. Sau này, cứ mỗi lần có ai đó nhắc đến chuyện chén rượu trên đò là tôi cứ nhớ ngay hơi rượu ấm chiều đông lạnh trong khoang đò lênh đênh trên sông Hương và phá Tam Giang năm nào và cái cảm giác của tôi lúc đó thật giống như một câu thơ mà bạn bè vẫn hay đọc: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt - Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”...
Mùa mưa Huế thường kéo dài suốt mấy ngày, có khi đến nửa tháng. Đôi khi tôi lại chạnh nhớ những chuyến đò ấm áp trong mưa lạnh, nhớ hình ảnh phong trần của bác lái đò và cả những người thoáng gặp và tôi lại thèm được đi lại chuyến đò ngày đông như thế…
PHI TÂN