ClockChủ Nhật, 17/10/2021 06:05

Podcast - xu hướng “nghe báo” của giới trẻ

TTH - Được ví như “Radio thời hiện đại”, podcast đang trở thành xu hướng tiếp cận thông tin mới, ngày càng được giới trẻ chào đón.

Phim “Em và Trịnh” ra mắt chuỗi podcast “Nắng thủy tinh”Tính hai mặt với điệu nhảy “đốc-cờ-lê”Bùng cháy với dance coverTrào lưu của giới trẻ mùa dịch

Podcast như một hình thức chuyển tải thông tin mới, hiện đại

Xu thế

Podcast hiểu một cách chung nhất là chương trình âm thanh mà người dùng có thể nghe trên các ứng dụng, cũng có thể đăng ký và tải về trên các thiết bị điện thoại, máy tính… Tương tự như phát thanh, podcast là chương trình radio với một chủ đề cụ thể bao gồm nhiều tập được xuất bản liên tục, định kỳ. Từ đó, podcast được một người (hay một nhóm) tạo ra tải lên internet, những người khác có thể nghe trên ứng dụng như iTunes, Spotify hoặc nghe thông qua các thiết bị smartphone.

Nhiều năm trở lại đây, việc nghe podcast đang ngày càng trở nên thịnh hành hơn. Nguyên do là bởi vì trong cuộc sống bận rộn, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ dành rất nhiều thời gian cho học tập và làm việc. Chính vì thế, họ không có nhiều thời gian để tiếp cận hay dung nạp một số thông tin hữu ích và có chiều sâu. Giống như một “bản nhạc”, podcast ra đời với đa dạng những nội dung, lĩnh vực từ văn hoá – xã hội, đời sống, kinh tế, giáo dục với những chủ đề thú vị, được giới trẻ quan tâm như tập kinh doanh, giáo dục giới tính, giải đáp những thắc mắc tuổi mới lớn… khiến cho podcast trở nên gần gũi, dễ nhận được sự đồng cảm của giới trẻ.

Người dùng có thể lựa chọn những podcast có nội dung phù hợp với nhu cầu của bản thân

Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, cài đặt ứng dụng và “nghe báo” mỗi ngày. Podcast giúp cho chúng ta vừa có thể làm việc, vừa nghe như một cách để thư giãn. Không hình ảnh, video, chỉ có âm thanh nhưng đây là phương thức chuyển tải thông tin khá hữu ích trong những lúc “chân tay bận rộn, não bộ rảnh rang”.

Nguyễn Kỳ Hiểu Linh (24 tuổi, TP. Huế) chia sẻ: Mình tình cờ biết podcast thông qua các trang mạng xã hội. Khi đó, mình nghe được một đoạn podcast khá ấn tượng của "Giang ơi Radio" chia sẻ về cuộc sống thông qua câu chuyện “Người lớn cảm thấy… già” được chia sẻ lên facebook. Với lối kể chuyện cuốn hút và chân thật khiến mình cảm thấy như có một người đang tâm sự và trò chuyện cùng. Từ đó, mình bắt đầu tìm hiểu về podcast, về câu chuyện của những người nổi tiếng và xem nó như một người bạn mỗi lúc mỗi nơi.

Bổ ích và thú vị

Sau thời gian làm việc, học tập căng thẳng và mệt mỏi, chúng ta không muốn mãi “cắm mắt” vào màn hình điện thoại hay máy tính. Podcast như một phương thức khiến người dùng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin mà không cần phải tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử. Podcast đáp ứng nhu cầu, cho phép người dùng vừa nghe vừa có thể lái xe, làm việc nhà hoặc muốn rảnh tay, nghỉ ngơi, giải trí…

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mình ở nhà làm online gần 2 tháng nay. Việc tiếp xúc với máy tính và điện thoại quá nhiều khiến mắt mỏi, căng thẳng và cạn kiệt năng lượng. Podcast như một “vị cứu tinh” giúp mình có thể vừa để mắt thư giãn, vừa tiếp cận được một khối lượng thông tin bổ ích trong thời gian nghỉ ngơi, Hiểu Linh cho hay.

Với đa dạng và phong phú các nội dung về những chủ đề hấp dẫn, thú vị xoay quanh cuộc sống thường nhật, các thính giả có thể lựa chọn những nội dung, chủ đề phù hợp với nhu cầu của bản thân. Bằng hình thức kể chuyện hoặc trò chuyện với một nhân vật khách mời thông qua một buổi hội thoại, thảo luận về một vấn đề cụ thể, người nghe có thể nắm bắt thông tin dễ dàng hơn.

Tại Việt Nam, những kênh có nhiều lượt nghe như: Humans of Vietnam, Trạm dừng cảm xúc, Tâm Lý Ơi, Oddly Normal… với lối dẫn dắt, kể chuyện chân thật, giản dị, cuốn hút về những câu chuyện đời sống, đem lại trải nghiệm thú vị, những góc nhìn mới lạ và lối sống tích cực hơn cho người nghe. Ngoài ra, podcast còn đáp ứng nhu cầu học tập của thính giả như trau dồi từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh thông qua những kênh liên quan đến giáo dục, học tập.

Ngô An Nhiên, (25 tuổi, TP. Huế) chia sẻ, mình thường lựa chọn kênh của những podcaster (người làm podcast) nước ngoài, bởi thông qua đó, mình có thể vừa trải nghiệm được những câu chuyện thú vị và còn trau dồi kiến thức tiếng Anh, từ đó sẽ giúp mình cải thiện khả năng nghe và phát âm.

Podcast vẫn còn là một cái tên khá mới trên nền tảng công nghệ số. Song với sự phát triển mạnh mẽ và đầy tiềm năng của nó, trong thời gian tới, hình thức “nghe báo” này hứa hẹn sẽ ngày càng phổ biến hơn không chỉ trong giới trẻ mà còn đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của mọi lứa tuổi.

Bài, ảnh: BẠCH CHÂU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày Trẻ em thế giới (20/11):
UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em

Sự thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ tạo ra một tương lai ảm đạm cho trẻ em vào giữa thế kỷ 21, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trong một báo cáo thường niên, được công bố vào Ngày Trẻ em thế giới (20/11).

UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em
Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top