ClockThứ Hai, 04/02/2019 19:32

Quảng hương mộc mai, loài mai mới ở Huế

TTH.VN - Một cách tình cờ, ông Nguyễn Đình Lam sở hữu loài mai mới, hội tụ khá nhiều ưu điểm cùng hương thơm rất độc đáo

Hương Thủy: Nhà vườn không lo “mất” Tết

Từ 22 tháng 12 Âm lịch, ông Nguyễn Đình Lam  - chủ nhà vườn Nguyễn Đình Lam (16 Cao Bá Đạt – P. Thủy Phương – TX. Hương Thủy) đã cùng 100 gốc mai dạng bonsai vượt Hải Vân Quan vào “tìm hiểu” thị trường ở Đà Nẵng.

Nói tìm hiểu, bởi đây là lần đầu tiên ông Lam “đem mai bán xứ người”. “Vườn của tôi rộng hơn 1.800m2 với hơn 3.000 gốc hoàng mai, chủ yếu là mai bonsai. Ngoài khách đến tận vườn, mọi năm dịp cận Tết, tôi bày bán ở các hội hoa xuân trên Huế, nhưng năm nay thử vào Đà Nẵng xem thế nào, nếu được thì sẽ mở rộng thị trường kinh doanh”, ông Lam nói.

Dàn mai của ông Lam sát bên chùa Kỳ Viên (72 Ngô Đình Lý – TP. Đà Nẵng)

Nhưng cũng như bao mặt hàng, ngành nghề khác, chuyện ông Lam vào Đà Nẵng để bán mai quá đỗi bình thường. 

Chẳng là trong hơn 3.000 gốc mai của mình, ông Lam có khoảng 60 gốc “Quảng hương mộc mai”, và trong 100 gốc mai được bày bán sát bên chùa Kỳ Viên (72 Ngô Đình Lý – TP. Đà Nẵng), ông Lam “chêm” vào 6 gốc mai mà hương thơm của nó  thanh và dịu chẳng khác gì hương hoa mộc.

Năm 2002, ông Lam về Truồi mua một cây hoàng mai đột biến ra hoa 9 cánh, sau đó đem trưng bày ở chợ hoa dịp cận Tết. Hết đợt trưng bày, ông Lam lấy hạt của cây mai này đem ương. Đến năm 2008, hàng chục cây con của cây mai đột biến ra hoa. “Mới đầu thấy cũng bình thường như các cây hoàng mai khác nên không quá để ý. Vài ngày sau, khi hoa đã bung đều thì nghe có hương thơm là lạ quẩn quanh. Lần đến cuối vườn, tôi phát hiện chủ nhân của mùi hương này là một cây mai trong số hàng chục cây mai con nói trên”, ông Lam kể về sự ra đời “Quảng hương mộc mai”.

Một gốc "Quảng hương mộc mai" được ông Lam tạo thế bonsai

Sau khi đem cây mai này để riêng một góc chờ thời điểm nhân giống, một vài ngày sau, vị trụ trì của một ngôi chùa khá nổi tiếng ở Huế ghé vườn ông Lam. Lúc này, trên xe của vị trụ trì có một cây mộc khá đẹp, tỏa hương ngào ngạt và điều lạ, mùi thơm này khá giống với hương của cây mai nói trên. Khi chuẩn bị về, bất chợt vị trụ trì đi đến gốc mai ông Lam để riêng một góc, và cứ tần ngần mãi bên cây mai lạ.

Kể xong câu chuyện phát hiện ra loại mai kèm theo suy đoán có thể do ong bướm tình cờ thụ phấn để cho ra loài mai có mùi hương khá đặc biệt, ông Lam ngỏ ý nhờ đặt tên cho loài mai này. Sau một lúc ngẫm nghĩ, vị trụ trì đặt cho cây mai tên “Quảng hương mộc mai”, ngụ ý loài mai có mùi thơm dịu, nhẹ và thanh khiết như hoa mộc.

Ngoài hương thơm độc đáo, “Quảng hương mộc mai” có ưu điểm cho hoa đậm màu, cánh hoa dày, tròn, láng, khoảng cách giữa các cánh hoa khép kín, dù nở bung cánh vẫn không bị lật, quăn và nhanh lớn, dễ chăm sóc hơn hoàng mai. “Tuy nhiên, nếu so với hoàng mai thì loài mai này không bằng ở chổ lá pha màu gạch, thân khó uốn, vặn để tạo dáng và một chùm ra nhiều nhất chỉ 8 bông, trong khi hoàng mai có cây một chùm đến 18 bông”, ông Lam nói.

Ngoài hương thơm độc đáo, loài mai này cũng ra 5 cánh, màu sắc tươi đẹp như hoàng mai và cánh hoa dày, khép kín, khi nở bung, cánh hoa không bị quăn ngược về phía sau

Hiện ở Huế rất ít người biết đến loài mai này, cũng như chưa ai chơi. Tuy nhiên, người chơi các nơi khác đặt mua của tôi khá nhiều. Trong năm 2018, tôi đã bán cho những người chơi mai ở Bình Định 3 gốc, TP. Hồ Chí Minh 5 gốc, Bình Thuận 2 gốc, Đà Nẵng 3 gốc, Tây Ninh và Hậu Giang mỗi nơi 1 gốc, ông Lam nói sau khi lật sổ ghi chép của mình.

Như cảm thấy chưa đủ thuyết phục, ông Lam chở người viết đến nhà người khách vừa mới mua một gốc “Quảng hương mộc mai”. Tại ngôi nhà trên đường Đỗ Quang (TP. Đà Nẵng), ông Ngô Văn Tính chia sẻ: “Hoàng mai hay hồng diệp mai tôi đều chơi rồi. Nhưng phải công nhận “Quảng hương mộc mai” đặc biệt hơn các loài mai khác về mùi hương. Sáng tinh mơ đã nghe hương của nó quanh quẩn trong vườn, nhẹ nhàng, tinh khiết và rất lâu tan…”.

Ông Ngô Văn Tính (TP. Đà Nẵng) rất yêu thích cây "Quảng hương mộc mai" có nguồn gốc từ Huế

Nói về mai, chắc chắn hoàng mai của Huế vẫn là loài mai được giới chơi mai ưa chuộng nhất, bởi ngoài  đặc trưng hoa 5 cánh, sắc vàng tươi, hương thơm dịu nhẹ, tinh khiết thì dòng mai này còn cho đọt và lá màu xanh – khác hẳn với hồng diệp mai của vùng Trung trung bộ. Trong khi đó, “Quảng hương mộc mai” tuy có nhiều ưu điểm, nhưng đọt, lá màu xanh bị pha màu gạch. Đó có thể là yếu tố khiến giới chơi mai Huế chưa “mặn mà”, cũng như khiến ông Lam chưa dám nhân giống nhiều.

“Có thể người chơi mai Huế vẫn trung thành với hoàng mai, nhưng những nơi khác thì chưa chắc. Nói chung tùy quan niệm, sở thích. Sau khi tìm hiểu thị trường, qua Tết, nhiều khả năng tôi sẽ đem loài mai này vào Bình Phước và mở rộng quy mô. Dẫu vậy, bất kể thế nào thì tôi vẫn luôn tâm niệm đây là loài mai riêng có của Huế, sau hoàng mai”, ông Lam tâm sự.

Câu chuyện đem “Quảng hương mộc mai” vào Bình Phước để mở rộng thị phần của ông Lam đang ở thì tương lai. Cũng như, giá trị của loài mai này tùy thuôc vào đón nhận của thị trường cùng những đánh giá của nghệ nhân trong nghề. Nhưng dẫu sao, bên cạnh hoàng mai, Huế đã có thêm một loài mai mà so ra, ưu vẫn nhiều hơn khuyết…

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng

Trong 2 ngày (14-15/12), Trung tâm Văn hoá Thông tin & Thể thao thị xã Hương Thủy phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài tổ chức giải bóng bàn các câu lạc bộ (CLB) Hương Thủy mở rộng năm 2024. Giải thu hút 230 tay vợt của 32 CLB trên địa bàn thị xã, toàn tỉnh và các CLB đến từ Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hưng Yên, tham gia tranh tài.

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng
Return to top