ClockChủ Nhật, 18/09/2022 06:59

RAM - sân chơi của những chú robot

TTH - Tôi còn nhớ những năm giữa 2010, xem tivi thường thấy những trận đấu robocon đầy hấp dẫn được phát trực tiếp trên truyền hình. Những chú robot được các anh từ các trường đại học chế tạo ra, có thể gắp bóng, đánh cầu lông, đánh trống… đã hấp dẫn rất nhiều học sinh, sinh viên thuở bấy giờ. Từ đó, nhiều bạn học sinh đã luôn ước ao được một lần tận hưởng không khí trên sân đấu robot ấy.

Sôi động cuộc thi Robocon

RAM là sân chơi robocon hấp dẫn

Từ những ký ức sống động về những chú robocon, Hồ Hữu Tường, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học và CLB The Q Robotics (TQR) nhen nhóm ý tưởng về RAM, một cuộc thi theo mô típ của ABU Robocon. Hữu Tường và các thành viên trong CLB TQR đã “rục rịch” chuẩn bị cho RAM từ những ngày hè năm 2021. Tuy vậy, dịch COVID-19 bùng phát khiến kế hoạch của cậu và các bạn phải dời lại suốt một năm. “Trong quãng thời gian đó, chúng em ai cũng thất vọng. Tuy phải tạm gác lại giấc mơ về cuộc thi robocon, nhưng em và các thành viên trong CLB động viên nhau đợi thêm 1 năm nữa. Trong thời gian đó, chúng em vẫn tiếp tục chuẩn bị kinh phí, tuyển lại cộng tác viên, đồng thời gửi giấy mời tham dự RAM 2022 đến các trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh”, Hữu Tường cho biết.

Cuối tháng 8 vừa qua, TQR lần đầu tiên tổ chức RAM. Khu vực nhà chơi tại Trường THPT chuyên Quốc Học rộn ràng tiếng cười nói của các bạn học sinh, sinh viên yêu thích robot. Những chú robot của 5 đội thi đến từ các trường THPT Cao Thắng (đội CTB1), THPT chuyên Quốc Học (đội MRA), Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Đại học Huế (đội ROM) và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (đội Công nghiệp 11B1 và đội 20TCDC12B) đã mang đến những trận đấu gay cấn và đầy hấp dẫn.

Với chủ đề tìm về di sản, luật chơi của RAM năm 2022 xoay quanh lễ rước cờ và thả đèn hoa đăng. “Robot từ khu vực xuất phát sẽ bắt đầu thi đấu và phải hoàn thành các nhiệm vụ như lấy cờ, rước cờ qua dốc địa hình, cắm cờ vào khu vực kỳ đài, di chuyển vượt qua các chướng ngại vật, cuối cùng là phải lấy hoa đăng và thả hoa đăng vào trung tâm sân đấu. Đội nào nhanh chóng hoàn thành tất cả nhiệm vụ trên được xem như có chiến thắng tuyệt đối”, Trần Thị Thùy Dương, Trưởng Ban nội dung của RAM 2022 giải thích về luật chơi.

Nguyễn Quốc Thạch, sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cho biết, từ những người xa lạ, cậu và các bạn cùng đội Công nghiệp 11B1, tập trung lại với nhau để cùng nghiên cứu, cùng làm robot và cùng kiến tạo ước mơ. “Những ngày đầu, chúng em lên ý tưởng thiết kế và được thầy cô giúp đỡ để làm. Rồi phân chia công việc cho các bạn thay nhau làm, chúng em tìm những ngày rảnh hay không có tiết học để họp đội, có những lúc tranh cãi nho nhỏ nhưng rồi cũng cười đùa lại với nhau. Rồi cùng nhau lắp ráp những bộ phận của robot. Thời gian chuẩn bị cho cuộc thi không dài, nhưng tràn đầy những nụ cười và chúng em được làm điều mà mình thích nhất”, Quốc Thạch bộc bạch.

Chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày, nhưng giải đấu RAM lần đầu tiên được tổ chức đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn học sinh, sinh viên đam mê công nghệ. Những chú robot cầm tay của các đội thi đã thể hiện tốt trong các nhiệm vụ như cắm cờ, thả đèn hoa đăng, vượt qua những chướng ngại vật. Những trận đấu lắm khi khiến người hâm mộ cảm thấy hồi hộp khi những chú robot ganh đua nhau trên từng mili giây. Sau những màn tranh tài gay cấn, đội 20TCDC12B đến từ Trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã xuất sắc giành được chức vô địch.

Nguyễn Văn Hiếu, thành viên của đội 20TCDC12B chia sẻ, thầy cô ở khoa Điện là những người truyền cảm hứng cho cả đội, với khẩu hiệu: “Chiến thắng là khi đánh bại tất cả”. Bên cạnh đó là sự tập trung, đoàn kết, thoải mái và những “tay lái lụa” đã giúp cho đội vươn đến chức vô địch.

Chứng kiến những màn “thư hùng” của các chú robot trên sân đấu, Hữu Tường mãn nguyện: “Năm đầu tiên tổ chức, mặc dù RAM chỉ quy tụ được 5 đội thi nhưng đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh và sinh viên, khiến em rất vui và tự hào. Trong thời gian tới, RAM sẽ còn tiếp tục được tổ chức 2 năm một lần nhằm giúp cho các đội thi và ban tổ chức có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn, đem đến nhiều chú robot xuất sắc để cống hiến những trận đấu hay và đẹp cho khán giả”.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Thể thao phong trào, sân chơi của chị em

Phong trào rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) với nhiều loại hình phong phú của hội viên phụ nữ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế đã được các cấp Hội phát động, triển khai, duy trì và ngày càng được nhân rộng, thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em
Sân chơi của học sinh trường huyện

Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy học, Trường THPT An Lương Đông (huyện Phú Lộc) còn đặc biệt quan tâm tới việc phát triển kỹ năng và thể chất cho học sinh thông qua việc xây dựng các CLB (câu lạc bộ) trong nhà trường.

Sân chơi của học sinh trường huyện
Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ

Các cấp bộ Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) các cấp đã và đang phát triển các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ, đội, nhóm theo sở thích, nhu cầu của thanh niên, góp phần tạo sân chơi, môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh, định hướng lối sống đẹp cho người trẻ

Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ
Sân chơi kết nối đồng hương

Bóng đá đã trở thành sân chơi và nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm của những người Thừa Thiên Huế xa quê tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sân chơi kết nối đồng hương

TIN MỚI

  • Ứng dụng của mô tơ công nghiệp 3 pha
Return to top