ClockChủ Nhật, 21/08/2022 14:31

Rộn ràng với bộ môn câu cá

TTH - Đam mê mãnh liệt, trang bị đầy đủ kiến thức về bãi câu, tập tính các loài cá đến kỹ thuật sử dụng cần câu lão luyện vẫn chưa thể đảm bảo cho chuyến đi câu thành công. Bởi thế, với các cần thủ, bộ môn câu cá luôn luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ và hấp dẫn.

Nghề... “ngồi đồng”Câu cá ven bờ: “Nghề chơi, ăn thiệt”

Mỗi cần thủ đều trang bị bộ dụng cụ đầy đủ

Đa dạng

Từ hồ, đầm phá ra đến biển lớn, nơi đâu các cần thủ cũng có thể biểu diễn tài nghệ. Anh Trương Đình Quý, một cần thủ lâu năm tại TP. Huế cho biết: “Một trong những loại hình câu phổ biến hiện nay là câu đài. Đây là hình thức câu tay của người Đài Loan với nhiều ưu điểm như giảm tính sát thương cho cá ở lưỡi câu, phóng đại tín hiệu cá ăn mồi bằng phao”. Phao câu đài nhỏ, mảnh và vô cùng nhạy, bởi thế, hình thức câu này chuyên dành để câu trong các ao, đáy hồ bằng phẳng.

Thêm sự lựa chọn cho các cần thủ với hồ câu nhân tạo

Tự nhận mình không phải là tay “lão làng” trong “nghiệp” buông câu, nhưng với kinh nghiệm và cái tâm với thú chơi này, anh Trương Đình Quý đã tạo dựng cho mình chỗ đứng riêng, một vị trí nhất định trong Hội câu tay và câu đài Huế. Anh chia sẻ: “Sông Bồ, hồ Khe Ngang, Bình Điền... là những địa điểm thường xuyên có sự xuất hiện của các cần thủ câu đài. Không chỉ cảnh sắc hữu tình, với đặc trưng của các thời điểm câu khác nhau, mỗi cần thủ đều có thể tìm cho mình một góc yên ả để dõi theo tăm phao và đường câu”.

Trong khi câu đài phù hợp với các loài cá sông, hồ như cá rô phi, cá diếc, cá chép, cá diêu hồng thì câu lure lại vô cùng cần thiết cho những cần thủ đam mê câu cá to, hung dữ ở biển, đầm phá. Nguyễn Hương Tường Vi, một cần thủ đến từ Phú Lộc cho biết: “Vùng của mình nhiều nơi có cá to như Lộc Bình, cửa Tư Hiền, biển Hàm Rồng, ghềnh Chân Mây, sông Bù Lu... Với niềm đam mê chinh phục các loại cá nơi đây, riêng mình, kỹ thuật câu lure là sự lựa chọn hợp lý”.

Ngoài câu đài, câu lure, mỗi cần thủ có thể lựa chọn theo những phương pháp câu khác nhau như câu ikada, câu jingging đến câu popping... Mỗi phương pháp lại cần có kỹ thuật, địa hình câu và phương tiện phù hợp. Vì vậy, với bộ môn câu cá, càng tìm hiểu sẽ thấy kiến thức càng bao la và hấp dẫn.

Chinh phục cá

Dù câu đài hay câu lure, mỗi cần thủ đều phải chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị như cần câu, phao, thùng câu, vợt cá, mồi câu... để đảm bảo khả năng thành công cho mỗi cuộc hành trình. Đầu tư cho bộ môn này, các cần thủ sẵn sàng chi tiền triệu, vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng để sở hữu bộ dụng cụ câu chuyên dụng.

 

Thành quả của phương pháp câu lure

Mỗi phương pháp cần những kỹ thuật riêng biệt dành cho các loại dụng cụ đi kèm, nhưng với anh Quý và hơn 4.000 thành viên của Hội câu tay và câu đài Huế, loại hình câu đài vẫn mang đến sức hấp dẫn kỳ lạ. Anh phân tích: “Việc chỉnh câu đài rất phức tạp và mất nhiều thời gian để học hỏi và trải nghiệm. Bởi thế, không phải ai cũng có thể thành thạo khi sử dụng kỹ thuật câu này. Ngược lại, một khi đã thuần thục, phương pháp câu đài sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị, độc đáo”.

Ngoài trang thiết bị, kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ về đặc tính các loài cá thì mùa sinh sản, di chuyển, thói quen cư trú và địa hình câu cũng là điều kiện tiên quyết giúp buổi câu thành công.

Anh Tường Vi cho biết: “Mỗi loại cá có một mùa để câu tùy thuộc thời tiết và chu kỳ sinh học của chúng. Với cá vược, mình giăng câu từ tháng 1 đến tháng 3, câu ở cửa biển thì từ tháng 6 đến tháng 8. Đặc biệt, việc câu ở cửa biển thường sẽ diễn ra vào buổi tối, những đêm giữa tháng có trăng, đó sẽ là thời điểm cá ăn mạnh”.

Dùng cần máy quăng mồi giả ra xa, dụ cá bằng các kỹ thuật khác nhau, ngoài tính kiên nhẫn, mỗi cần thủ câu lure còn phải chớp lấy thời cơ sau khi cá mệt để dìu cá vào. Nếu hấp tấp, vội vã, kết quả dễ trở thành công cốc. Nếu thành công, mỗi cần thủ đều có thể trải nghiệm cảm giác sung sướng khi chinh phục được các loại cá to như cá vược, cá nhồng, cá hồng, cá mú với khối lượng lên đến cả hàng ký mỗi con.

So với các phương pháp câu thông thường, tốc độ lên cá của câu đài nhanh gấp 3 – 5 lần. Bởi thế, mỗi cuộc câu, các thành viên sử dụng loại hình câu này có thể câu từ vài chục kg, thậm chí cả hàng tạ cá. Từ đặc điểm nổi trội này, câu đài trở thành thể loại câu xuất hiện trong các cuộc thi. Tại đây, mỗi cần thủ sẽ chế mồi câu, thực hiện các thủ thuật câu điêu luyện xem ai là người chinh phục được cá nhiều nhất. Cũng từ nhu cầu này, nhiều hồ cá tính lệ phí theo giờ ra đời, đây sẽ là nơi các cần thủ chinh phục cá trong ao nuôi sẵn có, thể hiện tài nghệ và thỏa mãn đam mê mà không cần vất vả di chuyển đến các bãi câu xa xôi.

Bài: MAI HUẾ - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên
Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Return to top