ClockChủ Nhật, 30/10/2016 05:36

Săn dúi đại ngàn

TTH - Đầu mùa mưa, khi những khóm lồ ô bắt đầu cho măng cũng là lúc cánh thợ rừng mang theo cuốc, xẻng để săn dúi - loài động vật gặm nhấm phá hoại mùa màng nhưng thịt rất thơm ngon.

Chiều muộn, trở về sau chuyến săn dúi mệt nhọc, với chai nước tu một hơi dài, Hồ A Nia (thị trấn A Lưới, huyện A Lưới) buồn bã: “Hôm nay xui, đi rừng không kiếm được con dúi mô cả”.

Dúi là động vật phá hoại mùa màng nhưng cho thịt thơm ngon

Là một trong nhưng tay săn dúi có kinh nghiệm, Nia kể từ nhỏ đã theo cha vào những cánh rừng sâu mưu sinh và săn dúi dưới chân đồi A Túc (xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) – từng là nơi trú ngụ của rất nhiều loại động vật này. Hơn 15 năm tìm dúi, A Nia đúc rúc kinh nghiệm thế này: “Dúi là động vật gặm nhấm thường đào hang dưới chân núi hay trên sườn đồi. Nơi nào có măng lồ ô, lau lách, cây đót là y như rằng có sự xuất hiện của dúi. Những loại cây này là thức ăn ưa thích của chúng”.

Với cánh sơn tràng, tìm hang dúi không khó nhưng đào được dúi không hề đơn giản. Hang chúng tựa như một mạng nhện dưới lòng đất, người tìm dúi gọi vui là “hoàng cung” thu nhỏ với nhiều ngóc ngách. Ban đêm, dúi ra khỏi hang kiếm ăn, ngày lại về ẩn nấp, nghỉ ngơi. “Hang dúi có khi sâu bằng hai thân người, thường có hai đến ba lỗ. Trong đó, một là miệng hang, những lỗ còn lại để dúi thoát thân khi gặp sự cố. Muốn đào được chúng phải nhanh, bởi khi có động, dúi chui theo những lỗ khác thoát thân nên những người kinh nghiệm phải xác định được các lỗ thoát thân của dúi để canh chừng. Nếu may mắn, gặp hang cạn chỉ đào trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nhưng gặp những hang trên vách đá, hay hang phức tạp có khi đào cả ngày không xong, đành bỏ cuộc”, Nia chia sẻ.

Dúi thường sống dưới hang cạnh khóm lồ ô, đót, lau lách

Kéo dài câu chuyện săn dúi, tôi được A Nia giới thiệu đến gặp Lê Ngọc Nhíp (26 tuổi, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) theo chân tìm dúi. Gặp mặt, Nhíp tặc lưỡi: “Pộc pỉ a ử (đi đào dúi à)? Chừ muộn rồi, sáng mai đi”.

Sáng sớm, Nhíp chuẩn bị cuốc, xẻng cùng một chai nước bắt đầu hành trình tìm dúi. Cuốc bộ gần 1 tiếng đồng hồ, Nhíp dừng lại: “Dúi bữa ni hiếm, đi mãi không tìm thấy cũng mệt. Chừ chỉ đoán nơi dúi có thể xuất hiện thôi”. Dưới khóm lồ ô, bụi lau lách đót bị úa vàng, Nhíp nói.

Cũng trong hành trình tìm dấu vết của dúi, Nhíp bảo ngày xưa khi dúi còn nhiều, một lần có thể săn được 4-5 con. Thời điểm đó, người săn chẳng cần nhọc công kiếm tìm ở những cánh rừng xa xôi, dúi xuất hiện ngay tại các khu rẫy trồng sắn, ngô, có khi bò vào tận nhà dân. Theo thời gian, dúi hiếm dần. Đi đào dúi, nhiều người kì công dẫn theo cả chó săn, can nước để mớm. Nhưng nay, đi cả ngày nhiều lắm chỉ tìm được một, hai con.

Câu chuyện của Nhíp tạm dừng khi đi ngang một gò đất cao nằm dưới bụi lau lách đã ngả vàng cạnh con suối. Nhíp hồ hởi: “Ở đó có thể có hang dúi”. Vừa dùng rựa phát quang bụi rậm vừa dùng tay đặt lên đất, Nhíp nói: “Mặt đất vẫn còn ấm, dúi đang ở dưới”. Cùng lúc, A Nia tìm và canh những lỗ thoát thân của dúi. Sau vài nhát cuốc, Nhíp dùng tay bới đất rồi thọc nhành cây thẳng vào hang, mắt Nhíp sáng rực: “Hôm ni may mắn, hang dúi không sâu như thường ngày”. Và sau mấy lần dùng cây “dọa”, Nhíp lôi từ hang ra một con dúi béo mẩm.

“Dúi là động vật có hàm răng sắc bén, và rất hung dữ khi bị tấn công nên nhiều người đào dúi vì sơ ý bị cắn đứt lìa cả ngón tay. (Dúi thậm chí có thể cắn đứt lồng sắt). Những người có kinh nghiệm bắt dúi, khi phát hiện phải dùng cây “dọa” cho chúng sợ, quay đầu lui sau đó chụp vào đuôi lôi nó ra khỏi hang”, Nhíp nói.

Theo đồng bào vùng cao, dúi là con vật phá hoại mùa màng. Ngày trước, khi dúi còn nhiều, những nương sắn, ruộng khoai của người dân bị chúng cắn phá. Nhưng nay, dúi chỉ xuất hiện ở những cánh rừng sâu. Để săn được dúi, thợ sơn tràng phải lủi trong rừng sâu vài ngày, thậm chí cả tháng.

Săn dúi nghe chừng đơn giản, nhưng vì bất cẩn nhiều người đã phải mang thương tật nặng. Hồ Văn Quân (thị trấn A Lưới) trong một lần đào dúi bị té ngã bên sườn đồi, từ một người lành lặn bây giờ việc đi đứng không còn như trước. “Bây giờ muốn đào dúi phải đi lên đồi A Túc, cả đi lẫn về mất gần 1 ngày. Nhưng nơi đó không còn nhiều, người săn phải sang tận những cánh rừng ở đất Lào mới có thể tìm thấy”, Quân chia sẻ.

Thịt dúi đặc biệt thơm ngon bởi chúng chỉ ăn những loại củ, thân cây... Dù là món khoái khẩu, nhưng theo phong tục của người Pa Kô, nếu khách lần đầu đến nhà, chủ nhà sẽ không bao giờ mời thịt dúi vì sợ khách gặp xui xẻo. Chỉ khi gặp mặt nhau lần thứ hai trở lên thì mới mời khách món ăn này.

Cũng vì thịt thơm ngon nên dúi đang là món “chủ lực” của một số nhà hàng, săn dúi trở thành nghề mưu sinh đem lại thu nhập tương đối cho đồng bào nơi đây. Sau mỗi chuyến săn, cánh thợ rừng bán lại cho các nhà hàng với giá 200 - 250 nghìn đồng/kg nhưng khi lên thực đơn, giá dúi đội tới 500-600 nghìn đồng/kg.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương vị của đại ngàn

Không phải ai sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn cũng có cơ hội thưởng thức món sâu tre, loại côn trùng độc đáo này. Với những ai may mắn nếm thử, hương vị đặc biệt của sâu tre xào lá kiệu và ớt hiểm thật sự “gây thương nhớ”. Đối với người dân nơi đây, sâu tre không chỉ là một món ăn, mà còn là một trải nghiệm văn hóa đặc biệt.

Hương vị của đại ngàn
“Hương thầm” giữa đại ngàn Trường Sơn

Tấm bia đá nặng 22 tấn khắc bài thơ “Hương thầm” của nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn ở Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) A Lưới không chỉ dành cho em trai mình, mà còn tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì khát vọng thống nhất non sông. Ai trở lại chiến trường xưa, ai tìm kiếm thông tin liệt sĩ ở vùng đất này đều ghé đến dâng hương, chiêm nghiệm trước tấm bia để nhớ về một thời đi theo tiếng gọi non sông…

“Hương thầm” giữa đại ngàn Trường Sơn
“Tiếng hát đại ngàn bảo vệ rừng”

Đó là chủ đề hoạt động văn nghệ diễn ra tại xã Thượng Quảng (Nam Đông) vào tối 29/7, do Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La phối hợp với Huyện đoàn Nam Đông và UBND xã Thượng Quảng tổ chức.

“Tiếng hát đại ngàn bảo vệ rừng”
Báu vật giữa đại ngàn

Nói về già làng Quỳnh Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm cười gượng “Người như già Quỳnh Hoàng ở miệt núi bây giờ không còn ai”, tôi biết trong ánh mắt của bà ẩn chứa nhiều tiếc nuối.

Báu vật giữa đại ngàn
Lưu dấu tên làng

Sau thời gian dài ghi dấu, tên làng giờ có đổi khác nhưng nghĩa tình con người vẫn gắn chặt nơi vùng đất “Họ truyền giọng điệu cho con tập nói”.

Lưu dấu tên làng
Return to top