Hương Thủy vốn nổi tiếng có nhiều hộ chuyên nghề lên rừng hái lá thuốc. Chẳng nhớ rõ có từ bao giờ, nhưng từ vài chục năm nay, người dân nơi đây đã biết đi hái hà thủ ô, lá vằng, mắm nêm, ngũ gia bì, thạch xương bồ, bò đệt, reng, hoa trang, mè tré... phơi khô, nấu lấy nước uống giúp bổ máu, giải độc gan, trị khó tiêu, mất ngủ, viêm loét dạ dày...
"Dân đây có câu: “Than, củi, chủi (chổi đót), lá”. Ý là nói trước đây, người Hương Thủy chuyên 4 nghề này, trong đó, nghề lá (hái lá thuốc nói chung) cho đến chừ ổn định, nhẹ và cho thu nhập khá nhất", mệ Trần Thị Lệ (64 tuổi, tổ dân phố 12, P. Thủy Dương) nói.
Mà hái lá cũng đơn giản. Tầm 4, 5h sáng, ai thích thì tụ tập cùng nhau đi, không thì cứ một mình, chỉ cần cầm theo cây rựa nhỏ, đòn xóc, xa thì xe máy, gần thì xe đạp, hay thậm chí cuốc bộ.
Những loại lá này trở thành nước uống hàng ngày của không ít người
Lá cũng chẳng đợi có mùa. Lá mọc đầy trên rừng, trên độn như kiểu mọc hoang, có vài loại chỉ cần lui sau vườn nhà hay ghé bụi hàng rào. Xác định được nơi nào có các loại lá thuốc thì cứ thế bứt, chặt, miễn sao đừng bứng cả cây, cả rễ. Điều này, chả ai nói với ai, nhưng như là “luật bất thành văn”. Lá cũng như tôm như cá, hái cứ hái nhưng đừng tận diệt. Đó là nồi cơm, là nguồn sống nên phải biết trừa, biết “dưỡng” cho người sau, lần sau.
Lúc đầy một ôm (chừng nữa bao gạo loại 50kg, bán khoảng 100.000 đồng) thì dùng dây rừng buộc lại. Hái được 2 ôm, đòn xóc đó, cứ đâm ngang hai đầu rồi hất lên vai. Ai trẻ khỏe thì 2, 3 đòn xóc, ai yếu hơn một đòn, thậm chí một ôm cũng đủ tiền chợ qua ngày.
Trở về sau chuyến hái lá ở dãy đồi khu vực phường Thủy Dương cách nhà mệ Lệ chừng vài chục mét, vừa đặt ôm lá xuống nền thì bà Lê Thị Hiệp – hàng xóm, sang chơi. Thấy đám lá, bà Hiệp cất tiếng: “Nhà còn nhiều thì để cho tui 1 bao nghe chị. Mấy nay mình mẩy rêm quá, định đi hái nắm lá về nấu uống mà đi không nổi”. “Ui chào, chị ưa lát xách một bao về uống, xóm giềng mà tiền bạc chi hè”.
Chuyện ngang đây, từ nhà trong, Diệu Hằng - cô con gái của mệ Lệ như đã quá quen với công việc, thoăn thoắt xách dao, cục kê bằng gỗ mít ra chặt lá phụ mẹ. Thoáng chốc bao lá bự chảng đã được 2 mẹ con xử lý gọn gàng.
Nhưng đó mới là công đoạn thứ 2 sau khi hái về. “Dạo ni nhiều người mua lá về uống nên có vài nơi làm dối, không ủ, chỉ chặt ra rồi phơi, mà phơi không đủ nắng nên uống không thơm”, mệ Hiệp hàng xóm nói. Rỉ rả một hồi, 2 mệ mới “truyền” bí kíp. Để lá khi nấu có màu nâu vàng sóng sánh, thơm nồng nhất thiết phải qua công đoạn ủ và phơi đủ nắng. Phơi đủ nắng là phơi ít nhất 2 tuần. Còn ủ, té ra rất đơn giản. Lá chặt nhỏ, đem nhúng qua nước lạnh, đảo cho đều rồi phủ tấm ni lông lên, ngày hôm sau đem ra phơi nắng, là xong.
Một số hình ảnh từ khâu hái lá cho đến nấu thành nước uống của người dân Hương Thủy:
Để hái lá, mệ Lệ phải đạp xe đến dãy đồi cách nhà chừng 4km
Bò đệt - một loại dễ nhận biết nhất vì lá to hơn các loại lá thuốc khác
Một ôm lá này bán được chừng 100 ngàn đồng
Bông trang và mè tré - hai loại cây có hoa đẹp và cũng nằm trong danh sách lá thuốc của người dân Hương Thủy
Diệu Hằng - con gái mệ Lệ - đã quá quen với việc chặt lá
Bà Hiệp - hàng xóm mệ Lệ sang chơi, và bày cách để lá lúc uống thơm hơn, ngon hơn
Nhúng nước để ủ lá
Nước lá uống thay nước lọc hàng ngày có thể giúp hạn chế một số bệnh về tiêu hóa, giúp bổ máu
Nước lá thuốc Hương Thủy xa gần đều biết tiếng
Hàn Đăng (thực hiện)