ClockThứ Sáu, 12/02/2021 19:03

Sinh viên ăn tết xa nhà

TTH.VN - Cả năm xa quê học tập, có được kỳ nghỉ tết đến 2 – 3 tuần nhưng nhiều sinh viên vẫn không thể về quê sum vầy cùng gia đình. Lần đầu xa quê ngày tết với họ thật nhiều cảm xúc…

"Đảm bảo người dân có cái tết bình yên”Huỷ du lịch, nhiều gia đình ở nhà để đảm bảo an toànMùi tết hương quê

Sinh viên mời nhau những lát mứt gừng Huế ngày tết xa nhà

Ngày tết xa quê

Mùng 1 tết, Đào Thị Hằng, sinh viên Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế đón nhận lời chúc của gia đình qua cuộc gọi video từ chiếc màn hình điện thoại. Ba năm học tập ở Huế, đây là lần đầu tiên nữ sinh viên phải ăn tết xa nhà. Từ ngày xác định sẽ ở lại Huế ăn tết, nhiều lần ba mẹ gọi điện thoại động viên và cũng đã không ít lần Hằng phải cố nén nước mắt.

Nữ sinh viên Trường ĐH Khoa học kể: “Quê em ở Hải Dương, tình hình dịch COVID-19 vừa qua diễn biến phức tạp nên em không về quê ăn tết. Nhìn cảnh bạn bè sum vầy cùng gia đình, rồi mỗi lần gọi về quê, thấy cảnh gia đình cùng nhau gói bánh, cúng tất niên, ký ức những cái tết xưa lại về, nỗi nhớ gia đình lại da diết”.

Tết năm nay, có hàng trăm sinh viên học tập ở Huế phải xa nhà. Thống kê ngày cận tết của ĐH Huế cho thấy, có gần 600 sinh viên quốc tế và sinh viên ngoại tỉnh ở lại Huế dịp Tết nguyên đán Tân Sửu để đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh. Trong số đó, có 268 sinh viên Lào đang theo học tại các Trường ĐH thành viên ĐH Huế; số còn lại là lưu học sinh Nhật Bản, sinh viên quê từ các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Gia Lai, Ninh Bình, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ninh…

Trò chuyện với những sinh viên các tỉnh xa nhà ngày tết, nhiều trường hợp đã không ngăn được nước mắt vì nhớ thương ba mẹ nơi quê nhà. Chọn cách ở trọ riêng biệt hay vào ở ký túc xá để có thêm bạn bè, nhưng cảm giác chung của đa phần sinh viên đều thấy trống vắng khi lần đầu không ở bên gia đình sau thời khắc giao thừa.

Clip sinh viên nước bạn Lào ở cùng dãy phòng ký túc xá đàn hát xua nỗi nhớ nhà ngày tết

Ngay cả với những sinh viên nước ngoài đến Huế học tập, xa quê trong những ngày tết cổ truyền Việt Nam cũng có những cảm xúc khó tả. Taokhanlao Alounsavath, sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế (đến từ Tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào) cũng không giấu được sự xúc động: “Mỗi năm, em về quê khoảng 3 lần chưa tính kỳ nghỉ hè và tết. Kỳ nghỉ tết ở Việt Nam khá dài nên mấy năm qua em đều về nước, sum vầy cùng gia đình. Là tết cổ truyền của Việt Nam nhưng thấy bạn bè vui vẻ bên gia đình, trong khi em chỉ được gặp gia đình qua những cuộc gọi, vẫn có chút chạnh lòng. Chỉ ước được về quê ngay”.

Kêu gọi nhau hạn chế đi lại

Những món quà từ lãnh đạo ĐH Huế và các trường giúp sinh viên ngoại tỉnh ở lại Huế dịp tết cảm thấy vui hơn (Ảnh: ĐHSP)

Ngày tết xa quê với hầu hết sinh viên đều có cảm giác trống trải, nhưng không vì thế họ chọn cách “xê dịch” đó đây. Ngoại trừ những bữa ăn và một vài lần dạo phố để trải nghiệm tết Huế, đa phần chọn cách ở yên tại chỗ để đảm bảo an toàn.

Souksavanh, sinh viên nước bạn Lào đang học tại Trường ĐH Khoa học, chia sẻ: “Tụi em ý thức được việc phòng dịch nên cố gắng hạn chế ra ngoài. Ngày tết buồn hơn ngày thường vì không thể đến trường gặp thầy cô, bạn bè. Để xua nỗi nhớ nhà, thi thoảng các bạn cùng phòng ở ký túc xá lại ngồi lại ăn mứt, đàn hát và dặn dò nhau hạn chế đi lại như khuyến cáo của Bộ Y tế”. Còn theo Nguyễn Thị Lan Anh, sinh viên quê ở Gia Lai, trước tết, đã từng nghĩ sẽ đi Đà Nẵng chơi vào dịp tết cùng bạn bè. Nhưng sau nhiều lần suy nghĩ, em quyết định ở lại. Thực phẩm, đồ ăn cũng được mua sắm từ trước tết để tự nấu ăn khi hàng quán ngày tết không mở nhiều và cũng để đảm bảo an toàn.

Đã có không ít dự định được vẽ ra ngay trước tết như tụ tập những nhóm bạn chơi tết, ăn uống hay phượt những nơi xa để xua nỗi nhớ nhà, tuy nhiên sau những lời vận động từ nhà trường, bạn bè, những kế hoạch trước đó đã tạm “gác lại” vì một cái tết an toàn. Nhiều sinh viên chia sẻ, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, họ cũng không đi lại nhiều chúc tết bạn bè, thay vào đó đã gửi những lời tốt đẹp ngày đầu năm qua zalo, facebook hay mở ra những cuộc họp mặt trực tuyến, gặp nhau qua màn hình điện thoại…

Bài, ảnh, clip: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

TIN MỚI

Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu
Return to top