Tuổi thơ tôi lớn lên ở làng quê nghèo bên con sông Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng. Ba và mạ tôi là những người nông dân chất phác. Trước năm 1975, bà nội và mạ tôi ngày ngày nấu cơm nuôi cán bộ cách mạng. Cuộc sống vùng đất khói lửa dường như đã hun đúc nên ở mạ tôi đức tính kiên nhẫn, cần cù. Với quan niệm đông con hơn đông của, mạ tôi sinh 9 người con. Anh em tôi lớn lên bằng những bữa ăn mà cơm thì ít, sắn khoai thì nhiều. Kỷ niệm trong tôi là khoảng trời tuổi thơ cơ cực mà hồn nhiên, ấm áp tình thương với những cái tết cổ truyền còn vẹn nguyên trong ký ức.
Nhớ nhất là những ngày giáp tết ở quê, anh em tôi háo hức được mạ cho đi chợ cùng. Tôi và Lan – em gái tôi thường hay tranh nhau được đi chợ với mạ. Tôi nhớ cái Tết Qúy Hợi 1983 mạ chia cái sân ra làm hai phần và nói đứa mô quét xong trước mạ cho đi. Nói rồi mạ lúi húi cho lợn ăn, chẳng biết đứa nào quét xong trước nên đành cho cả hai anh em đi. Khó mà diễn tả hết cảm giác sung sướng lúc này. Năm đó mạ gánh đôi quang gánh thiệt nặng, một đầu thì lá chuối, một đầu thì lá trầu. Tôi và Lan lon ton theo sau. Từ nhà tôi đến chợ Ưu Điềm (quê tôi gọi là chợ Hôm) khoảng 4 cây số, đi dọc con đường mòn băng qua cánh đồng trước hợp tác xã nông nghiệp. Đường lổm chổm khó đi nhưng mạ tôi bước thoăn thoắt, hai anh em phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp mạ. Chợ quê những ngày giáp tết đông hẳn lên. Với những đứa trẻ con nghèo quê tôi thì chợ Hôm là thế giới khác lạ, đầy hấp dẫn. Tôi say sưa ngồi nhìn mạ bán lá chuối, lá trầu. Háo hức nhất là được mạ dẫn đi quanh chợ, đôi mắt anh em tôi dán chặt vào hàng bán áo quần, dép mũ. Năm nào mà được mạ mua cho cái áo mới hay một đôi dép nhựa là mừng đến không ngủ, chạy đi khoe khắp xóm.
Mỗi dịp tết đến xuân về, tôi lại nhớ da diết những lần tập trung ở nhà trưởng phường vào chiều 29 để làm lợn và ăn tất niên. 4 nhà trong xóm họp lại với nhau lập nên một phường. Cả năm nhận vài sào ruộng khoán để làm, rồi đóng góp, hoặc cùng thuê đất trồng sắn, trồng khoai gây quỹ. Cuối năm được bao nhiêu mua một con lợn để làm. Nghe tiếng lợn kêu éc éc là tôi, con Lan, thằng Tiến, thằng Đạo í ới gọi nhau đi xem. 4 đùi lợn chia đều 4 nhà. Sau khi cái đầu lợn được cúng xong, con cháu tập trung tại nhà trưởng phường để cùng ăn uống, trò chuyện cuối năm. Cứ thế, luân phiên nhau, mỗi nhà làm trưởng phường một năm. Xóm Đông An tôi vào những năm 80 có khoảng 5 phường. Tôi nhớ phường của tôi lúc đó gồm nhà tôi, nhà chú Minh, ông Tập và mụ Tánh, tồn tại được 12 năm. Hình thức sinh hoạt này hiện không được duy trì. Mỗi dịp về quê ngày tết, nghe tiếng lợn kêu bỗng thấy lòng man mác… Nhớ lắm không khí chiều 29 ở nhà ông trưởng phường năm xưa.
Nhớ tết quê tuổi thơ là nhớ khói bánh chưng, bánh tét từ gian bếp chiều 30. Vào vụ mùa, mạ chọn loại nếp ruộng dẻo, thơm mang cất vào thùng. Những ngày giáp tết mạ tìm những tàu lá chuối xanh, còn nguyên lành trong khu vườn đem phơi nắng. Chiều 29 tết, bên nồi nhụy đậu xanh thơm phức, mạ cùng các chị gái của tôi chưa lấy chồng ngồi gói từng cặp bánh chưng, bánh tày, đòn bánh tét với những múi lạt dẻo dai mà ba chẻ ra từ bụi tre ở bờ ao ngăn cách vườn nhà tôi với nhà chú Chuyển. Khoảng tối 29 nấu thì chiều 30 vớt bánh ra để cúng mời ông bà về cùng con cháu và kịp đặt lên mâm giao thừa. Những năm mưa lạnh, anh em tôi ngồi quanh bếp lửa nghe tiếng nước sôi sùng sục, vừa sưởi ấm, vừa ngửi mùi thơm gạo nếp ấm áp, dễ chịu.
Học xong lớp 12, tôi vào đại học. Ra trường, ở lại thành phố để dạy. Những tháng ngày tuổi thơ nơi quê nghèo bên mạ với biết bao nhớ thương mùa tết đã đi qua gần 30 năm, nhưng ký ức về mùi tết thì vẫn còn vẹn nguyên. Ba tôi năm nay đã 82 tuổi, mạ tôi đã ra đi cách đây 3 năm, 9 anh em tôi giờ mỗi người một nơi. Dù bận rộn thế nào, những ngày giáp tết, tôi cũng tranh thủ đưa các con tôi về quê để chúng được sống trong không khí tết quê – dù tết quê hôm nay đã có nhiều thay đổi.
Trần Văn Toản