ClockThứ Sáu, 29/03/2024 06:46

Sống như những đóa hoa

TTH - Lê Thị Linh (sinh năm 1994, trú tại thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, huyện Phong Điền) bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Năm 10 tuổi, bệnh của Linh trở nặng khiến cô phải nằm liệt giường. Yêu thương cuộc sống và luôn nỗ lực mỗi ngày, Linh không chỉ tự học chữ rồi làm thơ, viết văn, xuất bản sách; tự học làm hoa giấy sau đó bán qua mạng; cô còn kiếm thêm thu nhập bằng cách livestream trên một nền tảng mạng xã hội trực tuyến. Chắt chiu khó nhọc kiếm từng đồng tiền ít ỏi, nhưng Linh luôn dành một phần để san sẻ với những người kém may mắn.

Gia cảnh khó khăn của cô gái xương thủy tinh

 Dù mắc căn bệnh xương thủy tinh phải nằm một chỗ, Linh vẫn vươn lên sống đầy nghị lực

Linh nằm trên chiếc giường nhỏ đặt dưới khung cửa sổ đầy nắng. Bên cạnh cô là các dụng cụ phục vụ cho công việc livestream hằng ngày của Linh. Gương mặt rạng rỡ, đôi mắt long lanh, nụ cười tỏa nắng là ấn tượng Linh để lại với người đối diện. Mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, suốt năm, suốt tháng phải gắn chặt bản thân trên chiếc giường nhỏ rộng hơn 1m, mạng xã hội chính là môi trường giúp Linh đến gần hơn với mọi người. Cô có thêm những người bạn khắp mọi miền Tổ quốc, cùng nhau chia sẻ những niềm vui trong cuộc sống.

Nói về công việc livestream mà Linh đang theo đuổi, cô cười tươi. Giọng cười trong veo như giọt nắng mùa xuân rơi bên thềm nhà. Linh bảo “khó kiếm tiền lắm”. Bởi trên nền tảng mạng xã hội mà cô tham gia, ngày càng nhiều người livestream, nội dung vô cùng phong phú như hát, múa, kể chuyện… Công việc của Linh là mỗi ngày dành mấy tiếng để livestream. Cô trò chuyện với những người vào “phòng” của mình. Góp nhặt từng “hạt đậu” người hâm mộ tặng rồi quy đổi thành tiền mặt. Chăm chỉ làm việc online, mỗi tháng Linh kiếm được từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng.

Trước khi những cơn đau đầu thường xuyên kéo đến và mắt chưa bị đau khiến tầm nhìn hạn chế, công việc của Linh là làm hoa giấy và thiệp giấy, tranh giấy. Nghề làm hoa giấy Linh học trên mạng xã hội. Di chứng của bệnh xương thủy tinh khiến đôi tay của Linh nhỏ xíu và yếu ớt. Thế nhưng đôi tay ấy lại có năng khiếu trong việc tạo hình những đóa hoa. Từ mảnh giấy vô tri, qua đôi bàn tay khéo léo và cần mẫn của Linh, những đóa hoa hồng, hoa sen, hoa hướng dương cứ thế chậm rãi nở rộ như nụ cười tươi tắn của cô gái nhỏ ở làng quê Phong Điền. “Làm hoa đòi hỏi phải tập trung cao độ, mắt phải nhìn chăm chú liên tục. Từ ngày bị đau mắt, em không nhìn lâu được, nên công việc làm hoa cũng trở nên khó khăn hơn”. Linh chia sẻ.

Ba của Linh kể rằng, hồi Linh mới 1 tháng tuổi thì bị gãy chân khi vợ ông bồng con gái từ trong nôi ra. Vợ chồng ông phải đưa con đến bệnh viện bó bột. Từ đó, chỉ cần cô bé Linh vận động mạnh là gãy xương, trật khớp. Mỗi lần đến bệnh viện, bác sĩ lại kéo chân, kéo tay cho thẳng để bó bột, nhưng chỉ khiến cơ thể em đau hơn, chân càng kéo càng dị dạng. “Năm Linh 10 tuổi, bác sĩ mới tìm ra được bệnh và thông báo con bé bị chứng xương thủy tinh. Nhưng lúc này, bệnh đã quá nặng, Linh phải nằm liệt trên giường từ đó”, người đàn ông kể với giọng buồn buồn.

Sức khỏe từ nhỏ đã không tốt, nên Linh không được đến trường như các chị của mình. Linh nhờ mẹ mua sách vở rồi mày mò tự học dưới sự kèm cặp của mẹ và các chị. Những ngày tháng gắn với chiếc giường nhỏ nơi góc nhà, may có sách vở làm bạn. Linh cũng tìm niềm vui qua con chữ. Cô bắt đầu làm thơ, viết văn. Được động viên của bạn bè, cô gửi tác phẩm tham gia vài cuộc thi. Niềm vui càng nhân lên gấp bội khi tác phẩm của cô đoạt giải. Trong cuộc thi viết “Mở sách, mở tương lai” hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7, tác phẩm “Hiểu về trái tim” của Linh nhận được giải ba; hay trong cuộc thi thơ của Diễn đàn Sống là trải nghiệm, bài thơ “Những giai điệu tâm hồn” của Linh được bình chọn là tác phẩm xúc động nhất…

Nhiều năm làm bạn với con chữ đã giúp Linh tích lũy một “gia tài” nho nhỏ. Vậy là cuốn sách “Khoảng lặng mùa trăng” của Linh ra đời và được đông đảo bạn đọc trong cả nước đón nhận. Người đọc nhìn thấy ở Linh một nghị lực sống phi thường. Họ càng thêm yêu cô gái nhỏ nhắn nhưng luôn mạnh mẽ, kiên cường, luôn vươn lên trong cuộc sống.

Bốn năm trước, mẹ Linh qua đời bởi căn bệnh ung thư. Mất mẹ là cú sốc quá lớn khiến Linh tưởng chừng không gượng dậy nổi. Suốt thời gian dài, cô chìm trong đau đớn, suy sụp. Hai chị gái Linh đã đi lấy chồng. Giờ mẹ đã mất, trong căn nhà nhỏ đơn sơ chỉ còn Linh và ba làm bạn, nương tựa vào nhau. Nếu Linh cứ chìm đắm trong khổ đau, mất mát, chỉ khiến ba cô càng thêm buồn. Vậy là Linh nỗ lực tự vượt qua khủng hoảng, cố gắng đứng lên, tiếp tục sống và sống thật tốt. 

Sinh sống ở làng quê Phong Điền, nên trước đây ba của Linh làm ruộng. Hai năm trước, ông bị tai biến, sức khỏe yếu nên giờ chỉ quanh quẩn ở nhà. Thu nhập chính của hai cha con là số tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật của Linh cùng số tiền khiêm tốn Linh kiếm được qua các công việc livestream, bán hàng online, làm hoa giấy…

Kiếm tiền không dễ dàng, vậy nhưng Linh luôn tìm cách chia sẻ với cộng đồng. Linh có một group bạn bè, họ đều là những người khuyết tật như Linh. Thông qua báo chí, mạng xã hội Facebook…, mỗi lần biết được những trường hợp khó khăn cần giúp đỡ, Linh cùng các bạn gom góp mỗi người 10 nghìn đồng, 20 nghìn, có khi 50 nghìn, 100 nghìn để giúp đỡ. Số tiền tuy không nhiều, nhưng tấm lòng sẻ chia của Linh và các bạn không thể nào đong đếm hết.

Linh khoe, thời gian trước, Linh vừa bán một group do cô xây dựng và quản trị lâu nay. Toàn bộ số tiền kiếm được Linh đóng góp vào quỹ của nhóm để dành giúp đỡ những người khó khăn. Mong ước của Linh bây giờ là mỗi ngày trôi qua, mình có thật nhiều sức khỏe để làm việc kiếm tiền. Dẫu chỉ được nhìn bầu trời qua ô cửa nhỏ cạnh giường, nhưng với Linh, cuộc sống này vẫn quá tươi đẹp và đáng sống.

Bài, ảnh: Linh Chi – Duy Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển lãm tranh về bình đẳng giới

Đề cập đến chủ đề bình đẳng giới, triển lãm “Chuyện quả dâu” vừa khai mạc chiều 14/11 tại Be Café, 33 Kiệt 6, thôn Ngọc Anh, Phú Thượng, Phú Vang thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật.

Triển lãm tranh về bình đẳng giới
Gia cảnh khó khăn của cô gái xương thủy tinh

Bị bệnh xương thủy tinh từ khi mới lọt lòng, em Lê Thị Linh (SN 1994, trú tại thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, huyện Phong Điền) phải nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải nhờ đến người mẹ (Báo Thừa Thiên Huế ngày 22/10/2018 đã có bài). Tháng 4/2020, mẹ Linh không may qua đời sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư dạ dày. Mẹ mất, ba Linh vừa cáng đáng việc chăm sóc em vừa phải lo làm đủ mọi việc để có tiền trả nợ, duy trì cuộc sống, hoàn cảnh gặp rất nhiều khó khăn…

Gia cảnh khó khăn của cô gái xương thủy tinh
Những “đóa hoa” Công đoàn

Năng nổ, tận tâm, vì quyền lợi của đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là điểm chung của các chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) tiêu biểu được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tuyên dương nhân dịp Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2019).

Những “đóa hoa” Công đoàn
Chồng hen suyễn nuôi vợ nằm liệt giường

Ở tuổi 40, chị Kim bất ngờ bị tai biến, nằm liệt một chỗ gần 6 tháng nay, để lại gánh nặng gia đình đè lên vai chồng. Với căn bệnh hen suyễn kinh niên, anh Đoàn Vĩnh Dũng (tổ 16, khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP.Huế) một mình gắng gượng nuôi vợ và hai con đang tuổi ăn học.

Chồng hen suyễn nuôi vợ nằm liệt giường

TIN MỚI

Return to top