ClockChủ Nhật, 22/08/2021 06:16

“Streamer” - xu hướng của giới trẻ

TTH - Trong thời buổi công nghệ ngày càng phát triển, việc kiếm tiền từ các trang mạng xã hội, như Tiktok, Facebook, Youtube… hay các nền tảng livestream nổi tiếng như Bigo live, Nimo Tivi, Mico… không còn xa lạ đối với giới trẻ. Đặc biệt trong mùa dịch COVID-19, khi xu thế “Work from home” (làm việc tại nhà) “lên ngôi” thì cũng là lúc nghề “streamer” trở nên phổ biến rộng rãi.

Lữ Diệu Phương duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống giao lưu với các user khi livestream

Xu hướng

Những năm gần đây, streamer (người livestream) là nghề khá mới lạ được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Trong thời buổi công nghệ ngày càng hiện đại và phát triển, việc ngồi nhà kiếm tiền không còn quá khó khăn. “Streamer” là nghề “kiếm tiền online” đang được các bạn trẻ chọn lựa nhiều.

Khác với việc livestream bán hàng online - “chốt đơn” từng sản phẩm, “Streamer Idol” là người livestream thể hiện những năng khiếu của bản thân như đàn, hát, múa, nhảy, kể chuyện, chơi game hay thậm chí là khả năng tâm sự, trò chuyện, tương tác với người xem với nhiều chủ đề trong cuộc sống. Tùy vào khả năng, độ duyên dáng hay sự hài hước của streamer mà thu hút được lượng người xem, trở nên nổi tiếng, từ đó nhận được mức lương cũng như thù lao tương ứng. Khi “Streamer” đó đạt một lượng followers (người theo dõi) cao thì mức thu nhập sẽ càng cao.

Lữ Diệu Phương (sinh năm 1995, TP. Huế) chia sẻ: Trước đây, mình là diễn viên biểu diễn nghệ thuật, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, ngành du lịch đóng băng và hoạt động nghệ thuật trên địa bàn cũng hạn chế để đảm bảo an toàn cho người dân. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của mình.

“Cũng bởi dịch bệnh nên thời gian ở nhà khá nhiều. Mình đã nhận làm công việc livestream trên trang Bigo Live đến nay đã được hơn 2 tháng để kiếm thêm thu nhập. Livestream hát cũng gần giống với công việc mình đang làm và đây là công việc phù hợp nhất với thời điểm dịch bệnh hiện nay”, Phương cho hay.

Minh Thi cùng bạn của mình thể hiện năng khiếu của bản thân

Nguyễn Minh Thi (24 tuổi, TP. Huế) kể: “Trước đây mình là dancer và huấn luyện viên dạy nhảy, do dịch bệnh nên hầu như không có sự kiện, các hoạt động thể thao cũng bị hạn chế nên mình đã làm thêm nghề livestream trên trang Nimo Tivi và Mico”.

“Hằng ngày vào khoảng từ 22 giờ đến 24 giờ, mình sẽ livestream để trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống cùng người xem và có khi là thể hiện năng khiếu của mình là nhảy để mọi người cùng thưởng thức. Mình thường livestream vào khung giờ này bởi đây là khoảng thời gian nhiều người rảnh và có nhu cầu giải trí cao”, Thi nói.

Nimo Tivi, Bigo Live hay TikTok, Facebook, Youtube… là những ứng dụng, trang mạng xã hội có số lượng user (người dùng) cao. Đây được coi là những ứng dụng giải trí hàng đầu Việt Nam và được nhiều bạn trẻ lựa chọn livestream để thu hút nhiều người xem. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính, đèn led và các vật dụng trang trí… streamer có thể bắt đầu một buổi phát trực tiếp, thoải mái thể hiện năng khiếu, trò chuyện cùng các user. Tùy thuộc vào độ khéo léo, hóm hỉnh, sự may mắn và thậm chí là nhan sắc, streamer sẽ nhận được donate (quà tặng, tiền) mà users tặng trực tiếp trên livestream. Nghề streamer đem lại mức thu nhập từ 3 triệu đến hàng chục triệu đồng thậm chí là hàng trăm triệu đồng/tháng nếu streamer đó thật sự cố gắng.

Truyền cảm hứng

Những người xem livestream thường nằm trong độ tuổi từ 15 - 30 tuổi. Vì vậy, ngoài năng khiếu, đòi hỏi những streamer phải thực sự có năng lực, kiến thức, hiểu biết về nhiều lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu, xử lý tình huống cũng như giải đáp những thắc mắc của người xem một cách khéo léo nhất.

Lữ Diệu Phương cho biết, cô livestream vào các ngày trong tuần và thường xuyên đổi khung giờ để tiếp cận được với nhiều user khác nhau. Mỗi lần livestream, Phương thường mặc áo dài, đội nón lá và đàn, hát các ca khúc trữ tình về Huế, đồng thời chia sẻ, giới thiệu về mảnh đất, con người Cố đô để mọi người biết đến Huế nhiều hơn. Từ đó, truyền cảm hứng cũng như đem đến cho người xem những kiến thức, những trải nghiệm thú vị.

Nội dung livestream tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu của người xem. Phương chia sẻ: “Lúc mới bắt đầu livestream, mình còn nhiều bỡ ngỡ và chưa biết làm sao để tương tác với các user. Phần vì nhiều người nghe chưa quen giọng Huế, phần vì mình còn thiếu tự tin, nhưng sau hơn 2 tháng vào nghề, mình đã dần được nhiều người biết đến, có một lượng người xem nhất định. Mình cũng đã tự tin hơn, nắm bắt được xu hướng, sở thích cũng như nhu cầu của các user, từ đó tương tác với các user cũng dễ dàng hơn”.

Có rất nhiều người trẻ ở Việt Nam trở nên nổi tiếng nhờ livestream và trở thành “hot streamer”, như Độ Mixi, Misthy, ViruSs, PewPew… với những buổi livestream thu hút vài trăm nghìn lượt xem. Bởi, ngoài sự duyên dáng, hài hước, khéo léo cùng với những tài năng như chơi game giỏi, hát hay thì những người này còn am hiểu kiến thức về cuộc sống, tư vấn tâm lý tuổi đôi mươi hay lối tư duy, phân tích, bình luận sắc bén về một sự kiện đang nóng hổi. Trở thành “hot streamer” được xem là ước mơ của những người làm nghề livestream này.

Tại Việt Nam, streamer vẫn chưa được xã hội công nhận như một ngành nghề chân chính. Vì vậy, không ít người có định kiến đối với nghề này, đặc biệt là gia đình, những người xung quanh. Khi thấy người thân ngồi liên tục hàng giờ trên chiếc máy tính, nhiều người thường nghĩ rằng, họ đang tốn thời gian cho những việc vô ích, hại sức khoẻ. Do đó, ngoài những streamer truyền cảm hứng tích cực, cũng có một số streamer thiếu văn minh, nói năng thô tục, ăn mặc phản cảm để câu like, chia sẻ những câu chuyện vô bổ… đòi hỏi người xem phải biết chọn lựa, chắt lọc thông tin bổ ích. Đối với những streamer như thế, cơ quan chức năng cũng cần có chế tài để răn đe làm gương cho người khác và lành mạnh các trang mạng xã hội.

Bài, ảnh: BẠCH CHÂU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Đừng lạm dụng tiếng lóng

Cuối tuần, cô cháu gái khoe, lớp con tổ chức hoạt động trải nghiệm về chủ đề “Ngôn ngữ của tuổi teen”. Ý tưởng này khá hay và được rất nhiều phụ huynh đồng tình, khi thực trạng sử dụng ngôn ngữ theo kiểu “tự chế” của học sinh ngày càng phổ biến.

Đừng lạm dụng tiếng lóng
Ăn khuya ở Huế

Khi đồng hồ điểm những giây phút chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới, ở nhiều góc phố của xứ Huế vẫn nhộn nhịp khách ăn khuya. Những vị khách ấy đa phần là người trẻ, sinh viên, người đi du lịch đã góp phần làm cho góc phố của Huế không còn ngủ sớm.

Ăn khuya ở Huế

TIN MỚI

Return to top