ClockThứ Năm, 05/08/2010 10:27

Sương khói mờ nhân ảnh…

TTH - Chủ nhật, có bạn phương xa đến chơi. Mời ăn sáng uống cà phê, bạn gợi ý muốn được ăn cơm hến. “OK”, tưởng chi chớ món nớ thì… khỏe. Đưa bạn ra đường Trương Định, rồi Phạm Hồng Thái. Đông nghẹt. Răng không về thẳng cồn Hến? Ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu và tôi chộp luôn. Hơi xa tí, nhưng hay. Vừa để được dịp giới thiệu cho bạn biết “đây thôn Vỹ Dạ”, đây xứ sở của nghề hến, cơm hến, chè bắp…

Qua cầu Phú Lưu một quãng, chúng tôi rẽ vào một lối nhỏ, tạt vào quán cơm hến bên trái. Rộng rãi, thoải mái. Hô mô có nấy, không phải xếp hàng chầu chực cực hơn…đi cày như mấy quán cơm hến ở đường Phạm Hồng Thái, Trương Định. Mà chất lượng cũng không có vấn đề gì.

Ngôi nhà của chủ quán khá rộng rãi, nhưng hình như được xây đã khá lâu. Mái hiên đúc bê tông đã bong vỡ, lộ cả cốt thép bên trong đang hồi mục rỉ, vôi ve các bức tường bao đã loang lổ, rêu phong đến tội nghiệp…
 

Dân Cồn Hến với nghề cơm hến truyền thống

“Sao không sửa đi bác? Có bao nhiêu đâu…”- Bạn tôi bắt chuyện. Không ngờ rà đúng… tần sóng nỗi niềm của gia chủ. Vậy là ông quên cả “công tác phục vụ”, kéo ghế ngồi nói chuyện với khách chơi. Tựu chung vẫn là chuyện di dời, quy hoạch “treo”. “Cả ngàn nhà ở đây, không mấy ai có thẻ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Tui ở đây thuộc loại lâu đời mà vừa rồi phải nhờ bạn bè là lãnh đạo thành phố can thiệp mới làm được. Nhưng có thẻ đỏ rồi cũng… như không, ngân hàng họ chê, không chấp nhận thế chấp cho vay…”.
 
Nỗi niềm của ông chủ quán cũng là nỗi niềm chung của người dân cồn Hến. Chúng tôi đã từng tìm hiểu và có bài viết về vấn đề này (bài đăng trên Báo Thừa Thiên Huế số 4671 - thứ bảy ngày 5-12-2009), trong đó đề cập đến nguyện vọng tha thiết của chính quyền và người dân nơi đây là mong mọi sự được minh bạch, công khai. Quy hoạch cái gì, còn hiệu lực không, bao giờ triển khai, có giải tỏa dân không, giải tỏa ở mức độ nào, dân đi đâu… để bà con còn yên tâm sinh sống, làm ăn. Đó chính là an dân-một việc làm hết sức quan trọng với bất kỳ chế độ nào, xã hội nào. Vậy nhưng, đáng tiếc, và cũng đáng buồn, là sau khi báo giúp người dân lên tiếng, cho đến nay vẫn không thấy có cơ quan nào trả lời. Không lẽ mọi thứ vẫn cứ “sương khói mờ nhân ảnh” để dân xứ cồn mãi bồn chồn không yên…
 
Hiền An
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Như những ngày đông cũ

Tháng Mười Một về, gió chớm lạnh, những ngày đông lại đến. Đâu đó trong không gian, mùi hương đặc trưng của mùa đông thoảng qua, mang theo những ký ức cũ kỹ và dịu dàng. Như thể mùa đông chẳng hề vội vã, chỉ khe khẽ gõ cửa, nhắc nhở chúng ta về những ngày đã qua, về những tháng năm đã cũ.

Như những ngày đông cũ
Tìm lại hương vị “cơm nhà”

Giữa nhịp sống phố thị, những người bận rộn vẫn mong muốn tìm lại hương vị cơm nhà, quay trở về với những món ăn dân dã mang đậm hơi thở quê hương ở một quán ăn lạ, nhưng… gần gũi.

Tìm lại hương vị “cơm nhà”
“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Giọt mùa xuân nảy mầm

“Bao giờ cho đến ngày xưa”, luôn là một khúc điệu, một câu tự vấn khi người ta quen với những ca từ thời nào đó xa lắm lấp lánh trên mi mắt, chỉ để ngắm nghía giọt mùa xuân đang lặng lẽ nảy mầm ở trên bầu trời, dưới mặt đất hay chính trong lòng người.

Giọt mùa xuân nảy mầm
Return to top