ClockThứ Tư, 23/03/2022 05:37

Tạm thời “quên”!

Nghĩ đến một việc cần làm, tôi ngồi vào bàn làm việc và khởi động máy, rồi không nhớ là mình đang định làm gì! Đã có những lúc tôi cầm điện thoại trên tay, rồi quên mất mình định gọi cho ai, định nói về điều gì. Di động cũng thường được để ở nhà hơn. “Là bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Phó Chủ tịch nước đó chị” - bạn trả lời và kêu trời khi tôi nói rằng, người đang trả lời phỏng vấn cho các nhà báo ở đường sách (TP. Hồ Chí Minh) sao ngó quen quá…!

Đây là tình trạng mà tôi đã gặp phải sau khi trở thành “nguyên F0”, cộng với việc hay mệt và thi thoảng lại đổ mồ hôi. Gần nửa tháng trôi qua, và “bình thường cũ” vẫn chưa trở lại, cho dù tôi không quá lo lắng vì biết, mình cũng là 1 thành viên trong số 80% F0 gặp những vấn đề về nhận thức, trong đó có hội chứng sương mù não (brain fog) – một thuật ngữ trong y tế, được sử dụng để mô tả tình trạng tâm thần chậm chạp, như phủ một lớp sương mù và ngơ ngác. Theo TS. BS Trịnh Thị Bích Huyền, chuyên gia về sức khỏe tâm thần thì hay quên, có lúc cảm giác như bị lẫn; mất đi sự sáng suốt, rõ ràng trong các hoạt động tâm thần; mất tập trung chú ý, có cảm giác là không biết điều gì xảy ra và rối loạn ý thức là những biểu hiện của hội chứng này. Đối với những trường hợp hậu COVID-19, hội chứng này có thể kéo dài vài tháng và có nhiều nguyên nhân dẫn đến những rối loạn về nhận thức, trong đó có cả vai trò của yếu tố tâm lý và yếu tố bệnh lý cơ thể (Báo Sức khỏe & Đời sống online ngày 13/3/2022).

Việc thăm khám và tham khảo ý kiến của các y, bác sĩ để có hướng điều trị tốt nhất là điều mà nhiều người sẽ làm sau khi hết F0. Bên cạnh việc điều trị hội chứng này bằng các loại vitamin, các thuốc ức chế miễn dịch và thuốc tăng cường tuần hoàn não theo chỉ định của bác sĩ, điều cơ bản được TS. BS Trịnh Thị Bích Huyền đề nghị và nhắc các F0 nhớ là phải đảm bảo đủ về thời gian, chất lượng giấc ngủ; thường xuyên vận động để giúp cơ thể hồi phục sức khỏe, có chế độ ăn lành mạnh và không sử dụng rượu và thuốc lá có thể giúp giảm phản ứng viêm trong não…

Chắc chắn là những điều này đã được phổ biến rộng rãi và người vừa vượt qua được F0 hay người chưa trở thành F0 của COVID-19 với các biến thể của nó đều có cách tiếp cận, tìm hiểu để thực hiện và chuẩn bị tinh thần để “chiến đấu” với các hội chứng, trong đó có sương mù não. Vấn đề là ở chỗ, do diễn tiến các ca nhiễm có xu hướng tăng, dù nhẹ, và có rất nhiều “trải nghiệm” đi trước nên việc tư vấn, hướng dẫn cho nhau theo kinh nghiệm thực tế và bằng những gì mà bản thân kiểm chứng được, điều mà tôi nhận thấy là cần bình tĩnh. Tham khảo ý kiến của y, bác sĩ và tìm cách tự cân bằng, tạm thời quên những lo âu, cố gắng suy nghĩ tập trung qua việc giảm bớt căng thẳng, bức bối của công việc (nếu có); thu xếp để bản thân có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý và nghĩ đến những gì tích cực… thì chúng ta sẽ dần ra khỏi trạng thái sương mù não - thậm chí vượt qua được sớm hơn - mà không ít người đang vướng phải.

Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng bệnh sương mù não

Sương mù não không phải là một bệnh lý cụ thể, nhưng có các triệu chứng ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, trí nhớ. Từ đó, có thể đảo lộn các sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Tìm hiểu rõ về những lý do gây sương mù não có thể giúp người bệnh theo dõi diễn tiến, điều trị sớm phục hồi sức khỏe.

Phòng bệnh sương mù não
Return to top