Được vui chơi, giao lưu trong môi trường an toàn, lành mạnh là điều mà nhiều trẻ em mong muốn
Vẫn còn tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại
Thời gian qua, đã có nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, gây nên hậu quả rất thương tâm. Có trẻ bị bạo hành dẫn đến tử vong, có trẻ bị thương tật, bị ảnh hưởng tâm lý trầm trọng... Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều vụ bạo hành trẻ em ở tính chất, mức độ khác nhau, ở từng hoàn cảnh, địa điểm khác nhau, như bạo hành, ngược đãi về thể chất hoặc tinh thần ngay trong gia đình, trường học, ở các khu vui chơi công cộng... nhưng chưa bị tố giác. Thực trạng này dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc quyền của trẻ em đang bị xâm hại, chưa được toàn xã hội bảo vệ đúng mức.
Nhìn nhận thẳng thắn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, nhất là đuối nước vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Không ít trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau còn phải bỏ học. Cơ sở vật chất, thiết bị, bể bơi, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu. Các hình thức vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, chưa phù hợp với trẻ em. Điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em nghèo, trẻ em ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn thấp...
Phân tích nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhiều người cho rằng, thực ra một phần là do sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, giữa gia đình, nhà trường và xã hội tại một số địa phương có lúc chưa chặt chẽ; chính quyền cơ sở chưa thực sự ưu tiên, quan tâm sâu sát công tác phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Công tác huy động nguồn lực xã hội của một số địa phương chưa cao, thiếu các giải pháp hiệu quả.
Một số địa phương, trường học chưa thường xuyên, quyết liệt trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em cho các bậc phụ huynh và chính các em học sinh, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đáng quan tâm là có một bộ phận gia đình đang chỉ lo tập trung vào phát triển kinh tế, bố mẹ đi làm ăn xa, con cái ở nhà với ông bà, anh chị, thiếu sự quan tâm, giám sát, bảo vệ trẻ em.
Nguyên nhân khác là do một số gia đình, nhất là các gia đình sống trong môi trường, địa lý gần sông, suối, khe, đập... còn chủ quan, xem nhẹ vấn đề quản lý, giám sát, giáo dục trẻ em về kiến thức, kỹ năng bơi, kỹ năng cứu đuối, an toàn trong môi trường nước; chưa có khả năng đề phòng và sơ cứu khi trẻ em gặp phải tai nạn đuối nước. Vẫn còn nhiều trẻ em, học sinh thiếu các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng về phòng chống xâm hại bạo lực, tình dục, kỹ năng về bơi, cứu đuối an toàn trong môi trường nước...
Tận tâm hơn với trẻ
Những năm qua, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh luôn chung tay, góp sức vào công cuộc này.
Theo thống kê của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, từ những tấm lòng sẻ chia, cầu nối kết nối các nhà hảo tâm, đã có hàng nghìn suất học bổng được trao cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, giúp nhiều em được tiếp tục đến trường, trong đó có nhiều em thành tài, thành đạt. Hàng trăm trẻ em khuyết tật được phẫu thuật phục hồi chức năng, được trao xe lăn, giúp các em vượt qua bệnh tật, mặc cảm. Hàng nghìn trẻ em được tặng quà, có thêm niềm vui trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều mái ấm dành cho trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa được hình thành, nhiều trường mầm non các vùng khó khăn được xây dựng khang trang... đã nâng bước cho các em trong cuộc sống và theo đuổi con đường học tập.
Hiện, vẫn còn nhiều trẻ em chưa được hưởng đầy đủ toàn bộ hoặc một phần các quyền cơ bản của mình. Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trên 9.000 trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn. Phần lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tập trung ở những địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Ở đây, các em gặp rất nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, vì thế, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vẫn rất cần sự quan tâm giúp đỡ của toàn xã hội để các em có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí..., giúp các em phát triển toàn diện và hòa nhập tốt với cộng đồng.
Tháng Hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em" còn có ý nghĩa sâu xa hơn là muốn kêu gọi từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội cùng tận tình, tận tâm sát cánh hơn nữa với trẻ em. Vì mỗi một tấm lòng, mỗi sự sẻ chia hướng đến các em đều là những điều tuyệt vời, tốt đẹp nhất và còn là cách để các em hội đủ 5 yếu tố: "Đức, trí, thể, mỹ, văn" mà nền giáo dục nước ta đang hướng đến và phấn đấu đạt được.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG