Anh Thi (46 tuổi ở thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) một ngư dân mấy chục năm sống bằng nghề ra khơi bám biển, ra tận đầu ngõ đón “người ở phố” sau khi nhận điện thoại. Ngôi nhà xây của gia đình anh Thi đã cũ nhưng tươm tất và những nụ cười thì tươi rói. Mùng 3 tết, bánh chưng, bánh tét, các loại mứt và mọi thứ để “ăn tết” vẫn rất nhiều. Chuông điện thoại reo liên tục. Anh Thi cười bảo, đó là những lời mời của bạn đi biển, của bạn bè, cùng uống chén rượu đầu xuân để chuẩn bị mùa ra khơi đầu năm mới.
Anh Thi chia sẻ, cũng như những ngư dân và người dân miền biển Phú Vang, sau những tháng ngày khó khăn và những cái tết buồn vì sự cố môi trường biển, tết năm nay gia đình anh ấm no, vui rất nhiều. “Chuyến đi biển cuối năm kéo dài 5 ngày, tôm, cá “theo” về đã đem lại cho vợ chồng tôi gần 45 triệu đồng. Trừ chi phí tiền dầu và chia cho 2 bạn thuyền, vợ chồng tôi cũng thu được một khoản. Những chuyến trước còn trúng hơn”. Anh Thi “khoe”, nhiều gia đình ngư dân trong thôn còn trúng lộc biển nên cuộc sống không chỉ ổn định lại sau sự cố môi trường biển, mà còn khấm khá hẳn. Như gia đình anh Danh, anh Thu, anh Đệ năm nay xây được nhà mới “hoành tráng” lắm.
Vợ chồng anh Đệ trong ngôi nhà mới xây xong trước tết đón khách ngày xuân
|
Khách đến chơi quây quần trên chiếc chiếu trải giữa sàn, vừa nhâm nhi những món đồ tết vừa chuyện trò rôm rả. “Chuyện đông chuyện tây” gì rồi cũng quay về câu chuyện ra khơi, con tôm, con cá. Anh Thi, anh Danh, anh Thu, anh Đệ…, đều là những ngư dân từng trải qua những ngày khó khăn sau sự cố môi trường, nay vui lắm. “Tiền bồi thường vì bị ảnh hưởng, chúng tôi dùng để mua thêm máy móc hoặc vay mượn thêm đầu tư tàu lớn hơn để ra khơi xa. Vậy nên mới khấm khá hơn”.
Anh Thi vui vẻ, dí dỏm bảo, ăn tết vui vẻ nhưng “không quên nhiệm vụ”. Ngày mai, vợ chồng anh ra khơi. Nhiều “đồng nghiệp” khác đã đi biển từ hôm mùng 1, mùng 2 tết. Cứ đẹp ngày, thuận gió là ngư dân ra khơi lấy ngày, mong một năm mới bội thu, an lành.
Những ngư dân xã Phú Diên cũng đã đi “lấy ngày”, trở về với những khoang thuyền đầy lộc biển. Anh Huy (40 tuổi) gắn bó với biển từ tuổi đôi mươi, nở nụ cười “hết cỡ” bảo, tết năm nay no ấm hơn tết trước rất nhiều. Anh Huy tâm sự, gia đình hoàn toàn mưu sinh bằng nghề biển, nuôi dưỡng con cái bằng con tôm, con cá nên khi “biển buồn”, mình cũng buồn. Nay đã ổn định, khấm khá trở lại, không còn nỗi lo cơm áo, tinh thần thoải mái, cái tết cũng ấm áp hẳn lên.
Vui bên chậu mai tươi rói sắc xuân
Kể về cái tết Mậu Tuất vui tươi của gia đình, của bà con ở xã Phú Diên, ông Toàn (55 tuổi) không quên “xuýt xoa” về những ngày thường ra khơi vào lộng. Những ngày tháng khó khăn đã qua đi. Nhận tiền bồi thường sau sự cố môi trường, ông và bà con ngư dân địa phương đầu tư vào ngư lưới cụ, sơn sửa lại ghe, xuồng để trở lại bám biển. Biển cho lộc nên tết năm nay ngoài đầy đủ bánh mứt, cá, tôm, hầu hết mọi gia đình đều đón về nhà những chậu mai chậu cúc tươi rói sắc xuân.
Anh Phương (45 tuổi) bộc bạch, những ngư dân như anh sống chết với biển. Sóng gió mặn mòi đã “ăn” vào cuộc đời, từ đời này qua đời khác. Thời kỳ khó khăn nhất sau sự cố môi trường, mỗi gia đình chạy đôn chạy đáo mưu sinh. Nhớ biển đến cồn cào. Chính vì nỗi nhớ đó mà hầu hết mọi người trở lại bám biển, không chuyển đổi nghề nghiệp khác. Biển không phụ lòng người. Cái tết này vật chất tuy có thể không bằng những cái tết ngày trước, nhưng rất ấm áp. Bởi niềm vui, niềm tin về những mùa ấm no phía trước.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh