Thứ Tư, 20/03/2019 08:32
(GMT+7)
Thà ít mà tinh
TTH - Tuần vừa rồi, tôi được một người bạn vong niên, một nhà nghiên cứu văn hóa Huế mời đến dự buổi nói chuyện của anh. Vốn dĩ cũng khoái lĩnh vực này, lại là chỗ thâm tình nên tôi cố gắng thu xếp công việc để đến dự.
Đến nơi, thấy trong phòng khá đông thính giả. Tôi vừa thầm mừng cho anh vừa vui vì thấy lĩnh vực văn hóa Huế được nhiều người quan tâm. Buổi nói chuyện bắt đầu. Do vừa cầm micro vừa thỉnh thoảng lục tìm tài liệu nên tiếng nói của anh lúc to lúc nhỏ tùy thuộc độ xa gần của chiếc mic, người nghe phải chăm chú mới theo được mạch câu chuyện. Tôi ngồi ở các dãy ghế sau lại càng phải chăm chú nhiều hơn.
Khổ nỗi, góc sau chỗ tôi ngồi có một nhóm “cử tọa” chừng 5-7 chị. Trên kia diễn giả vừa mở lời, dưới này nhóm “cử tọa” nọ cũng “khai khẩu”. Chả biết họ nói những chuyện gì mà cứ rì rì rầm rầm không dứt. Những người chung quanh vừa bị “nhiễu” âm vừa bị phân tâm, rất khó chịu! Tự hỏi tại sao người ta đi dự một sự kiện văn hóa mà lại ứng xử không mấy văn hóa như vậy? Đã như vậy, thà rằng cứ kéo nhau ra quán cà phê. Cuộc trò chuyện của họ sẽ được thoải mái mà trong này buổi nói chuyện cũng không bị quấy rầy.
Buổi nói chuyện được quay phim chụp ảnh khá nhiều. Nhất định ít hôm nữa gặp nhau, tôi sẽ giúp anh “khoanh vùng đối tượng”. Để những lần nói chuyện tới phải… quyết liệt nói “không”, cho dù đó là khách mời của cá nhân anh hay của đơn vị tài trợ tổ chức. Quý hồ tinh bất quý hồ đa, thà rằng ít người nhưng cuộc nói chuyện được người ta trân trọng lắng nghe, thu nhận và làm lan tỏa; còn hơn đông người nhưng người nghe kẻ không, cuối cùng kết quả đọng lại có khi chỉ là …sự khó chịu.
Thượng Bích