Người dân và du khách thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch
Quảng trường Ba Đình, 9 giờ sáng đã thấy rất đông người dân, du khách đến xếp hàng qua cửa an ninh để vào tham quan, thăm viếng. Hôm ấy là thứ sáu, theo lịch, buổi sáng lăng Bác không mở cửa, nhưng Quảng trường Ba Đình và Khu di tích Phủ Chủ tịch vẫn đón khách tham quan. Tôi bắt gặp hình ảnh một số các bà, các chị chắp tay thành kính vái vọng vào lăng Bác. Nghe họ nói giọng miền trong, có lẽ ra Hà Nội du lịch hoặc thăm thân, nhưng không nắm được lịch nên chưa có duyên được vào viếng Bác. “Chiều nay phải về rồi, chúng con xin phép Bác lần sau…” - Một chị như thay mặt cả đoàn nói với giọng ray rứt.
Con trai tôi cũng lần đầu tiên đến Hà Nội, và tôi cũng đã giận mình chủ quan không nắm kỹ lịch để hôm ấy cháu lỗi dịp được vào lăng viếng Bác. Cũng may Quảng trường Ba Đình và khu di tích Phủ Chủ tịch vẫn giang rộng vòng tay đón con dân muôn nơi về với Hà Nội, trong đó có cha con tôi. Đứng giữa Quảng trường Ba Đình lộng gió, tôi nhắc cho cháu về một ngày mùa Thu lịch sử của 77 năm về trước: Ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hôm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trang trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tiếng của Người như còn vang vọng đâu đây: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Một gia đình lần đầu tiên thăm Văn Miếu Hà Nội
Tại buổi lễ hôm ấy, lời thề từ lồng ngực của triệu con người đã hòa làm một, vang dậy như sấm, kiên quyết giữ vững quyền tự do, độc lập thiêng liêng của đất nước. Để rồi chỉ 1 năm sau đó, mùa Đông năm 1946, cả nước lại một lòng theo Đảng, theo Bác bước vào cuộc trường chinh, quyết không để giặc Pháp cướp nước ta một lần nữa. Và 9 năm sau, với Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, ngày 10/10/1954, đoàn quân lại “điệp điệp trùng trùng” trở về với Thủ đô giữa rực rỡ cờ hoa và tiếng reo hò chiến thắng. Đó là ngày vui nhất trong lòng người Hà Nội…
* * *
Chiều Hồ Gươm, công viên và những con phố chung quanh bây giờ đã thật đông vui. Dân “bản địa” tập trung thành từng nhóm theo “gu”, mở nhạc cùng nhau nhảy. Những người không nhảy thì đi bộ, chạy, vươn vai, hít đất… Bầu không khí đầy năng lượng và thật khỏe khoắn. Nhưng đông nhất vẫn là du khách. Ta có, tây có. Suốt một vòng quanh bờ hồ hầu như không chỗ nào là không có người. Một đoàn làm phim gì đấy đang thực hiện những cảnh quay thu hút đám đông tò mò quây lại để được tỏ tường cái công nghệ làm phim nó ra làm sao. Nhà hát múa rối nước Thăng Long ở đường Đinh Tiên Hoàng thì rất đông khách du lịch nước ngoài đang chờ đến suất của mình. Một số khác nữa thì đứng hoặc thoải mái ngồi bệt xuống đất chung quanh những nghệ sĩ đường phố đang say sưa với những ca khúc về Hà Nội, những bản nhạc cổ điển được trình tấu với guitare, violin, saxsophone…. Phía bên kia đường, bầu không khí càng tấp nập, sôi động hơn với các bạn trẻ nơi những quán ăn vặt, cà phê, bia bọt và những bản rock bốc lửa…. Tất cả đều thực sự đã trở lại bình thường như chưa từng có sự hiện diện của cơn bão mang tên COVID-19 đã càn quét không chỉ Hà Nội suốt 2 năm qua, dẫu cho giờ đây “hoàn lưu” của nó vẫn còn chưa tan hết. Sau một thoáng ngỡ ngàng, lúng túng ban đầu, với sự lèo lái của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự xả thân của những chiến sỹ áo trắng, công an, quân đội, lực lượng thiện nguyện nơi tuyến đầu, và sự chung tay đùm bọc lẫn nhau của toàn xã hội, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã vượt qua “tâm bão”. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi và tăng trưởng rất ấn tượng. Theo số liệu chính thức được công bố, GDP quý III của nước ta đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay). Trong đó, Hà Nội là một trong các địa phương đứng ở top có GRDP 9 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá ngoạn mục: 9,69%. Riêng với du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã đón được 13,87 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ du lịch khoảng 40 nghìn tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,0%-7,5% trong năm nay.
Sáu mươi tám năm kể từ ngày đón những đoàn quân trùng điệp trở về tiếp quản, Hà Nội đã đổi thay và có những bước tiến thật thần kỳ. Là một thủ đô, một chỗ dựa vững chắc để Việt Nam thắng quân xâm lược Mỹ, thống nhất đất nước, đổi mới và dựng xây Xã hội chủ nghĩa. Giờ đây, sau trận chiến với COVID-19, Hà Nội lại rộn ràng nhịp đập. Trái tim của cả nước đang truyền những năng lượng ấm nóng đi khắp cơ thể để Việt Nam vươn dậy, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn sau đại dịch.
* * *
Trước khi rời Hà Nội, tôi đưa con trai đến thăm Văn Miếu Quốc tử giám. Không giản đơn là để cháu biết thêm về một “điểm đến”, một địa chỉ du lịch của Hà Nội, mà để cháu được tận mắt thấy và cảm nhận về mạch nguồn văn hiến, mạch nguồn tri thức, mạch nguồn khát vọng của liệt Thánh và các thế hệ tiền nhân trao truyền. Cũng như mọi lần, lòng tôi dậy lên một niềm vui đầy cảm xúc và hy vọng khi bắt gặp học sinh của các trường đủ mọi cấp, đủ vùng miền tề tựu về đây để dâng lên tiền nhân nén tâm hương nhân sự kiện kết thúc năm học hay tốt nghiệp ra trường... Cùng đi còn có các thầy cô và nhiều bậc phụ huynh khác nữa. Ai cũng thành kính, ai cũng hân hoan. Cảnh tượng ấy khiến trong ta dậy lên một niềm tin thật son sắt và chân thành, rằng: Một dân tộc có các thế hệ con dân luôn biết thương yêu, trân quý chữ nghĩa, luôn biết tri ân, ngưỡng vọng công lao và di sản của cha ông, dân tộc ấy tất phải có một non sông gấm vóc tươi đẹp. Dân tộc ấy tất đủ tự tin ngẩng cao đầu để “sánh vai cùng các cường quốc 5 châu” như Hồ Chủ tịch từng thao thức, kỳ vọng…
Bài, ảnh: HIỀN AN