ClockThứ Năm, 24/05/2018 14:00

Thắm tình Sê Sáp

TTH - Trong cái nắng gay gắt miền biên cương, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm (A Lưới) đến bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Những ngôi nhà san sát và màu xanh của những nương ngô, ruộng lúa, vườn dứa bạt ngàn là minh chứng cho một bản vùng biên đang khởi sắc.

Khám bệnh và trao quà cho bản Sê Sáp (Lào)Những tình cảm đặc biệt sâu nặngCùng bạn Lào bảo vệ rừng biên giới

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho người dân

Tờ mờ sáng, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình tại Đồn Biên phòng Nhâm. Sau khi vượt quãng đường hơn 15km bằng xe máy, đoàn đến khu vực biên giới giữa hai nước Việt Nam-Lào. Thiếu tá Hoàng Văn Nguyện, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhâm đón chúng tôi tại Trạm Kiểm soát biên phòng Hồng Thái.

Tại đây, chúng tôi có thể nhìn thấy khá rõ những ngôi nhà lợp tôn của người dân bản Sê Sáp. Nhìn thì có vẻ gần, nhưng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ trèo đèo, lội suối, băng rừng theo con đường mòn, chúng tôi mới đặt chân đến được bản Sê Sáp.

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Sê Sáp là những ngôi nhà kiên cố; những đứa trẻ đang đùa nghịch bên những vòi nước mát lạnh được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm kéo về từ những con suối đầu nguồn. Trưởng bản Su May và dân bản Sê Sáp chào đón chúng tôi bằng những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt và nụ cười thật tươi. Trong ngôi nhà Hữu Nghị vừa được Nhân dân Việt Nam trao tặng, những câu chuyện làm ăn của người lớn, học hành của lũ trẻ, rồi câu chuyện lại quay về những ngày dựng bản.

Thiếu tá Hoàng Văn Nguyện nhớ lại hơn 5 năm về trước: “Lúc đó, Sê Sáp nằm sâu trong núi rừng, lại không có đường đi, muốn đến trung tâm huyện Kà Lừm phải mất hơn chục ngày vất vả băng rừng, lội suối. Người dân ở đây sống du canh, du cư, nay đây mai đó. Rau rừng, rễ cây trở thành thức ăn chính nuôi sống những người dân trong bản”.

Hiểu và thương người dân, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thừa Thiên Huế nói chung và Đồn Biên phòng Nhâm nói riêng đã phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn xây dựng kế hoạch để đưa bản Sê Sáp ra sống định cư. Sau khi kế hoạch được các cấp có thẩm quyền của hai nước phê duyệt, BĐBP Thừa Thiên Huế đã huy động nguồn lực, nhân lực để triển khai trên thực tế. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã được điều động để “cõng” nguyên vật liệu, trèo đèo, lội suối đến điểm định cư xây dựng nhà cửa giúp người dân Sê Sáp ổn định cuộc sống. BĐBP cũng tuyên truyền để họ từ bỏ mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm còn mang đồ ăn đến từng nhà dân; tổ chức thăm khám và cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho người dân nơi đây.

Thiếu tá Hoàng Văn Nguyện kể: “Sau khi xây dựng nhà cửa, trường học cho người dân, một vấn đề nan giải đặt ra cho chúng tôi là làm cách nào giúp người dân có thể vừa an cư, vừa tạo sinh kế lâu dài cho hàng trăm nhân khẩu của bản làng giữa đại ngàn  là một thử thách không nhỏ. Bởi Sê Sáp được bao bọc xung quanh là núi rừng trùng điệp, việc phát triển cây lúa nước  rất khó, lương thực chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nương rẫy, năng suất bấp bênh do ảnh hưởng của thời tiết và khí hậu. Để giúp Nhân dân cải thiện về vấn đề lương thực, chúng tôi đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa thế và khí hậu của địa phương, rồi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật, cho nên hiện nay cuộc sống của người dân bản Sê Sáp đã từng bước ổn định”.

“Bản Sê Sáp hiện nay đã có 45 ngôi nhà xây mới. Điện đã về với bản, kinh tế ổn định, trẻ con được học hành đầy đủ, không còn cảnh thiếu ăn. Ai cũng nhận thấy sự chuyển mình rõ rệt từng ngày là nhờ sự giúp đỡ của BĐBP và Nhân dân Việt Nam. Người dân bản mình sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng biên giới Việt - Lào ổn định, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị keo sơn, gắn bó đặc biệt giữa hai đất nước, hai dân tộc anh em”, Trưởng bản Su May tâm sự.

Cùng dân bản quây quần bên chiếc mâm đựng đầy dứa gai, dưa, mía- những món đặc sản được người dân lấy từ rẫy về dành để thiết đãi những vị khách đặc biệt, chị Nang Tụt giọng hồ hởi: “Từ khi có BĐBP Nhâm sang cho cây giống, vật nuôi và hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, chăm sóc, chúng tôi mới biết. Giờ tới mùa thu hoạch được nhiều hơn, vật nuôi khỏe hơn, cảm ơn BĐBP nhiều lắm”.

Sau những cái ôm, những cái bắt tay mang đầy tấm chân tình, sau những câu chuyện thắm tình hữu nghị, chúng tôi chia tay những người dân bản Sê Sáp, chia tay những chiến sĩ biên phòng ngày đêm giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, bám bản, bám rừng, giúp dân xóa đói giảm nghèo dọc tuyến biên giới hai nước Việt-Lào. Một chuyến đi vất vả nhưng không hiểu sao trong lòng chúng tôi dâng lên bao xúc cảm và thấy ấm áp lạ thường.

Bài, ảnh: Võ Tiến

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắm tình quân - dân biên giới

Với 1 huyện biên giới và 5 huyện, thành phố ven biển, ngoài nhiệm vụ kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia, lực lượng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế còn xây dựng lối sống giản dị gần dân, hiểu dân và sẵn sàng giúp dân khi dân cần. Sự đồng hành, gắn kết ấy là một nét son đượm thêm tình quân - dân keo sơn, xây dựng bản làng biên giới ngày một ổn định, khởi sắc.

Thắm tình quân - dân biên giới
Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho lực lượng vũ trang và người dân biên giới nước bạn Lào

Ngày 12/5, Đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Trần Công Phú, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo công tác biên giới tỉnh, Giám đốc sở Ngoại vụ làm trưởng đoàn đã trao hỗ trợ cho lực lượng vũ trang và người dân các bản tiếp giáp thuộc hai tỉnh Salavan và Sê Kông, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho lực lượng vũ trang và người dân biên giới nước bạn Lào
Return to top