|
Không gian sống thông thoáng, tiết kiệm điện năng chiếu sáng và làm mát nhờ giếng trời. Ảnh: Nhà của tui |
Dù nằm ngay hướng tây, thế nhưng vào những ngày nắng gay gắt nhất của xứ Huế, nhiệt độ ngôi nhà của anh Tùng, kỹ sư xây dựng có nhiều năm kinh nghiệm tại TP. Huế vẫn không quá cao. Lý giải hiệu quả từ hệ thống làm mát tự nhiên của ngôi nhà, anh cho biết đa phần thành quả trên đến từ việc trồng cây xanh và bố trí hợp lý các mái hiên.
Chống nóng và làm mát, đó là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng không gian sống, nhất là khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Trong đó, hệ thống làm mát được anh Tùng vận dụng là phương án tối ưu nhất được nhiều kiến trúc sư lựa chọn để xây nên những ngôi nhà thích ứng với tình trạng nhiệt độ tăng lên.
Chia sẻ về phương án giảm nhiệt này, kiến trúc sư Công Thịnh cho biết: “Nhiệt độ tăng là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu. Bởi thế, thiết kế kiến trúc sử dụng không gian xanh là phương án tối ưu nhất, đặc biệt là ở đô thị, nơi mật độ cây xanh ngày càng giảm, dẫn đến hiện tượng đảo nhiệt đô thị (cùng chung một mức nhiệt nhưng khu vực đô thị lại có nhiệt độ cao hơn hẳn các vùng lân cận) gia tăng. Với sự xuất hiện của cây xanh, khi được bố trí hợp lý tầng, tán, không chỉ giảm bức xạ, giảm nhiệt độ không khí, nhiệt độ bề mặt đất dưới tán cây cũng được điều tiết hài hòa, đó là lý do ngôi nhà của anh Tùng luôn mát hơn nhiệt độ thực tế của môi trường”.
Cùng với việc trồng cây xanh trong vườn, lên mái nhà, đặt các loại cây trong nhà, gia chủ có thể tận dụng tối đa nhiều không gian khác nhau để trồng cây xanh như làm vườn “treo”, trồng ở ban công. Mang đến sắc màu dịu mát, giúp thanh lọc không khí, những tiểu vi khí hậu được tạo nên từ cây xanh sẽ giúp điều tiết nhiệt độ xung quanh nhà hiệu quả.
Cùng với nhiệt độ tăng, biến đổi khí hậu còn gia tăng số lượng bão, các cơn giông lốc, mưa lớn… Những hình thái thời tiết cực đoan trên không chỉ giảm hiệu quả thẩm mỹ mà còn là tác nhân giảm tuổi thọ của các loại vật liệu xây dựng, làm tốc mái, biến đổi kết cấu ngôi nhà.
“Vì thế, những vật liệu được lựa chọn để xây nhà nên đảm bảo các tiêu chí, đó là vừa bền, chắc, sức chống chịu với va đập, sức giãn nở tốt, vừa thân thiện với con người và môi trường. Để đảm bảo những tiêu chí trên, thị trường ngày càng ưa chuộng các vật liệu thân thiện và có độ bền cao như gạch không nung, tre, đá chẻ, bê tông nhẹ, xi măng xanh, sơn sinh thái”, anh Thịnh nói.
Để thích ứng, giảm nhẹ tác động của những hình thái thời tiết cực đoan đến không gian sống, góp phần chung tay giảm thiểu những tác nhân gây nên tình trạng biến đổi khí hậu, việc khai thác hệ thống lưu thông gió tự nhiên, sử dụng ánh sáng mặt trời, ưu tiên các phương án tiết kiệm năng lượng hiệu quả cũng cần được chú trọng.
KTS. Công Thịnh cho biết thêm: “Ví dụ như nhà ống, dù ưu điểm chi phí hợp lý, phù hợp nhiều phong cách, thế nhưng dạng nhà này lại rất khó lấy sáng và thông gió tự nhiên. Giải pháp cho nhà ống là các khoảng thông tầng hoặc giếng trời. Những mẫu nhà khác cũng tương tự, luôn có cách thức phù hợp, tạo nên khoảng không để ngôi nhà được “thở”. Cùng với đó, gia chủ có thể lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, dùng các trang thiết bị tiết kiệm năng lượng như đèn led, dòng sản phẩm công nghệ inverter tiết kiệm điện năng hiệu quả, thiết bị vệ sinh thông minh tiết kiệm nước để vừa tiết kiệm năng lượng, vừa góp gần bảo vệ thiên nhiên, môi trường”.