ClockChủ Nhật, 23/09/2018 14:49

Thiên nga trên tách cà phê

TTH - Vết bỏng trên bàn tay trái vẫn còn đậm màu, thế mà nụ cười của Lê Anh Tuấn, chàng barista (nhân viên pha chế cà phê) 22 tuổi vẫn thật rạng rỡ. Thuần thục bên máy pha cà phê, và chỉ chớp mắt với những cái lắc tay điệu nghệ, chú thiên nga xinh đẹp đã hiện hữu trên tách Latte-Art (một dòng cà phê pha chế rất được yêu thích).

Cơ hội cho bartender

Barista là đam mê của Lê Anh Tuấn

Thu nhặt đồng vàng

Chẳng dễ dàng gì để từ một sinh viên Khoa Khách sạn, Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế mà Lê Anh Tuấn trở thành một barista giỏi. Chàng trai Huế chia sẻ: “Nhà trường không thể dạy mình tất cả, thầy cô dù rất tận tâm song chỉ dừng lại ở kiến thức căn bản. Với nền tảng ấy, mình phải tự học hỏi để nâng cao tay nghề”.

Từ khi xác định được mục tiêu, Anh Tuấn bắt đầu quá trình thu nhặt kiến thức cho bản thân. Ngay ngày đầu tiên “vào đời”, chàng trai sinh năm 1996 đã gặp trắc trở, Tuấn nhớ lại: “Đó sẽ là ngày mà mình không bao giờ quên, cay đắng, thất vọng vô cùng. Tổng cộng mình đã đến…10 quán cà phê. Ở đâu chủ quán cũng yêu cầu trên 2 năm kinh nghiệm, mình cố thuyết phục nhưng vẫn không được nhận”. Đến ngày thứ hai, may mắn đã mỉm cười, Anh Tuấn gặp được cô chủ quán tốt bụng. Hiểu niềm đam mê barista từ Tuấn, ngay ngày hôm sau chàng trai trẻ đã được nhận vào làm. Hành trình thu nhặt những đồng vàng kiến thức của Lê Anh Tuấn bắt đầu.       

Chàng trai 22 tuổi bắt đầu thực hành và tìm kiếm kiến thức chuyên sâu. Từ máy pha cà phê đơn giản đến phức tạp nhất tại Huế, Anh Tuấn đều đã thực hành qua. Ngoài ra, với vốn tiếng Anh khá, chàng barista đã mày mò nghiên cứu các tài liệu nước ngoài”. Tuấn cười: “Ngoài tìm tài liệu, mình còn thường xuyên theo dõi các kênh truyền hình trực tiếp những cuộc thi của barista và bartender (nhân viên pha chế đồ uống). Từ những sân chơi lớn ấy, mình học hỏi để hoàn thiện kỹ năng.

Chàng barista đã thu được những thành quả đáng ngưỡng mộ. Năm 2016, Lê Anh Tuấn đạt giải ba nghề dịch vụ nhà hàng tại kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ IX. Tháng 8/2017, chàng trai trẻ lại đoạt giải phong cách tại cuộc thi giao hữu Barista - Bartender Đà Nẵng. Năm 2017, Lê Anh Tuấn còn vinh dự được cấp giấy chứng nhận là sinh viên xuất sắc ngành văn hóa, thể thao và du lịch làm theo lời Bác, giai đoạn 2015-2017 từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tác phẩm đẹp mắt

Không chỉ là đam mê

Một chú thiên nga xinh đẹp sải cánh trên tách cà phê không chỉ là… cà phê và sữa. Sự chắt lọc tinh túy, những kỹ năng điêu luyện, cách thấu cảm của từng barista sẽ hiện thực hóa Latte-Art bằng những hình ảnh, như hoa hồng, tulip, trái tim, cây dương xỉ… Để có được chú thiên nga lộng lẫy, một barista chuyên nghiệp cần trải qua 5 bước căn bản: Chọn hạt cà phê, xử lý cà phê, chọn sữa, xử lý sữa và cuối cùng là tạo hình.

“Người Huế thường chọn gu cà phê đậm đà và đắng. Vì thế, tỷ lệ vị thường là 7 phần đắng, 3 phần chua. Arabica và Robusta là hai loại hạt cà phê thường được sử dụng”, Anh Tuấn cho biết. Ngoài ra, để giữ được hương thơm, mùi vị nguyên bản của cà phê, máy móc là công cụ hỗ trợ đắc lực. “Khi học tại trường, cơ hội để tiếp cận máy móc đối với sinh viên không nhiều. Vì thế khi đi làm, mình luôn ý thức việc sử dụng thành thạo các thiết bị này. Dù có am hiểu cách vận hành hay chưa thì barista cũng rất dễ gặp tai nạn bỏng, vì thông thường nhiệt độ máy có thể lên đến 1000C”, chàng trai gốc Huế cho biết thêm.

Sữa thanh trùng là sự lựa chọn hoàn hảo của Latte-Art. Tuấn nói: “Độ béo, dẻo và bản chất của sữa tươi giúp hình vẽ chuẩn, giữ được lâu. Đây là loại sữa giúp người thưởng thức không cảm thấy quá ngậy”. Khi đã chọn được loại phù hợp, đánh sữa là công đoạn quan trọng quyết định nét mềm mịn của bức tranh. “Mỗi dòng máy sẽ có công suất và cách vận hành khác nhau. Khi đánh, tùy thuộc sự khéo léo của đôi tay, và thấu cảm của người pha chế, dòng xoáy sữa sẽ tiết lộ cho barista biết lúc nào nên dừng lại”, Anh Tuấn chia sẻ.

Công đoạn cuối là tạo hình. Nhìn chàng barista cẩn thận tắt quạt trước khi pha Latte-Art, chúng tôi mới hiểu phần nào về nghề của họ. Mỗi tách cà phê là cả một hành trình dài công việc, và sự tận tâm. Loáng trong chớp mắt, đôi cách thiên nga như bồng bềnh trên sóng bọt. Chúng tôi không hề biết rằng, chỉ là điều khiển dòng sữa trên lớp bọt latte, mỗi barista phải chọn lựa. “Nếu không được một tách cà phê đẹp, barista cũng sẽ không bao giờ có tách cà phê tàm tạm. Nó chỉ có thể là… xấu mà thôi”, Anh Tuấn khẳng định.

Để truyền tình yêu và ngọn lửa đam mê cho những ai yêu thích công việc này, chàng trai 22 tuổi vẫn đang nỗ lực hằng ngày. Tìm tòi, dịch và tự chắt lọc tài liệu, Lê Anh Tuấn đã mang những thông tin hữu ích về barista đến với mọi người thông qua trang mạng xã hội: We Are Art Lovers From Coffee & Beverages. Chàng trai lịch lãm đang dần khẳng định mình trên con đường mà anh lựa chọn.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai giảng các khóa đào tạo nghề

Chiều 19/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức lễ khai giảng các khóa đào tạo nghề, đánh giá kết quả hoạt động nghề năm 2024, triển khai kế hoạch đào tạo nghề năm 2025 và kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Khai giảng các khóa đào tạo nghề
Để văn hóa doanh nghiệp là chìa khóa phát triển bền vững

Văn hóa doanh nghiệp (DN)-chìa khóa vàng để phát triển bền vững là chủ đề chương trình cà phê doanh nhân do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh tổ chức trong ngày 16/11. Chương trình có sự tham gia chia sẻ của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa DN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sách doanh nhân.

Để văn hóa doanh nghiệp là chìa khóa phát triển bền vững
Phát huy thế mạnh nhân viên thu

Được mệnh danh là “cánh tay nối dài” của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), đội ngũ nhân viên thu là những người góp phần quan trọng trong việc đưa các chính sách bảo hiểm đến gần hơn với người dân, góp sức đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phát huy thế mạnh nhân viên thu
Nhân viên y tế tổ dân phố: Tâm tư chuyện phụ cấp

Cùng một cấp địa phương song chế độ phụ cấp của nhân viên y tế (NVYT) thôn, bản thì có, riêng tổ dân phố thì không. Điều này ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở, bởi đây là "cánh tay nối dài" của các trạm y tế.

Nhân viên y tế tổ dân phố Tâm tư chuyện phụ cấp

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top