ClockChủ Nhật, 12/09/2021 15:09

Thỏa sức sáng tạo với trào lưu “tự bạn làm lấy”

TTH - Tỉ mỉ, sáng tạo và vô cùng mới lạ, những sản phẩm DIY giúp nhiều bạn trẻ tìm thấy niềm đam mê, lạc quan và tạo ra thu nhập cho bản thân trong mùa dịch.

“Chạm” đến các vì saoGiới trẻ đam mê nhạc rap

Workshop đặc biệt từ vỏ bắp (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Do It Yourself

Tạm dịch là “tự bạn làm lấy”, đây là trào lưu mà mỗi cá nhân tạo ra hoặc sửa chữa một sản phẩm dựa trên sức sáng tạo của riêng mình. Lê Thanh Hải ở Quảng Điền đã tiếp cận với trào lưu này 3 năm qua, cho biết: “Thông thường mọi người hay nhầm lẫn giữa DIY và các sản phẩm handmade. Nhưng chỉ riêng cái tên đã thể hiện rõ ràng sự khác nhau giữa hai loại hình trên”.

Dù đều mang ý nghĩa là tự mình tạo ra sản phẩm nhưng trong khi handmade chỉ là những sản phẩm làm bằng tay nhỏ nhắn, giản đơn thì DIY lại là sức sáng tạo dựa trên việc làm mới hoặc sửa chữa dựa vào đôi tay và sự trợ giúp của máy móc. “Bởi thế, sản phẩm DIY có thể được làm từ bất cứ vật liệu nào. Chúng có thể to và nặng như bàn ghế, xích đu, nhà gỗ mini hay bé tí tẹo nhưng cần phải gia công vô cùng tỉ mỉ như bức tranh, móc khóa hay vòng đeo tay”, Thanh Hải cho biết thêm.

Những sản phẩm hoa từ vỏ bắp

Trên thế giới, trào lưu này ngày càng phổ biến, nhiều trang facebook và youtube chuyên về DIY thu hút từ hàng trăm nghìn đến cả triệu người theo dõi. Du nhập vào Việt Nam, sức hút của DIY vẫn vô cùng “hot”. Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người chọn lựa DIY như một hình thức giải trí lành mạnh, vừa tăng cường sức khỏe bằng các hành động cần thể chất như cưa, đục, dán, vừa xả stress và tạo ra thành quả là những sản phẩm DIY đẹp, lạ, phù hợp với phong cách của bản thân.

Tìm thấy niềm vui

Đang công tác tại một đơn vị liên quan đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, Đình Vũ, sinh năm 1985, cho biết: “Mình biết và tìm đến DIY trước hết là bởi đam mê. Và đam mê này ngày càng lớn khi công việc giúp mình thường xuyên tiếp cận những sản phẩm thủ công mới lạ, sáng tạo. Vì thế, mình rất vui dù mất bao công sức để mày mò tái chế, đục đẽo và hoàn thành những món đồ tự làm”.

Mẫu nhà DIY cho cún

Ba tháng gần đây, tạm thời phải nghỉ việc do tình hình dịch bệnh phức tạp, Đình Vũ tập trung vào niềm đam mê thứ hai này. Anh mày mò làm bàn ghế, đèn, thuyền. Điều đặc biệt, 8X chọn lựa tre làm nguyên vật liệu chính cho những món đồ mà mình tự thiết kế.

Anh kể: “Ngoài tình yêu với cây tre, loại cây gần gũi và thân thuộc, với mình, đây còn là nguyên vật liệu có độ bền cao, an toàn và dễ sử dụng”. Bận rộn với DIY, quỹ thời gian rảnh rỗi của anh không còn vô ích. Anh đóng bàn, ghế tre để phục vụ cho nhu cầu của gia đình, làm đèn trang trí cùng nhiều sản phẩm từ tre khác. “Cảm giác tự tay làm những chiếc bàn ghế mộc mạc ấy đối với mình rất hạnh phúc. Điều đó tiếp thêm cho mình sự lạc quan trong thời gian chờ tình hình dịch bệnh lắng dịu”.

Kết nối với nhau bằng niềm đam mê DIY, Thanh Hải và Đình Vũ đã trở thành đôi bạn gắn bó. Hai chàng trai thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để tập tành làm các sản phẩm độc đáo như nhà gỗ cho cún, tranh treo tường, hộp đèn… Sẻ chia kinh nghiệm và giúp nhau tạo nên những sản phẩm DIY hữu dụng, tiện ích, niềm vui của các chàng trai tăng lên gấp bội vì vừa tìm thấy người có chung niềm đam mê, vừa tạo ra thu nhập từ chính niềm đam mê ấy.

Lan tỏa tình yêu

Bởi đa dạng sản phẩm và độc đáo, lạ mắt nên nhiều người quen, bạn bè, khách hàng đã đặt mua những bức tranh, ngôi nhà mini mà Lê Thanh Hải thực hiện. Anh nói: “Mỗi ngôi nhà cho thú cưng (chó) mình bán với giá từ 1 – 1,5 triệu đồng. Tranh hoa tùy loại dao động từ 150 – 200 nghìn đồng. Mình còn nhận đan thêm giỏ xách từ vỏ chuối hay hộp quà từ bẹ chuối, từ đó tạo ra thu nhập để xoay vòng đam mê”.

Lê Thanh Hải còn lập fanpage Home Art để sẻ chia đam mê. Đặc biệt, anh còn gửi trao tình yêu với các nguyên vật liệu, sức sáng tạo DIY đến các bạn nhỏ. Tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi như dây chuối, vỏ bắp, anh đã tổ chức những workshop miễn phí dành cho các bạn nhỏ yêu chuộng sản phẩm tự chế.

Anh chia sẻ: “Năm 2020, mình tổ chức từ 5 - 6 buổi workshop. Trong đó, mình chia sẻ với các bạn nhỏ cách nhận biết các nguyên vật liệu cũng như học làm hoa từ vỏ bắp. Các loại hoa mà mình hướng dẫn khá dễ làm như hoa cúc, hoa tulip. Chỉ cần quan sát tầm 10 phút là các bạn nhỏ có thể thực hiện dễ dàng và sinh động”.

Bài: MAI HUẾ

Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học

Qua gần 1 năm học triển khai đại trà ở cấp tiểu học, giáo dục STEM lôi cuốn sự hứng thú và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Điều này được khẳng định qua các sản phẩm trưng bày tại ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào cuối tháng Tư.

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học
Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề

Lực lượng trẻ đóng vai trò quan trọng trong làm chủ kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Họ còn là đội ngũ kế cận trên hành trình xây dựng, phát triển đơn vị hướng tới ngang tầm khu vực, thế giới…

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Return to top