ClockChủ Nhật, 18/07/2021 05:50

“Chạm” đến các vì sao

TTH - Chúng tôi đã hiểu thế nào là mong ước một ngày nào đó được “chạm tay” đến các vì sao khi nhìn vào ánh mắt ấy. Ánh mắt của những bạn trẻ xứ Huế rực sáng như những thiên thể ngoài không gian, lóng lánh đam mê thiên văn bất tận.

Thủy sinh không chỉ là “trend”Xanh mướt các loại cây trong nhà

 “Săn” khoảnh khắc thiên văn

Vỡ òa hạnh phúc

Cánh chim đầu đàn hiện nay của các bạn trẻ nhóm Vật lý thiên văn Huế là Nguyễn Thị Ngoan, cô sinh viên đại học năm 3. Chẳng nói nhiều về mình, Ngoan “khoe” với chúng tôi về những thành viên ưu tú, lứa thế hệ 2K (sinh từ năm 2000 trở đi) với những kiến thức thiên văn vững vàng và niềm đam mê sáng bừng trên khuôn mặt. Đó là bạn trẻ Trương Đình Thịnh, cậu học trò Nguyễn Tiến và Đinh Công Quốc Đạt…

Nguyễn Thị Ngoan nói: “Kiến thức vật lý những năm cắp sách đến trường không đủ để chúng em thỏa mãn với niềm đam mê thiên văn học. Vì thế, chúng em tham gia các diễn đàn như Vật lý thiên văn Việt Nam, Tớ yêu thiên văn học… để trau dồi kiến thức, lý giải những hiện tượng thiên văn kỳ thú”.

Nhật thực

Cuối tháng 5 vừa rồi, Ngoan cùng các bạn trẻ nhóm Vật lý thiên văn Huế đã có cuộc hội ngộ đầy hứng khởi khi nguyệt thực toàn phần siêu trăng diễn ra. Bạn trẻ Trương Đình Thịnh hồ hởi: “Nguyệt thực toàn phần chỉ xảy ra khi mặt trời, trái đất và mặt trăng cùng nằm trên một đường thẳng. Lúc ấy mặt trăng đi vào vùng bóng tối của trái đất. Hạnh phúc nhất là lần nguyệt thực này diễn ra cùng thời điểm mặt trăng ở vị trí gần trái đất nhất. Thế nên, chúng em mới có dịp chứng kiến nguyệt thực toàn phần”.

Hạnh phúc giản đơn của Đình Thịnh xuất phát từ đam mê thiên văn thuở nhỏ. Niềm hạnh phúc ấy còn được nhân lên gấp bội khi em mua được chiếc kính thiên văn Celestron và thỏa thích ngắm trăng cùng các vì sao. Đình Thịnh kể: “Vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên em đã tự mày mò chế tạo kính thiên văn. Làm thủ công nên tác dụng khuyếch đại cường độ ánh sáng và hình ảnh của thiên thể trên bầu trời vẫn chưa chuẩn cho lắm. Bởi thế em quyết định đi làm thêm 4 tháng mới dành dụm đủ số tiền để mua kính”.

Đa dạng trải nghiệm

Từ khi sắm được chiếc kính, cuộc sống của Trương Đình Thịnh rộn ràng và đầy sắc màu. Các chòm sao, bề mặt mặt trăng gần với tầm tay hơn bao giờ hết. Thịnh nói: “Vì là đam mê nên sở thích yêu thiên văn không phân biệt tuổi tác, giới tính. So với các bạn, em đã là thế hệ “gạo cội”, bởi có bạn bén duyên với niềm đam mê này từ bé, thế nên nhóm của chúng em có rất nhiều thành viên tuổi thiếu niên”.

CLB thiên văn Trường THPT Vinh Xuân truyền tình yêu thiên văn đến các bạn kém may mắn

Nguyễn Tiến và Quốc Đạt là hai trong số những bạn trẻ ấy. Mê thiên văn từ những chương trình khoa học trên tivi, hai cậu học trò lớp 9, lớp 10 đều tự hỏi tại sao một chiếc kính nhỏ như vậy lại có thể quan sát được mặt trăng và các hành tinh gần đến thế. Tự để dành tiền tiết kiệm, Nguyễn Tiến khởi đầu đam mê với chiếc kính 300 nghìn đồng. Em nói: “Năm 2017, em dành dụm tiền mua chiếc kính này, tuy chất lượng không tốt lắm nhưng với em, chiếc kính ấy cũng như báu vật. Sau này, ông nội đã tặng cho em một chiếc kính thiên văn chất lượng hơn (cũng là món đồ rất quý của ông), bởi thế em thấy niềm đam mê của mình như được chắp cánh”.

Khác với Nguyễn Tiến, Quốc Đạt lại có những trải nghiệm thiên văn rất đáng nhớ ở quê hương Thanh Hóa. Em kể: “Mỗi lần ra quê là em leo lên chiếc chõng ngoài sân. Ông em thì nghỉ ngơi, còn em cứ ngắm bầu trời, có hôm đến 3 – 4h sáng. Ở quê ít ánh điện nên bầu trời trong trẻo, mỗi đêm trải nghiệm đối với em rất đáng quý”. Do tình hình dịch bệnh, thời gian Quốc Đạt về quê cứ giảm dần. Thay vì ngóng chờ bầu trời trong vắt nơi quê xa, Đạt củng cố thêm kiến thức và sắm một chiếc kính thiên văn “xịn” để ngắm thỏa thích sao trời. “Em còn học những kiến thức như xác định phương hướng bằng mặt trăng và các vì sao hay ngắm nhìn tinh vân, quan sát các hành tinh…”, Đạt nói.

Ươm mầm giấc mơ

Dịch chuyển bước chân về vùng quê ven biển Phú Vang, các bạn trẻ nơi phía chân sóng cũng đã có nơi chốn để theo đuổi đam mê của mình. Câu lạc bộ (CLB) thiên văn Trường THPT Vinh Xuân được thành lập từ năm 2017 là nơi ươm mầm cho nhiều bạn trẻ mê thiên văn. Nguyễn Văn Lợi, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Với chúng em, vũ trụ sẽ không còn đặc biệt nữa khi không có người thưởng ngoạn. Bởi thế, chúng em mong muốn các bạn trẻ mê thiên văn có nơi để gặp gỡ, giao lưu và trao đổi những kiến thức thiên văn”.

Không chỉ rộn ràng với những buổi chế tạo tên lửa nước, ngắm trời đêm… các bạn trẻ yêu thiên văn còn có những hoạt động ý nghĩa. Đó là chuyển tải tình yêu thiên văn đến các trường, nhất là các bạn thanh, thiếu niên có số phận kém may mắn hiện đang sinh hoạt tại Hội Người mù tỉnh. Trong buổi chia sẻ đó, các bạn trẻ gợi ý và trò chuyện về mưa sao băng, hố đen vũ trụ, câu chuyện của những hành tinh. Nguyễn Văn Lợi xúc động: “Các bạn rất hứng thú, và em cùng CLB cũng rất ngạc nhiên khi nhiều bạn am hiểu kiến thức về vũ trụ. Các bạn ấy không được may mắn khi không thể chiêm ngưỡng trọn vẹn bằng mắt như chúng em, nhưng em tin rằng trong những giấc mơ của các bạn, vũ trụ với các hành tinh, thiên hà sẽ luôn luôn rực sáng sắc màu”.

Thiên văn học là bộ môn nghiên cứu về mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, hành tinh, sao chổi, thiên hà... Nhưng với chúng tôi, đây còn là bộ môn chinh phục, vượt qua những giới hạn cũng như chạm đến trái tim của những người đam mê. Bởi thế khi các bạn trẻ mê thiên văn gặp gỡ nhau, không khí mới rộn ràng đến thế. Hay như chính niềm đam mê thiên văn đã thắp lên niềm mong ước cháy bỏng của Nguyễn Tiến khi mục tiêu của em là xây dựng được đài quan sát thiên văn tại nhà. Vì thế, dù là vùng quê ven chân sóng xa xôi, hay ở thành phố sáng rực ánh đèn, niềm đam mê thiên văn của những bạn trẻ xứ Huế vẫn đang tiếp tục bùng cháy.

Bài: MAI HUẾ - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi… nấm

Là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên thức uống mát lành, có lợi cho sức khỏe, thời gian gần đây, các loại probiotic (lợi khuẩn) như nấm kefir và con giống scoby càng được nhiều người biết đến, nhất là trong thời tiết mùa hè oi nóng.

Nuôi… nấm
Muốn đưa tin học Huế vươn xa

Với dự án website chấm bài trực tuyến (Quốc Học Huế Online Judge - OHHOJ), Tôn Thất Nhật Minh và Phan Bình Nguyên Lâm (cùng học lớp 12 Tin, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế) đã xây dựng một nền tảng trực tuyến nhằm nâng cao phong trào học tin học của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Muốn đưa tin học Huế vươn xa
“Xây” Kinh thành Huế qua Minecraft

Tự nhận mình là người phụ hồ, xây dựng các công trình kiến trúc bằng những viên gạch qua thế giới ảo, Team Fuho đã tái hiện lại Kinh thành Huế và nhiều công trình kiến trúc khác một cách gần gũi, chân thực thông qua game Minecraft.

“Xây” Kinh thành Huế qua Minecraft
Giới trẻ ngày càng ít dùng tiền mặt

Với sự nhanh chóng và thuận tiện, những hình thức thanh toán trực tuyến được nhiều bạn trẻ sử dụng thay cho những giao dịch bằng tiền mặt.

Giới trẻ ngày càng ít dùng tiền mặt
Giới trẻ thúc đẩy việc ứng dụng Generative AI ở châu Á - Thái Bình Dương

Các quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nắm bắt công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) nhanh hơn nhiều so với các quốc gia tiên tiến, với lực lượng lao động trẻ tuổi và sinh viên thúc đẩy một cách mạnh mẽ việc ứng dụng loại công nghệ này.

Giới trẻ thúc đẩy việc ứng dụng Generative AI ở châu Á - Thái Bình Dương
Return to top