ClockThứ Hai, 30/01/2017 14:16

Giày rồng

TTH - Xuất hiện nhiều trên báo chí nước ngoài, tham gia triển lãm, trình diễn thời trang, được các người mẫu cá tính lựa chọn... giày rồng (dragon shoes) có mặt tại 20 quốc gia với mức giá 450 USD/đôi. Vậy nhưng ít người biết đến nơi khai sinh của sản phẩm handmade tinh xảo này là Huế...

Giày rồng thuộc thương hiệu Wrong của Fashion4freedom (F4F), một doanh nghiệp xã hội ở Huế. Người “khai sinh” mẫu thời trang độc đáo này là chị Lan Vy Nguyễn - Việt kiều, đồng thời cũng là người sáng lập F4F.

Giày rồng được chạm khắc tinh xảo

“My Rong baby”

Khi nhắc đến giày rồng với những người thân, bao giờ chị Lan Vy cũng dùng cụm từ “My Rong baby” – “đứa bé Rồng” một cách trìu mến, bởi nó chẳng khác nào đứa con tinh thần đầu lòng mang đậm dấu ấn quê nhà. Đây cũng là sản phẩm khởi đầu cho hoạt động của F4F với kỳ vọng giúp nghệ nhân làng nghề tìm lại chỗ đứng trên thị trường.

Người mẫu mang giày rồng và các phụ kiện trang sức Wrong

“Ở trung tâm thương mại thế giới sôi động nhưng trong tâm trí tôi vẫn thường vọng về tiếng guốc mộc đơn sơ và hình ảnh tà áo dài kín cẩn của người bà đáng kính. Khi ghé thăm một xưởng mộc ở Huế, thấy những người thợ đang chạm rồng trên giá chuông, cột chùa, nhà rường... Chợt nghĩ, sao mình không làm một đôi giày đế hình rồng nhỉ”, doanh nhân Lan Vy hồi tưởng.

Từ bản thiết kế ý tưởng, cộng sự của chị tìm nguyên liệu, nghệ nhân ở các làng nghề Huế thực hiện. Sau 5 tháng thử nghiệm, tác phẩm nghệ thuật giày rồng đầu tiên ra đời, đó là một ngày mùa xuân năm 2012. “Người mẫu” đầu tiên mang đôi giày rồng lạ lùng sải bước trên đường phố New York (Mỹ) giữa những ngày tuyết rơi chính là “mẹ đẻ” của giày rồng – Lan Vy Nguyễn. “Chị Vy gọi về, reo lên trong điện thoại. Thành công rồi Quỳnh ơi! Người ta xin chụp ảnh đôi giày rồng. Họ hỏi giày này được làm ở đâu. Chị bảo: Việt Nam! Họ tròn mắt ngạc nhiên: Thật sao?”, Lê Thị Châu Quỳnh đồng sáng lập viên và điều hành F4F tại Huế nhớ về khoảnh khắc khó quên trong quá trình phát triển “đứa con đầu lòng” của F4F.

Đến nay, giám đốc sáng tạo Victoria Ho, người Anh tiếp tục hỗ trợ F4F phát triển các mẫu thiết kế mới từ đôi giày rồng đầu tiên.

Giày rồng là tác phẩm nghệ thuật hội tụ nghề chạm khắc gỗ và sơn mài tinh xảo của Huế qua phần đế giày thực hiện công phu. Theo anh Đỗ Văn Thanh, người có đôi bàn tay vàng trong nghề chạm khắc gỗ thì mỗi đôi giày hoàn thiện mất hơn 20 ngày, riêng khâu chạm mất một tuần. Sau khi chạm xong còn phải sấy khô thêm lần nữa mới sử dụng. Từ cốt đế, qua khâu sơn mài cần thêm một thời gian. “Lớp sơn mài lần thứ nhất sau 24 tiếng mới khô, để nhiều lớp và lên màu một đôi giày chờ vào da thì công phu lắm. Thực hiện trên đế giày đa diện của giày rồng phải xoay chuyển liên tục. Nếu ngắm nhìn đôi giày, mình nghĩ người chủ sở hữu nào cũng sẽ xuýt xoa”, anh Trần Xuân Minh, người phụ trách khâu sơn mài chia sẻ.

Giày rồng

Không chỉ đẹp

Dưới con mắt của những nhà thiết kế thời trang, giày rồng là sự hòa quyện giữa thời trang và văn hóa, giữa truyền thống và hiện đại. Một đôi giày rồng chẳng khác nào một thiết kế độc bản (vừa in cho một kiểu chân cùng yêu cầu chọn hoa văn từ bộ sưu tập). Từ năm 2012 đến nay, giá giày vẫn ở mức 450 USD/đôi (hơn 10 triệu đồng). “Chỉ tính riêng phí gửi đi nước ngoài vài đôi đã mất 10 triệu đồng. Lợi nhuận giày rồng không thấp nhưng chi phí đầu tư phát triển lại cao, F4F vẫn duy trì sản xuất vì nó là sản phẩm tinh túy của doanh nghiệp và giúp “nghệ nhân” (Lan Vy Nguyễn nhấn mạnh từ “artist”, bởi với chị, những người được F4F chọn đều có tài và góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống) xác lập vị thế xứng đáng.

Công đoạn làm đế giày

Khách hàng đặt giày rồng đa phần là người nước ngoài, sản phẩm này phù hợp với những người cá tính mạnh, sành điệu. Có khách đã đặt đến đôi thứ năm và vẫn háo hức đón chờ mẫu mới. Xuất hiện ở 20 quốc gia, chỉ riêng tại Việt Nam, giày rồng đã trở thành quà tặng của một số đại sứ quán, ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trang Cool Hunting (chuyên viết về những sáng tạo mới lạ) viết về giày rồng, bài viết được chia sẻ lại tại hơn 160 quốc gia, sau đó còn biết bao nhiêu kênh truyền hình và tạp chí thời trang quốc tế nhắc đến nó như một hiện tượng của thời trang Việt Nam. Tại Huế, F4F đang có kế hoạch xây dựng điểm triển lãm sản phẩm này phục vụ công chúng trong thời gian tới.

Từ người chuyên phục chế nhà rường Huế, anh Thanh làm quen với một sản phẩm khác; anh Minh cũng vậy. Những người thợ giỏi thể hiện tài năng ở một lĩnh vực mới nhưng vẫn giữ nghề, khoe cái tinh túy của nghề đến với bạn bè thế giới. Không những làm theo mẫu đơn hàng, họ còn có cơ hội sáng tạo ý tưởng và trao đổi với nhà thiết kế. Đó là cách là F4F vừa đào tạo, vừa nâng cao tư duy cho những nghệ nhân làng nghề. Lợi nhuận của sản phẩm tiếp tục được đầu tư phát triển các nghề truyền thống khác. Đây là một trong kế hoạch “Định nghĩa lại sự sang trọng” (Redefining luxury) với những sản phẩm “gây sốc” mà chị Lan Vy Nguyễn đem đến trong lĩnh vực thời trang, trong đó có giày rồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Lê Thị Châu Quỳnh lý giải thương hiệu của giày rồng - Wrong - nghĩa là lỗi, sai trái bởi cách nghĩ chẳng giống ai của những người lên ý tưởng này. Mang mẫu thiết kế đi đâu người ta cũng bảo không làm được, ai đời lại đem rồng (biểu tượng của cao sang, húy kỵ vào đôi giày), thật là sai lầm. Cách thực hiện cũng khác người. Nếu là doanh nghiệp thì đầu tiên phải là lợi nhuận. Nếu là nhà thiết kế chỗ này sản xuất không được thì chuyển sang chỗ khác chứ không mất thời gian đầu tư phát triển sản phẩm, phát triển kỹ năng hay máy móc cho nghệ nhân như vậy. F4F cũng không theo số đông, luôn tìm cách đột phá và có tầm nhìn chiến lược. Đó cũng là một trong những lý do “mẹ đẻ” giày rồng ra mắt nó ở một trung tâm thương mại – thời trang lớn của thế giới và tạo nên một cơn “choáng” với tài năng và tinh hoa văn hóa Việt rồi mới quay trở lại quê nhà. Trong bối cảnh cạnh tranh về giá cả và số lượng, Lan Vy Nguyễn và F4F vẫn chọn hướng đi tuy chậm nhưng bền với giày rồng đẹp-độc-lạ.

Trong một lần chia sẻ với cộng sự của mình, Lan Vy Nguyễn bảo chị rất tự hào về giày rồng. Với người phụ nữ hiện đại này, giày rồng không chỉ là thành tựu trong cuộc sống cá nhân mà còn là tinh hoa làng nghề Huế - Việt Nam chị mang ra mời cả thế giới thưởng thức, gợi mở trí tò mò về vùng đất hình chữ S còn nhiều bí ẩn...

Bài: Quỳnh Giang - Ảnh: Q.Giang - F4F

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
2S HOUSE – Giải pháp toàn diện cho dịch vụ xây nhà trọn gói tại Huế

Tại Huế, 2S HOUSE là cái tên sáng giá trong lĩnh vực xây nhà trọn gói, được đông đảo khách hàng tin tưởng nhờ sự tận tâm, chuyên nghiệp và đa dạng dịch vụ. Không chỉ kiến tạo nên những ngôi nhà bền đẹp, 2S HOUSE còn mang lại giá trị sống đích thực, góp phần nâng tầm không gian sống của gia đình Việt. Hãy cùng khám phá những yếu tố giúp 2S HOUSE trở thành thương hiệu được yêu thích tại vùng đất Cố đô.

2S HOUSE – Giải pháp toàn diện cho dịch vụ xây nhà trọn gói tại Huế
Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

Sáng 23/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ IX, khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động hội và phong trào phụ nữ năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế
Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top