ClockThứ Bảy, 19/10/2024 06:40

Thư viện ngày mưa

TTH - Cửa sổ mở rộng, hàng chục đóa hồng dưới mưa vẫn đỏ rực. Từ chỗ tôi ngồi nhìn ra có thể thấy một khu vườn nhỏ gồm nhiều chậu cây nằm dọc theo hành lang dài. Hơi xa sau mấy chậu hoa hồng là hai chậu đậu biếc, những bông hoa nhỏ tím một màu rất Huế đang bám chặt vào dây leo trên bờ tường. Ngày mưa, sắc hoa làm không gian thư viện vui lên.

Nỗ lực kéo bạn đọc đến thư viện

 Thư viện tại gia. Ảnh: Ngọc Hòa

Có hôm bạn điện thoại hỏi “Đang ở đâu đó?”, “Ở thư viện”. “U trời, giỏi hè, giỏi hè!”. Thì có giỏi gì đâu, đi thư viện là chuyện bình thường mà. Bây giờ có nhiều cách để tiếp cận một cuốn sách, một tài liệu... Nhưng đi thư viện có nhiều cái hay, rất hay, đó là nơi có thể cho bạn mượn những cuốn sách, những tờ báo, tạp chí chuyên ngành xuất bản từ rất lâu rồi, nhiều đầu sách thuộc hàng hiếm và nhiều đầu sách mới . Đi thư viện đọc sách thì cũng tiết kiệm được một khoản kinh phí kha khá (phần này dành cho các bạn yêu sách đang còn eo hẹp về kinh tế, tinh thần vẫn là nên mua sách mới để ủng hộ tác giả và ngành xuất bản). Điều quan trọng nhất, đó là đi thư viện thì việc đọc sách tập trung hơn, làm việc hiệu quả hơn.

Kể chuyện về thư viện, những thập niên cuối của thế kỷ XX, đó là địa chỉ mà từ học sinh cho đến sinh viên xem như là một điểm hẹn. Tôi có người bạn thời đại học, bạn ấy “ngồi học mòn ghế thư viện”, ai muốn tìm cứ đến thư viện là khắc gặp, thời sinh viên bạn ấy dính chặt với biệt hiệu “con mọt thư viện”. Đi thư viện học bài có nhiều chuyện vui, như chuyện “đặt chỗ” mà thật ra là giành chỗ vào mùa thi: Một người đi sớm, đặt giùm bạn mình một quyển sách hay tập vở trên bàn, “đặt cọc” chỗ ngồi; hay chuyện “người này” đi thư viện nên “người kia” cũng đi thư viện. Địa chỉ của sách vở này tạo nhiều kỷ niệm lắm, cũng là một thứ  “hành trang” của đời học sinh, sinh viên.

Không khí thư viện thì thời nào cũng vậy, luôn im lặng và tập trung. Có hôm phòng đọc chỉ vài người, nhưng cũng có hôm đông đúc, các bàn đều kín chỗ. Qua khung cửa sổ của thư viện cũng nghe được đời đang trôi ở ngoài kia, thỉnh thoảng vọng vào vài tiếng còi xe, mùa hạ là tiếng ve, mùa thu là nắng vàng và bầu trời xanh, mùa đông là tiếng mưa rơi tí tách. Có hôm trời đầy gió, có hôm trời đầy mây, nhiều khi bất chợt cũng thấy lòng mình bỗng mềm xuống, nhẹ bẫng khi nhìn qua khung cửa sổ thấy ngoài kia một khung trời rộng mở...

Bạn vẫn cười tôi sao bây giờ vẫn giữ thói quen đi thư viện “Chưa ớn sao?”. Thật sự là không thể “ớn” khi mình vẫn tìm thấy niềm vui khi đến thư viện. Chỗ thư viện tôi hay đến có một bạn đọc ước chừng cũng ba mươi tuổi, luôn ngồi ở một chỗ cạnh chậu cây xanh. Cô thủ thư nói nhỏ “Em ấy ngày nào cũng ngồi đọc sách ở đó. Thấy tóc tai dài vậy, có ngày để cả râu dài, mà hiền khô, ngồi học hết giờ thì về”. Thú thật, nếu gặp ở ngoài đường, khó ai nghĩ một chàng trai có vẻ ngoài hơi bụi bặm thế mà là một “con mọt thư viện”.

Ngoài địa chỉ truyền thống “vừa lành, vừa không tốn tiền” như học ở chùa, ở nhà thờ thì bây giờ học ở quán cà phê cũng đang rất thịnh hành. Nhưng vào quán cũng tốn tiền nên thư viện vẫn là địa chỉ uy tín và gắn bó với bạn đọc “trường kỳ” nhất. Có ngày tôi gặp nữ doanh nghiệp trẻ của Huế, chị miệt mài với sách vở, tài liệu... Liên tục một tuần như thế thì tuần sau tôi thấy chị xuất hiện trong một chương trình tọa đàm, bỗng thấy tin tưởng vào tương lai phát triển doanh nghiệp của chị. Trên khuôn mặt của những người học ở thư viện tôi nhìn thấy có điểm chung là sự tập trung cao, có lúc là sự vui mừng không dấu nổi khi tìm được tài liệu mình cần. Sách vở, từ xưa đến nay luôn đem đến những niềm vui không kìm nén được như vậy. 

Giữa những giá sách được xếp hàng ngay ngắn, nằm lặng lẽ xung quanh, tôi biết mỗi con chữ trong từng cuốn sách kia là tâm huyết, trí tuệ của người viết, nhọc nhằn và hao tổn tinh thần, sức lực dữ lắm. Tôi có người bạn, sau một công trình nghiên cứu, viết bài, bạn mệt đến nỗi tâm sự rất thật lòng “Bây giờ mình thấy chữ là sợ” nhưng nghỉ được chừng hai tuần, một tháng là thấy bạn vào đề tài mới, lại đọc, lại viết. Cho nên tôi tin thế giới đa dạng mà người đọc “gặp” trong những cuốn sách cũng là tấm lòng muốn dâng tặng đời và muốn chia sẻ tâm tư của người viết. Bạn đọc một quyển sách cũng là đang trò chuyện với một con người “Tôi ở cùng những chữ hôm nay/ Điều còn lại sau đường dài tôi vượt/ Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật/ Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi” (“Những chữ” - Lưu Quang Vũ).

Những ngày này, bạn đọc khắp thế giới vui mừng với nữ nhà văn Han Kang (Hàn Quốc) đạt giải Nobel văn học 2024. Những cuốn sách cũ hay mới đều đang sống cuộc đời “dâng tặng” của riêng mình. Tôi nhìn quanh, những mái đầu đang cặm cụi trên trang sách trong thư viện một ngày mưa, bỗng thấy nắng ấm đang tỏa ra từ mỗi trang sách và trên khuôn mặt của mỗi người đọc. 

Thư viện ngày mưa, dòng đời ở đây vẫn sống động, rộn ràng dưới từng con chữ.

XUÂN AN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động truyền thông của thư viện. Nếu làm tốt công tác truyền thông thì cộng đồng sẽ dễ dàng nhận diện rõ được vai trò, đóng góp của thư viện, giúp cộng đồng nhận biết, có ấn tượng tốt, kích thích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của thư viện nhiều hơn. Đó là một trong nhiều nhận định được các chuyên gia, những người làm công tác thư viện đưa ra khi bàn về việc truyền thông, quảng bá văn hóa đọc trong đời sống hiện nay.

Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện
Return to top