Thấy o Út một tháng trời chưa thể về quê, sáng nay, chị gái liền gửi cho tôi hình ảnh rổ cá rô đồng, cá ngạnh to ú nụ kèm lời nhắn: “Thấy bị kích thích chưa? Chắc Út đang thèm mấy món ni hì. Chị làm sạch rồi, chiều chị gửi xe khách lên, Út nhớ ra bến xe lấy nghe”.
Anh chị em nhà tôi là vậy, cứ hễ trong nhà có món gì lạ hay “mang dấu tuổi thơ” là nhớ ngay “ O Út”. Có lẽ vì ai cũng biết, tôi là đứa mê mẩn mấy món tuổi thơ hay “ăn mày dĩ vãng”, hay nói đúng hơn là tôi ở xa nhà nên được ưu ái hơn cả. May mắn, tôi sống không quá xa quê chỉ cần chạy xe gần một tiếng đồng hồ là về tới nhà nên cũng đỡ “nhớ nhà”. Nhưng cứ hễ cuối tuần nào bận rộn không được về hay cảm giác cách đò trở giang như những ngày mưa lũ vừa rồi là lòng lại nao nao nhớ nhà đến lạ lùng.
Quê tôi là xã bãi ngang, trước mặt là phá Tam Giang, phía sau là biển. Nói là bãi ngang ven biển, nhưng chúng tôi gắn bó với cánh đồng lúa, với vùng đầm phá nhiều hơn là với biển. Có lẽ vì xưa cánh đồng ấy là “cần câu cơm” cho cả gia đình tôi. Nhờ nó, chúng tôi được nuôi lớn, ăn học nên người.
Vùng quê ấy ngày xưa, tôm cá phong phú lắm, đôi khi chỉ cần cầm tay lưới ra đồng thả một lát là đã có đủ thức ăn cho cả nhà. Giờ, người ta sử dụng hóa chất trong trồng trọt nhiều, phần vì, người ta dùng kích điện đánh bắt nên thủy sản ít dần. Cá tôm cũng không còn phong phú như trước. Các loại cá đồng trở thành đặc sản chắc cũng vì lý do này.
Có lẽ vì trở thành đặc sản khó kiếm nên mỗi dịp đi ngang chợ thấy người ta bán cá rô đồng, cá ngạnh… là cảm giác lại bồn chồn nhớ nhà, nhớ món cá ngạnh kho sả, cá rô hấp cơm, cá rô um ném lại được dịp dâng lên. Đám trẻ xóm tôi ngày ấy cũng không ngoại lệ. Bởi khi thấy tôi đưa tấm ảnh về rổ cá rô, cá ngạnh chị gái gửi vào nhóm thanh niên của xóm, đám trẻ ngày nào lại dịp chộn rộn. Đứa thèm ăn cá rô hấp cơm, đứa lại thèm cảm giác được xách rổ, rá, hay cầm tay lưới ra đồng thả lưới khi mùa mưa về.
Với chúng tôi, những chú cá nhỏ ấy không chỉ là tuổi thơ, mà còn là động lực thôi thúc những đứa con xa quê “đi thật xa để trở về”.