ClockChủ Nhật, 06/11/2016 14:25

"Lộc" từ lũ

TTH.VN - Vào mùa mưa lũ nước các dòng sông chuyển màu nâu đỏ dạng màu phù sa. Nguồn nước này đổ về đầm phá, các nhánh sông mang theo nhiều cá, tôm.

Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến đánh bắt

Thời điểm này, ở các cánh đồng ở thôn Thuận Hòa, Vân Quật Đông (xã Hương Phong, TX Hương Trà) nông dân cầy lật đất ruộng đỏ phù sa. Giữa  cánh đồng mênh mang nước, người dân thả lưới, chơm cá đồng như, lóc, rô, trê, dét…Trên bến đầm phá, những chiếc thuyền nối đuôi nhau cập bờ chở đầy thủy sản mùa nước lũ.

Chợ sớm Hương Phong nhộn nhịp hơn so với ngày thường. Những rổ cá đồng, sông tươi rói được ngư vừa đánh bắt về bày bán ngay trên con đập, trong số đó với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Dền (thôn Vân Quật Đông) cho biết: “Nước lũ về mang theo nhiều cá tôm, sản lượng đánh bắt cũng cao hơn ngày thường. Những loại cá đắt tiền như, trặc, dìa… xuất hiện nhiều. Vợ chồng tui đánh bắt mấy ngày ni được khá nhiều cá to. Nếu như không có nước lũ, các loại cá đó hiếm khi xuất hiện”.

Bội thu sau chuyến đánh bắt

Tại vùng đầm phá huyện Phong Điền, người dân truyền tai nhau về câu chuyện bắt được cá chình núi gần chục cân theo dòng nước lũ, dạt về đầm phá. Loại sản vật đắt đỏ đó chỉ có những nhà hàng, quán ăn lùng sục thu mua. “Mùa này, trên đầm phá, khi đặt nò sáo, ngư dân thường bắt được cá chình. Nhỏ thì vài lạng, to đến cả chục cân. Ngoài ra, nước lũ còn mang theo nhiều loại cá khác. Mỗi cân cá chình núi từ 500-600 nghìn, chỉ có nhà hàng thu mua, thậm chí có thương lái từ tận Quảng Trị vào hỏi mua. Ngư dân nhờ rứa mà có thêm thu nhập. Như tui sau một đêm đặt nò sáo, kiếm được vài trăm ngàn đồng”, ông Cao Văn Bổng (Điền Hải, Phong Điền) nói.

Thời điểm này, các loại cá sông, đồng, đầm phá được người dân bày bán ở các ngôi chợ sớm vùng quê

Với nhiều nông dân nghèo, ít ruộng đất, lũ về là mùa ăn nên làm ra. Thôn 9, xã Điền Hòa (huyện Phong Điền), có gần 100% hộ dân hành nghề sông nước. Con nước trở màu, họ xem như mùa vàng để kiếm sống, các loại cá được ngư dân đánh bắt được nhiều như, cá bống thệ, mại, mặt trăng, ngạnh…. Ông Trần Chắm (thôn 9) nói: “Năm mô không lũ thì năm đó thất bát. So vời ngày thường, mùa lũ cá tôm bán được giá hơn. Cá đồng trở thành đặc sản, nhiều người ưa chuộng, mang ra chợ bán chỉ một loáng là xong. Vừa rồi, tui bắt được cá trặc hơn 2kg bán được 300 nghìn đồng”.

Cá cồi, cá đối nặng 3kg được ngư dân đánh bắt được sau mưa lũ

Cá trặc tự nhiên nặng 2,5kg được ngư dân xã Điền Hòa  đánh bắt được 

Tại xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), có 3 thôn với hàng trăm hộ đánh bắt thủy sản trên đầm phá. Những ngày mưa lũ, trở trở gió, họ không thể khua mái chèo theo dọc con nước. Bây giờ, sau lũ, tiết trời ổn đinh, nguồn thủy sản được tái tạo, bắt đầu mùa vụ đánh bắt mới. Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: “Hiện người dân đánh bắt chưa được nhiều tôm cá to vì mấy hôm nay trời trở gió mùa đông bắc, nhưng thường sau lũ, cá tôm theo con nước  dạt về đầm phá, chờ nguồn nước ổn định sẽ sinh sôi phát triển, tạo ra nguồn lợi đáng kể cho ngư dân. Do vậy, những ngày cuối tháng 10 (ÂL) thủy sản sẽ rất dồi dào. Thu nhập của bà con tăng lên đáng kể”.

Nhiều loại cá đồng sau lũ được bày bán tại các chơ vùng quê

Lũ lụt hằng năm không chỉ tái tạo nguồn lợi thủy sản mà còn cải thiện chất lượng môi trường nước trên vùng đầm phá, tăng cường sự lưu thông nước giữa đầm phá với biển, thay đổi số lượng, cấu trúc và thành phần loài thủy sinh trên các thủy vực, giúp cho hoạt động NT&KTTS ở các vụ sau lũ gặp nhiều thuận lợi hơn.  

L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương nhớ cá đồng

Với chúng tôi, những chú cá nhỏ ấy không chỉ là tuổi thơ, mà còn là động lực thôi thúc những đứa con xa quê “đi thật xa để trở về”.

Thương nhớ cá đồng
Return to top