ClockThứ Tư, 21/12/2022 20:54

Tìm thấy tình yêu thương, lòng biết ơn từ trang sách

TTH - “Em hiểu sâu sắc rằng sách đã mang đến cho chúng em không chỉ kiến thức phong phú, ngôn ngữ giàu đẹp mà còn khơi dậy tình yêu thương, lòng biết ơn” - cậu học sinh Hà Hữu Thái Hoàng - lớp 4 Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Huế) đã chia sẻ về những giá trị mà sách đã mang lại trong hành trình lan tỏa tình yêu thương đến với cộng đồng.

Từ sách đến câu chuyện thực tếĐọc sách trong môi trường thân thiệnThiếu nhi vẽ tranh theo sách chủ đề “Cùng nhau đọc sách”

Hà Hữu Thái Hoàng (giữa) cùng các bạn nhận giải thưởng. Ảnh: M. CHI

Từ "Tiệm sách mùa hè"

Thái Hoàng chính là tác giả của bài viết đã giành giải Nhất cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022 của tỉnh và giải B quốc gia với truyện ngắn “Tiệm sách mùa hè”. Trong “Tiệm sách mùa hè”, Thái Hoàng kể về việc có cậu nhóc mở một không gian đọc ngay chính trong phòng khách của gia đình. Ý tưởng ấy được phụ huynh đồng ý ngay khi nghe. Và không chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân, cậu nhóc ấy đã kết nối rất nhiều bè bạn cùng trang lứa đến đọc sách, chia sẻ những câu chuyện, cuốn sách hay… Ngoài ra, các thành viên của nhóm đọc sách còn lên kế hoạch sinh hoạt hàng tuần.

Không dừng lại đó, ở truyện ngắn “Tiệm sách mùa hè”, Thái Hoàng đã thuyết phục ban giám khảo bởi ý tưởng dự án chung tay xây dựng những “tiệm sách di động” ở những miền xa bằng cách quyên góp truyện, sách… từ khoản tiền tiết kiệm và kêu gọi sự ủng hộ từ mọi người.

Hôm nhận giải thưởng, Thái Hoàng xúc động chia sẻ đây là trải nghiệm đáng nhớ. Chính cuộc thi này đã giúp Thái Hoàng và nhiều bạn bè được thể hiện ý tưởng, khám phá thế giới trong trang sách và gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau.

“Từ cuộc thi này, em đã nỗ lực để sáng tạo và quyết tâm thực hiện Dự án đưa sách vở, đồ dùng học tập đến hơn 300 bạn học sinh Trường tiểu học Chà Val tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Em hiểu sâu sắc rằng sách đã mang đến cho chúng em không chỉ kiến thức phong phú, ngôn ngữ giàu đẹp mà còn khơi dậy tình yêu thương, lòng biết ơn”, Thái Hoàng chia sẻ.

Thái Hoàng còn cho biết, trong hành trình thực hiện dự án, luôn có thầy cô, gia đình đồng hành, cổ vũ. “Em ước mong tất cả các bạn nhỏ ở tỉnh và ở khắp mọi miền đất nước đều được quan tâm và chăm lo việc đọc, có cơ hội tham gia những cuộc thi bổ ích như thế này”, Hoàng nói sau khi nhận giải.

Cũng như Thái Hoàng, hơn 10.300 bài dự thi Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” là chừng ấy ý tưởng, những cảm nhận sâu sắc về sách, tạo sự xúc động và hiệu ứng với người đọc. Không chỉ thể hiện bằng hình thức viết, nhiều bài dự thi còn được đầu tư khá công phu, sáng tạo như vẽ hình minh họa, viết truyện tranh, quay video…

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, chủ đề của cuộc thi không chỉ giúp thí sinh định hướng được cách chọn sách để thực hiện bài thi, mà từ một chủ đề tưởng như rất lớn lao ấy, nhiều bạn thí sinh đã đề xuất những giải pháp, những việc làm rất gần gũi với môi trường, với lứa tuổi của mình. Từ đó khơi dậy và hình thành trách nhiệm công dân trong mỗi người dân với quê hương, đất nước, với cộng đồng. Thông qua cuộc thi, có thể thấy thói quen đọc và chia sẻ sách vẫn được rất nhiều người ở mọi độ tuổi, ngành nghề tiếp tục duy trì và sáng tạo phát huy. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho việc phát triển văn hóa đọc nói riêng và việc nâng cao dân trí nói chung ở Việt Nam. Điều này khẳng định thêm lần nữa cuộc thi đã thành công tốt đẹp và có sức lan tỏa mạnh mẽ về phong trào phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Học sinh ủng hộ sách để xây dựng tủ sách văn hóa (ảnh minh họa). Ảnh: MC

Giới thiệu sách bằng những cảnh quay đẹp

Cùng tổng kết, trao giải với cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, còn có cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến 2022. Ở cuộc thi này, ban tổ chức đã nhận được hơn 190 video của 68 trường trên địa bàn tỉnh. Các thí sinh tham dự đã chọn lọc để giới thiệu những cuốn sách hay, sách tốt với nội dung đa dạng, phong phú của tác giả trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, có em chọn giới thiệu sách về Huế với những cảnh quay đẹp, quảng bá về văn hóa, du lịch, con người Cố đô Huế thơ mộng. Một số khác chọn chia sẻ những cuốn sách có đề tài mới, mang tính thời sự và gắn với chủ đề “Sách và khát vọng và ước mơ” thông qua đó thấy thêm trách nhiệm với cuộc sống và tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh – Trưởng Ban tổ chức cả hai cuộc thi nhận định, ngoài lan tỏa văn hóa đọc, cuộc thi còn trở thành nguồn thông tin quý giá để giới thiệu hàng nghìn cuốn sách hay, bổ ích đến được với đông đảo độc giả, người yêu sách trong cả nước và hướng đến phục vụ từ xa cho cộng đồng.

NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
Return to top