1 - Nhà tôi có hai bà nội, ngoại. Thật tình thì một trong hai người không phải là bà nội “thật”. Bà ngoại là bà ngoại thật – người đã có mặt ở đó từ rất lâu, rất lâu. Hai bà cháu có cả một tuổi thơ dài với những quan tâm, chăm sóc và cả những đòn roi .
“Bà nội” của cháu kỳ thực là mệ giúp việc. Mệ xuất hiện ngày mẹ tôi sinh bé em, tức là đứa em gái tôi bây giờ. Tôi còn nhớ hôm đó ở hành lang dài đông đúc ở bệnh viện phụ sản, tóc mệ còn đen và mệ bảo chỉ ở với gia đình 3 tháng. Nhưng, nó kéo dài cho đến khi mái đầu mệ trở bạc, ngót nghét đến giờ cũng phải 16 năm. Đôi lúc có người đến hỏi, mệ tiện thì bảo tôi là bà ngoại, không tiện thì bảo là bà nội. Hiếm khi nào nghe được mệ tự xưng mình là quản gia hay người giúp việc, mà kỳ thực trong lòng "ai đó" vẫn muốn mệ là bà nội của mình hơn. Một phần nhỏ “ở đây” thì có lẽ cái danh xưng “người giúp việc” nghe quá đỗi xa lạ. Nhưng lớn hơn là đứa cháu nhỏ luôn nghĩ, vì bà nội thật đã đi xa từ lúc ba mình còn chưa hiểu chuyện, cháu gái có ước mong cũng không được nhìn thấy, nên bà gửi một người khác đến đây thay mình. Nhiều lúc tôi nghĩ ba sẽ buồn vì có người tranh làm bà nội của con, nhưng mấy bận mệ nghỉ ốm, ba vẫn thủ thỉ “không có mệ nhà cửa vắng vẻ ghê”.
Hai thế hệ cách nhau cả một quãng rất dài, thành ra khi chúng tôi bận rộn với việc vàng, bạn bè bù khú thì hai bà chỉ ở nhà, loanh quanh với hàng ngàn công việc không tên mình tự tìm kiếm được. Người chộn rộn cùng lau nhà, giặt áo quần, chuẩn bị các bữa. “Bạn” còn lại lao đao với vườn tược hay tủ đựng thức ăn vài ba hôm dọn lại một lần.
2 - Ngày họ trở thành những đứa trẻ và quan tâm đặc biệt cho giá vàng, lãi suất, tôi không chắc là nên vui, hay nên buồn. Đó có thể là tất cả những gì hai bà nghe và nhớ được trên các kênh truyền hình buổi tối, hay đúng hơn, là quan tâm chuyện mình nên bán khi nào và mua ra sao để chia đủ cho mấy đứa ở nhà.
Đỉnh điểm của sự trẻ con thường được nổ ra nhiều lần trong ngày, thường là một người 84 chê một bà 80 làm chậm; bà nhỏ hơn yếu thế, không nói lại được nên thủ thỉ với cháu “ngoại ở nhà chướng quá, sau cả mấy mươi năm mà nấu từng này muối, từng kia đường cũng lăn tăn được”. Tôi thấy họ "va chạm" nhau suốt ngày, có lúc cả về chuyện “mũi của tui cao hơn mũi của chị vì tôi ốm còn chị mập”. Những xung đột ngô nghê xuất hiện thường xuyên ở hai tấm lưng còng, làm người ta thấy thương không chịu được. Mà là vậy, chứ sau lại thì ở góc nhà vẫn có bì khoai ngon mệ để dành cho ngoại, hay tấm vải mềm ngoại cất lâu đời, đợi cả nhà đi hết rồi dúi dúi đem cho người bạn già của mình.
Thời gian cứ trôi nhanh khiến mẹ sắm cho ngoại cái điện thoại cũng phải chọn loại quay được số nhanh, mỗi câu nói tôi gửi cho hai bà cũng phải tăng lên hai, ba lần âm lượng. Kể cả dĩa bánh vừa ăn xong, nhiều khả năng rồi sẽ ậm ừ đang đói và chẳng đứa nào quan tâm cả. Gia đình có lúc mệt, cái mệt từ đâu đến vì buồn nhiều. Ngày họ nói với nhau về nấm mộ mình đang chuẩn bị, tôi khó chịu chỉ vì dối lòng họ còn là cô bé. Một lúc nào đó nhà cửa trống hoe, đến cái điệu nói to mình cũng không làm được, thì chẳng biết ngày sẽ lê thê đến thế nào.
Hani