“A lô, con đó à. Sáng nay cái chị rạch ví, định lấy tiền của mẹ tội nghiệp thật”. Tôi ngạc nhiên nhưng chưa kịp hỏi đầu đuôi thì mẹ kể, do tuổi già, không còn được nhanh nhẹn như trước nên nhớ cái này lại quên cái khác. Sáng nay, mải lựa mớ mực cho tươi ngon nên tay cầm chiếc ví có phần “lơi lỏng”. Khi một cô gái túm chặt bàn tay đang rạch chiếc ví và hô hoán lên bắt quả tang, mẹ mới giật mình. Người trộm tiền của mẹ là một phụ nữ, cúi gằm mặt giữa bao nhiêu là ánh mắt giận dữ. Mẹ hỏi sao lại đi ăn trộm, chị ta nói do hoàn cảnh khó khăn quá, chồng bệnh tật triền miên, con cái nheo nhóc nên đâm ra nghĩ quẩn làm liều. Sau khi khuyên chị ta cố gắng kiếm công việc làm thuê nào đó, nặng nhọc chút nhưng lương thiện, mẹ cho chị ta ít tiền, trước lúc mọi người dẫn chị ta vào giao ban quản lý chợ giải quyết sự việc. Thế rồi cả ngày mẹ cứ vơ vẩn băn khoăn về người phụ nữ ấy. Mẹ bảo, cũng có thể những lời chị ta nói là không thật, nhưng nếu hoàn cảnh cuộc sống đúng như lời trần tình lúc sáng, thì chị ta đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Phải biết tha thứ và làm cách nào giúp những người trót lỗi lầm như chị ta trở về cuộc sống bình thường, lương thiện.
Mẹ tôi là vậy, luôn lo lắng cho người khác và không ngần ngại sẻ chia. Đi xa tuổi thơ đã mấy chục năm, bây giờ tóc đã có những sợi bạc, nhưng tôi vẫn nhớ như in những năm tháng còn là cô bé nhóc ở quê nhà. Lúc đó cuộc sống rất khó khăn. Ba mẹ tôi là giáo viên, nhà có sổ gạo, có tem phiếu thực phẩm. Gạo mậu dịch có khi mốc và phần thịt của mỗi tháng, mẹ tôi bao giờ cũng hoán đổi ra ký mỡ về rán lên cất kỹ trong thẩu, dùng dè sẻn khi nấu canh hay xào rau. Thức ăn là nỗi thèm thuồng, ao ước đối với anh em chúng tôi và lũ trẻ con trong xóm. Bởi có những gia đình nhiều tháng liền chỉ có khoai sắn qua bữa. Với chúng tôi, tết hoặc ngày kỵ giỗ là ngày vui nhất, đáng mong chờ nhất, vì sẽ được ăn những món ngon lành “sang trọng”, mỗi năm chỉ có vài lần.
Ấy thế mà, sau khi nén hương trên bàn thờ tổ tiên cháy hết, mâm cỗ hạ xuống, trước những con mắt háo hức của 3 đứa con, mẹ từ tốn lấy mấy chiếc bát, đĩa mới, món nào cũng san bớt thức ăn đặt vào chiếc mâm khác, bảo để lát nữa bưng sang nhà hàng xóm. Đó là hai mẹ con mà người mẹ là một mệ già và người con gái tuy đã lớn tuổi nhưng trí não chậm phát triển. Hai mẹ con nương tựa nhau trong túp lều dột nát, sống qua ngày bằng nghề kiếm củi về bán. “Đọc” được sự “nuối tiếc” trong ánh mắt chúng tôi, mẹ nhẹ nhàng giải thích, nhà mình dù sao mỗi năm còn được mấy lần ăn ngon. Mệ T và con của mệ khó khăn lắm, đáng thương lắm, nên nhà mình bớt lại chút ít, biếu mệ. Lâu dần không đợi mẹ nhắc, lũ anh em chúng tôi biết tự động san phần thức ăn ngon cho nhà mệ T, mỗi lúc đến dịp giỗ, tết... Những việc mẹ làm lâu ngày “lây” sang lũ con, để chúng tôi biết cảm thương những mảnh đời bất hạnh.
Trong “ngày của mẹ”, định trò chuyện thật lâu những câu chuyện không đầu không cuối, để mẹ được vui. Thế nhưng tôi lại được nhận “món quà”, đó là tấm lòng của mẹ. Nỗi trăn trở suốt cả ngày hôm nay của mẹ, thêm lần nữa nhắc nhở tôi biết lắng nghe, tha thứ, yêu thương...
Tôi thầm nói, mẹ của con thật tuyệt vời. Cảm ơn mẹ! Vì đã sinh ra con, để con được làm con của mẹ!
Quỳnh Anh