Cứ mỗi mùa nước cạn mẹ tôi xách giỏ, rủ mấy bà hàng xóm ra phá dậm trìa bằng đôi chân dạn dày sương gió, khả năng chịu đựng nắng mưa, ngâm mình trong nước suốt mấy tiếng đồng hồ.
Những con trìa căng tròn, ngọt lịm mẹ bắt ở phá Tam Giang đã nuôi lớn chị em tôi. Nhớ hôm nào, trước lúc đi dậm trìa, mẹ bảo: "Con qua nhà mụ Ky hái mấy trái khế chua để sẵn cho mẹ nấu canh". Vị ngọt ngon của trìa, vị chua, thanh của khế đã tạo nên hương vị khó phai trong ký ức bọn trẻ chúng tôi. Trìa ở phá Tam Giang có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng của vùng sông nước nơi đây, khó nơi nào sánh bằng. Những hôm tôi bị cảm lạnh, mẹ nấu cháo trìa để “tiếp sức”. Tô cháo trìa khói bốc nghi ngút, xông vào mũi, miệng cay xè. Vị nồng của hành tím, vị cay của tiêu, ớt cao sản thái mỏng. Chao ôi...
Dậm trìa tuy không nguy hiểm như đi biển, nhưng để được an toàn, khi gặp sự cố mà bám víu, nương tựa vào nhau mẹ chưa bao giờ đi một mình, mà rủ dăm ba người cùng đi. Dụng cụ của mẹ chỉ là cái oi đan bằng tre, buộc vào chiếc phao, để bồng bềnh trên mặt nước. Mẹ dùng dây vải mềm, một đầu buộc vào miệng oi, đầu kia buộc vào thắt lưng. Mẹ đi đến đâu, cái oi trôi theo đến đó. Mẹ bắt trìa theo quán tính, bằng kinh nghiệm suốt mấy mươi năm của người dân chài thực thụ. Dùng chân dậm vào mình trìa. Nước lút đến tận cổ, mắt dõi theo từng con sóng đang đua nhau vỗ bờ. Chỉ bằng bàn chân, bằng xúc giác, con nào lớn, bé, hình dạng thế nào, mẹ đều biết một cách tường tận.
Công việc dậm trìa của mẹ nhiều lúc cũng gặp rủi ro, do dậm phải mẻ chai, đinh thép... dưới đáy sông. Chân rướm máu, nhức nhối thịt da. Những lúc đó, mẹ bình thản hái lá cây cỏ mực xát vào vết thương, dùng vải mềm buộc chặt. Sáng hôm sau, mẹ lại tiếp tục đi dậm trìa để mưu sinh. Chị em tôi chăm chỉ học hành là nguồn động viên lớn để mẹ vượt qua biết bao sóng gió và cả hiểm nguy luôn rình rập. Những ngày con nước dâng cao, sóng trắng xóa, đua nhau vỗ bờ tới tấp, rồi mưa lũ triền miên ập đến, mẹ ngồi tựa cửa, mắt đăm chiêu nhìn ra đầm phá bạt ngàn sóng nước, miệng lẩm nhẩm cầu trời, khấn Phật, mong bình yên đến với mẹ, với những người dân xóm chài ven phá Tam Giang.
Võ Văn Dần